Tour 0 đồng - "Gai nhọn" nhổ mãi không hết!

08:14, 11/07/2017
|
(VnMedia)-  Sau một thời gian tạm lắng xuống vì sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng liên quan đến tour 0 đồng, hiện nay tình trạng này đã xuất hiện trở lại tại Móng Cái, Quảng Ninh dưới hình thức mới. Sự luồn lách của tour 0 đồng khiến người ta liên tưởng đến một cái gai mà cố đến mấy cũng không nhổ hết chân!
Một cửa hàng chỉ phục vụ cho khách Trung Quốc. Ảnh: Lao động
Một cửa hàng chỉ phục vụ cho khách Trung Quốc. Ảnh: Lao động
 
Tại Việt Nam, những điểm đến bị tour 0 đồng "bủa vây" là Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang... đặc biệt là sự quá tải tại Móng Cái (Quảng Ninh). Mặc dù đã có nhiều biện pháp mạnh để chấn chỉnh hoạt động tour 0 đồng này, nhưng tình trạng tour 0 đồng chỉ tạm lắng chứ chưa có dấu hiệu được giải quyết. 

Từ cuối tháng 3/2017, tỉnh Quảng Ninh đã chính thức thực hiện chiến dịch làm sạch môi trường kinh doanh du lịch, trong đó tập trung việc chấn chỉnh các hoạt động dịch vụ lữ hành mà tâm điểm là đối với luồng khách quốc tế Trung Quốc.

Ngày 31/3, Sở Du lịch Quảng Ninh đã tạm thu hồi quyết định công nhận điểm mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch của 9 cá nhân, tập thể. Tiêp đó, Quảng Ninh còn tiếp tục tước giấy phép kinh doanh 12 tháng và xử phạt hành chính 25 triệu đồng đối với Công ty Chính Hoàng Đại Phát (có địa chỉ tại Trần Phú, Móng Cái), do ông Hà Đình Cẩn làm giám đốc.

Và hiện nay, tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, hàng ngày vẫn có khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam qua “tour 0 đồng”, dù không nhiều như trước đây. Trao đổi với báo chí, ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Quảng Ninh, xác nhận hiện mỗi ngày có khoảng 1.000 lượt khách Trung Quốc nhập cảnh qua cửa khẩu này theo “tour 0 đồng”. Nếu tính cả từ đầu năm đến nay, có khoảng 660.000 lượt khách Trung Quốc đến Quảng Ninh theo kiểu này. 

Trong khi đó, tại TP.Hạ Long và TP.Móng Cái, các cửa hàng chỉ phục vụ cho khách Trung Quốc mang tên Cửa hàng mua sắm ASEAN (TP.Móng Cái), Viet Hung (P.Tuần Châu, TP.Hạ Long); Đặc sản VN (P.Hùng Thắng, TP.Hạ Long) đều đã hoạt động trở lại.

Trả lời trong phiên chất vấn kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ninh cuối tuần qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy một lần nữa cho biết, các cửa hàng chỉ đón khách Trung Quốc như kể trên chính là “bầu sữa” nuôi các “tour 0 đồng”. Theo bà Thủy, các cửa hàng này do người Việt Nam đứng tên, nhưng điều hành đều là người Trung Quốc. “Sau khi biết mình bị lừa, nhiều du khách Trung Quốc gần đây đã lên mạng xã hội nói xấu người Việt Nam”, bà Thủy nói.
 
Sự tinh vi của những cái bắt tay thực hiện tour 0 đồng khiến cho những nhà quản lý du lịch và cả dư luận vô cùng bức xúc.
 
Theo phân tích của chuyên viên Vụ Thị trường du lịch Lê Vàng (Tổng cục Du lịch), tour giá rẻ hay tour 0 đồng thực chất đã xuất hiện tại Thái Lan từ năm 1995, sau đó xuất hiện tại Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và Singapore, đến giờ vẫn tồn tại. Đoàn khách Trung Quốc đầu tiên đến châu Âu năm 2004 chính là đoàn khách tour 0 đồng, khi đó hướng dẫn viên phải trả công ty du lịch trung bình 180 euro/đầu khách.
 
