Du lịch Việt: Dằng dặc chặng đường từ kỳ vọng đến hiện thực!

06:47, 04/05/2017
|

(VnMedia) - Ngành du lịch đã góp phần thay đổi thế giới theo hướng phát triển bền vững. Việt Nam cũng đang kỳ vọng nhiều ở ngành công nghiệp không khói này. Nhưng từ kỳ vọng đến hiện thực là cả một quãng đường dài!

Chợ đêm Sầm Sơn.
Chợ đêm Sầm Sơn.

Du lịch góp phần thay đổi thế giới theo hướng phát triển bền vững

Tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về du lịch diễn ra trong hai ngày 26,27/4 vừa qua tại Băng Cốc, Thái Lan do Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) phối hợp với Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Cơ quan Du lịch Thái Lan (TAT) tổ chức đã khẳng định ngành du lịch góp phần thay đổi thế giới theo hướng phát triển bền vững. 

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), lượng khách du lịch quốc tế năm 2016 ước đạt 1,235 tỷ lượt, tăng 3,9% so với năm 2015. Đây là năm thứ 7 liên tiếp du lịch thế giới duy trì tốc độ tăng trưởng đều đặn kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2009.

Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) năm 2016, du lịch và lữ hành toàn cầu đóng góp trực tiếp vào GDP hơn 2,3 nghìn tỷ USD (tương đương 3,1%) và trực tiếp tạo ra gần 109 triệu việc làm (chiếm 3,6% tổng việc làm trên toàn thế giới). Tính cả tác động gián tiếp và lan tỏa, năm 2016, tổng đóng góp của du lịch và lữ hành cho nền kinh tế toàn cầu lên đến hơn 7,6 nghìn tỷ USD (10,2%) và tổng đóng góp vào việc làm là hơn 292 triệu việc làm (chiếm 9,6%). Như vậy, cứ 10 việc làm (cả trực tiếp và gián tiếp) trên toàn cầu thì có một việc làm trong ngành du lịch.  

Cơ hội 

Năm 2016, du lịch Việt Nam đã ghi dấu ấn khi lần đầu tiên đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế (+26%) và cũng là lần đầu tiên lượng khách quốc tế đến tăng trên 2 triệu lượt trong một năm. Cùng với đó, ngành đã phục vụ 62 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 400 nghìn tỷ đồng.

Trong 4 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đón hơn 4,2 triệu lượt khách quốc tế (tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2016), liên tục đạt trên 1 triệu lượt khách mỗi tháng. Nếu tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng, du lịch Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu đón 11,5 triệu lượt khách trong năm 2017.

Đặc biệt, ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đồng thời, trong năm nay Quốc hội sẽ xem xét và thông qua Luật Du lịch (sửa đổi). Điều này sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi và cơ hội cho du lịch Việt Nam phát triển mạnh trong thời kỳ mới.

Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Với mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch Việt Nam sẽ thu hút được 17 đến 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, đây sẽ trở thành một cơ hội tốt cho lĩnh vực nhà hàng khác sạn phát triển. Dự kiến trong thời gian tới, tại các khu vực trung tâm du lịch đặc biệt là khu vực ven biển sẽ có thêm nhiều khách sạn cao cấp từ 3 đến 5 sao.

Theo Hiệp hội khách sạn Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của hệ thống các cơ sở lưu trú du lịch trong những năm gần đây tăng khá cao. Khách sạn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có công suất tương đương các thành phố lớn trong khu vực ASEAN. So với năm 2010 thì năm 2016 tăng 1,75 lần về số lượng. Loại hình cơ sở lưu trú du lịch ngày càng đa dạng, phong phú, ngoài khách sạn và nhà nghỉ thì đã hình thành nhiều loại hình khác như khách sạn nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch... Các cơ sở lưu trú du lịch quy mô lớn được đầu tư tập trung ở các trung tâm du lịch và khu vực ven biển như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc, Phan Thiết...

Đánh giá về sự phát triển của ngành du lịch khách sạn, trao đổi với báo chí ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng sự ra đời của hàng loạt khách sạn và các loại hình lưu trú du lịch cao cấp tại các vùng miền đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế quốc gia, thể hiện sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam. Với 21.000 cơ sở lưu trú du lịch, đã đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ và các nhu cầu, dịch vụ khác của mọi thành phần du khách có mức chi trả khác nhau, góp phần tích cực phục vụ thành công những sự kiện trọng đại của quốc gia và quốc tế.

Cần lắm sự tương hỗ!

Mặc dù tốc độ đầu tư và coi trọng sự phát triển của du lịch của các địa phương rất lớn. Tuy nhiên, sự quá tải hoặc những bất cập xảy đến vào những đợt nghỉ lễ kéo dài như 30/4, 2/9 hoặc Tết Dương lịch lại vẫn diễn ra. Sau đợt nghỉ lễ 4 ngày vừa qua, những cụm từ "vỡ trận", "quá tải", "thất thủ" đã được nhắc đến với tần suất ngày nghỉ sau nhiều hơn ngày nghỉ trước. Và tình trạng này xảy ra ở hầu khắp các điểm du lịch có tên tuổi như Sa Pa (Lào Cai), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Phan Thiết (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang)… Tình trạng tăng giá phòng đã xuất hiện ở nhiều nơi, đã xuất hiện cả tình trạng "bỏ mặc" khách dù đã đặt phòng trước đó. Đơn cử như tại Đà Nẵng, dù công tác chuẩn bị của Đà Nẵng năm nay khá "rầm rộ" do có lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng khai mạc đúng ngày 30/4, dù giá phòng đã tăng từ 20-100% nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu, du khách thậm chí phải ngủ ngay trên xe sau khi xem đêm khai mạc pháo hoa Đà Nẵng!

Một trong những lý do dẫn đến sự quá tải bất thường của một điểm đến nào đó phải kể đến chính là quảng cáo một đằng thực tế một nẻo. Có thể lấy ví dụ cho tình huống này là sự thất vọng của du khách khi đổ về bãi biển nhân tạo ngay ở Hà Nội đợt nghỉ lễ vừa qua. Cũng là do sự không lường trước được về số du khách đến. Và do sự quản lý "rút lửa đáy nồi", sai thì rút giấy phép, nhưng vẫn cấp mới ngay sau đó cho đơn vị, cá nhân khác. 

Trước mỗi đợt nghỉ lễ dài ngày ngành chức năng luôn có công văn đề nghị các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ của các đơn vị cung ứng, đặc biệt là tại các cơ sở lưu trú du lịch, đơn vị vận chuyển khách, các khu, điểm du lịch, nhà hàng, trung tâm mua sắm và cơ sở vui chơi, giải trí trên địa bàn; huy động lực lượng cần thiết để bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch; kiểm tra trang thiết bị phòng cháy chữa cháy; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kiên quyết các đối tượng đeo bám, gây phiền hà cho du khách; tuyên truyền cho cán bộ nhân viên ngành Du lịch và du khách thực hiện theo Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch...; thực hiện việc bình ổn giá dịch vụ du lịch; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định pháp luật về giá, tuân thủ nghiêm các quy định về đăng ký, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; không để xảy ra tình trạng găm giữ phòng khách sạn và dịch vụ du lịch, gây sốt giá, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của địa phương nói riêng và ngành Du lịch Việt Nam nói chung. Tổ chức, duy trì mọi hoạt động bình thường trong dịp nghỉ Lễ; bố trí đủ lực lượng, cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm và điều kiện cần thiết để phục vụ khách du lịch chu đáo. Nhưng việc thực hiện thực tế lại không như kỳ vọng...

Kỳ vọng về sự phát triển của du lịch là thực tế, nhu cầu được hưởng thụ, trải nghiệm của du khách trong môi trường du lịch như ý cũng là thực tế. Tuy nhiên, để du lịch có thể phát triển theo hướng bền vững, thỏa mãn được nhu cầu của du khách cần có sự chuyên nghiệp, tương hỗ nhiều bên giữa ngành chức năng, bên cung cấp dịch vụ và những người thụ hưởng dịch vụ. 

Lam Nguyên


Ý kiến bạn đọc