Du lịch với cuộc cách mạng 4.0

07:17, 27/07/2017
|
(VnMedia)-  Internet bùng nổ, smartphone là vật dụng không thể thiếu đặc biệt của những người thích du lịch, người tiêu dùng cũng tiếp cận với xu hướng tìm kiếm trực tuyến thì ngành du lịch không thể đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0.
 
Năm 2016, doanh thu của thị trường du lịch trực tuyến toàn cầu đạt khoảng 565 tỉ USD, chia làm ba mảng chính: Lưu trú khách sạn (chiếm 46%), vận chuyển (30%), du lịch trọn gói (24%). Tại Việt Nam, tỉ lệ người sử dụng internet để đặt các dịch vụ du lịch chưa phải là thế mạnh (mới chỉ chiếm 34%), chủ yếu vẫn là hình thức đặt dịch vụ trực tiếp với các nhà cung cấp. Tuy nhiên, con số này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo.
 
Với xu thế của thời đại công nghệ, du lịch Việt Nam buộc phải chuyển mình để bắt kịp với 4.0 nếu không muốn lép vế với các doanh nghiệp ngoại ngay trên sân nhà. Khi mà tại Việt Nam, thị phần lớn nhất về lưu trú khách sạn đang rơi vào tay hai "ông lớn" agoda.com và booking.com (đều thuộc tập đoàn The Priceline của Mỹ).

Agoda có hơn 7.600 khách sạn đối tác ở Việt Nam. Booking không kém cạnh cũng có hơn 6.000 khách sạn đối tác. Bởi thương hiệu Agoda và Booking đã quá nổi tiếng trên thị trường đặt phòng toàn cầu nên các khách sạn Việt Nam khi muốn tiếp cận khách nước ngoài đều sẵn sàng chi hoa hồng "đậm" để có mặt trên hai website này.

Không phải Việt Nam không biết đến thế mạnh của internet với ngành du lịch, tuy nhiên vì nhiều lý do, chúng ta đang đi chậm hơn so với kỳ vọng.
 
Phát biểu trong ngày du lịch trực tuyến mới đây, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết, "đầu năm 1997, ngay khi Chính phủ chính thức cấp phép sử dụng internet, chúng tôi nghĩ rằng du lịch sẽ là ngành được tận hưởng tiện ích này lớn nhất. Chúng tôi bắt đầu sang Mỹ để tìm hiểu và tới tháng 12/1997, website du lịch đầu tiên ở Việt Nam chính thức được khai trương. Lúc đó, chúng tôi chỉ hiểu được rằng internet sẽ mang lại cho ngành du lịch một luồng gió mới là cung cấp thông tin. Rồi du lịch trực tuyến phát triển cực kỳ mạnh mẽ ở Mỹ. Chúng tôi chợt nhận ra ngoài việc quảng bá thì làm thế nào phải đưa kinh doanh vào website của mình".

Tuy nhiên, khái niệm thương mại điện tử khi đó chưa rõ ràng, các hệ thống thanh toán điện tử thì lại càng không thể bàn đến. "Điều chúng tôi làm được chỉ là tạo điều kiện cho những người đi du lịch có thể tìm kiếm thông tin xây dựng cho mình các tour, sản phẩm thích hợp. Nhưng trên thực tiễn công việc đó không hề dễ dàng. Du lịch đã đi đầu trong việc xây dựng trang web, truyền thông trên internet nhưng lại đi sau các ngành trong lĩnh vực thương mại điện tử. Cho tới khoảng 5-6 năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam mới đang tiệm cận lĩnh vực trực tuyến", ông Vũ Thế Bình bày tỏ.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cũng nhận định, du lịch đi tiên phong trong ứng dụng internet nhưng đáng tiếc đã mất một khoảng thời gian chững lại. Cho tới gần đây du lịch Việt đang bắt đầu có chuyển động mạnh mẽ ở cả 3 khối: Cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

"Đầu năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chỉ 6 tháng sau, Quốc hội thông qua Luật Du lịch (sửa đổi). Tổng cục Du lịch đang xây dựng Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch đến 2020 và tầm nhìn đến 2030. Đó là những chuyển động mạnh mẽ nhất từ phía cơ quan quản lý. Còn người đi du lịch thì càng ngày càng thông minh. Xu thế đã rất rõ ràng. Doanh nghiệp có kịp thay đổi để bắt kịp hay không mà thôi", ông Nguyễn Thanh Hưng bày tỏ.

Theo phân tích, dựa trên nghiên cứu thị trường, rà soát khoảng trống giữa công nghệ và du lịch, chắc chắn du lịch sẽ là ngành tiếp sau công nghệ thông tin tạo ra sự đột phá trong tiêu dùng và cung cấp dịch vụ. Bởi lẽ hai ngành này có khả năng cung cấp những dịch vụ cá thể hóa tới khách hàng.

Với sự chuyển mình và vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, mô hình 4.0 của ngành du lịch đã được Tổng cục Du lịch giới thiệu. Kỳ vọng rằng, áp dụng 4.0 vào ngành du lịch sẽ mang đến làn gió mới cho sự phát triển của ngành công nghiệp không khói này ngay tại nội địa.

Bởi theo số liệu của công ty IDM Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu tìm kiếm các thông tin về du lịch trên mạng tại Việt Nam tăng hơn 32 lần. Trong đó, mỗi tháng có hơn 5 triệu lượt tìm kiếm bằng tiếng Việt về các sản phẩm du lịch như tour trong nước, tour nước ngoài, đặt phòng khách sạn, các loại hình du lịch… Vào những tháng du lịch hè cao điểm, số lượt tìm kiếm có thể lên đến 8 triệu lượt.

 

 

 

 

Lam Nguyên


Ý kiến bạn đọc