Theo các chuyên gia, tour giá rẻ hay tour 0 đồng, âm đồng thực chất xuất phát từ cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt về giá. Do có rất nhiều công ty cùng bán một sản phẩm hoặc nhiều sản phẩm khác nhau khiến cho khách du lịch có nhiều lựa chọn phong phú, các công ty phải giành giật khách hàng bằng việc áp dụng cạnh tranh về giá. Ví dụ tại Hàng Châu, có đến hơn 100 công ty lữ hành bán sản phẩm Nha Trang và Đà Nẵng. Họ thuê máy bay của Vietnam Airlines (VNA), Vietjet, Dragon Airlines, hàng không Thủ đô. Ngoài ra cũng còn rất nhiều công ty thuê máy bay cung cấp sản phẩm đến đảo Bali, Phuket, Maldives, Saipan, Krabi…Khách du lịch Hàng Châu có rất nhiều lựa chọn với chi phí không hề đắt đỏ. Những công ty bán sản phẩm du lịch Đà Nẵng và Nha Trang chắc chắn không thể nằm ngoài vòng xoáy của cuộc chiến về giá với các điểm đến khác.
 
Bên cạnh đó còn là cuộc chiến của các hãng hàng không và các nhà thầu máy bay. Năm 2016, một tuần có 60 chuyến charter từ 10 thành phố của Trung Quốc đến Nha Trang, chỉ tính riêng Thành Đô-Nha Trang một tuần 20 chuyến, chưa kể hàng ngày đều có các chuyến bay đến từ Bắc Kinh, Hàng Châu, Thượng Hải, Vũ Hán, Trùng Khánh, Thiên Tân, Côn Minh, Quảng Châu, Thâm Quyến. Và đây cũng chính là cuộc chiến của của ba hãng hàng không nội địa gồm VNA, Vietjet Air, Jetstar và China Airlines, Chengdu Airlines, Hainan Airlines. Trong khi đó, mỗi tuần có khoảng 50 chuyến charter từ 10 thành phố của Trung Quốc đến Đà Nẵng. Ngoài những đường bay định kỳ như Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Thành Đô, Quảng Châu còn có Côn Minh, Vô Tích, Trùng Khánh, Nam Kinh Nam Ninh, Hải Khẩu, Tam Á, Thâm Quyến. Ở đây tương tự cũng chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của ba hãng hàng không Việt Nam kể trên và hàng không Phương Đông, Tứ Xuyên, Hải Nam của Trung Quốc.
 
Trên thực tế, chính phủ và ngành du lịch các nước đều muốn đoạn tuyệt với tour giá rẻ và tour 0 đồng nhưng thực tế đều lúng túng, đặc biệt trong thời đại cạnh tranh du lịch ngày càng khốc liệt như hiện nay. Đây là cạnh tranh giữa các quốc gia, thành phố, công ty gom khách, công ty đón khách, hãng hàng không, sản phẩm tương đồng.
 
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết vấn nạn tour 0 đồng. Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho biết sẽ tăng cường công tác quản lý để siết tour 0 đồng. 
 
Để có đáp án tốt nhất cho gai nhọn tour 0 đồng, phải quản lý tốt các công ty lữ hành, nghiêm cấm hành vi “mua đoàn” hoặc bán lại đầu khách cho hướng dẫn viên, nếu bị phát hiện sẽ tước giấy phép hành nghề hướng dẫn và giấy phép lữ hành quốc tế.
 
Trên thực tế, đã có nhiều điểm bán hàng với điểm mua sắm, nếu quản lý tốt thì đây là nguồn thu ngoại tệ rất lớn, có tác dụng phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng hóa tại chỗ. Các điểm mua sắm cần được gắn biển đạt chuẩn, đảm bảo khách không mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Hàng năm sẽ tiến hành xếp hạng, đánh giá các cơ sở mua sắm này thông qua đánh giá và khiếu nại của khách. Thực tế cho thấy, trong khi chúng ta khó lòng khiến khách từ các thị trường khác rút hầu bao mua sắm thì khách du lịch Trung Quốc lại có khả năng mua sắm rất cao, họ mua bất kỳ những gì có gắn mác “made in Vietnam” khi đến Nha Trang.
 
Cần thành lập đội phản ứng nhanh với số điện thoại đường dây nóng cho các ngôn ngữ Trung, Hàn, Anh, Nhật, Nga; số điện thoại đường dây nóng nên công khai ở khắp nơi từ khách sạn, sân bay, khu tuyến điểm du lịch, xe vận chuyển nhằm đảm bảo khách dễ dàng phản ánh, khiếu kiện.
 
Mặt khác, cần thay đổi quan điểm nhìn nhận từ người dân đến các cấp các ngành đối với bản chất vận động của thị trường và thái độ ứng xử với khách. Tour giá rẻ hay tour 0 đồng không phải lỗi của công ty gửi khách, cũng không phải lỗi của công ty đón khách, càng không phải lỗi của khách du lịch mà phần lớn do hệ quả cung cầu của thị trường kèm theo sự cạnh tranh khốc liệt của nó. Thái độ ứng xử của người dân hay các biện pháp quản lý của địa phương phải xoay quanh lấy lợi ích chính đáng của du khách làm trung tâm.
 
Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc