Tour giá rẻ, tour 0 đồng: Ai được lợi nhất?

08:30, 01/04/2017
|

(VnMedia)- Việc bùng nổ về lượng khách cũng xuất hiện một lượng khách đi theo tour giá rẻ thậm chí tour 0 đồng, vậy ai được lợi trong những đoàn khách 0 đồng này?

Năm 2016, tổng số lượt khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 10 triệu lượt, trong đó Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Đài Loan là năm thị trường gửi khách lớn nhất. Khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt 2,7 triệu lượt người, chiếm 27% tổng lượng khách quốc tế đến, khách Hàn Quốc đạt 1,5 triệu lượt, chiếm 15%, khách Nhật Bản 740 nghìn lượt, chiếm 7,4%, Mỹ đạt hơn 550 nghìn lượt, chiếm 5.5%, khách Đài Loan (Trung Quốc) hơn 500 nghìn lượt, chiếm 5%.

Thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 42% tổng thị phần khách quốc tế đến Việt Nam, nếu tính cả khách từ thị trường Đài Loan, con số này xấp xỉ 50%. Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc…là những điểm đến mới, có sức hút đặc biệt, khách quốc tế đến chủ yếu qua các chuyến bay charter. Năm 2016, khách du lịch Trung Quốc đến Nha Trang và Đà Nẵng đạt hơn 800 nghìn lượt, Hàn Quốc đạt xấp xỉ 500 nghìn lượt người.

Tuy nhiên, việc bùng nổ về lượng khách cũng xuất hiện một lượng khách đi theo tour giá rẻ thậm chí tour 0 đồng, nhất là tại Nha Trang và Đà Nẵng, gần đây là sự quá tải tại Móng Cái (Quảng Ninh) khiến cho chính quyền địa phương, các nhà quản lý, doanh nghiệp quan ngại về chất lượng dịch vụ, hình ảnh điểm đến và nguồn thuế thất thu.

Vậy thế nào là tour giá rẻ, tour 0 đồng

Theo chuyên viên Vụ Thị trường du lịch, Lê Vàng, xét về khía cạnh khách du lịch, tour giá rẻ có thể được hiểu đơn giản nhất là khách du lịch mua sản phẩm du lịch gồm chi phí vé máy bay (tàu, thuyền, ô tô), phí visa, dịch vụ khách sạn và chương trình du lịch với mức giá thấp hơn nhiều mức chi phí thực tế mà doanh nghiệp phải chi trả.

Khách du lịch Trung Quốc tràn kín cây cầu Bắc Luân nối Trung Quốc và Việt Nam. Ảnh: ANTĐ
Khách du lịch Trung Quốc tràn kín cây cầu Bắc Luân nối Trung Quốc và Việt Nam. Ảnh: ANTĐ

Xét về khía cạnh doanh nghiệp du lịch, tour giá rẻ là tour có ít lãi, giá thấp đến mức độ nào đó sẽ trở thành “tour 0 đồng” hay “tour không có lãi”, thậm chí là “tour âm đồng’ hay “tour lãi âm”. Tour 0 đồng, tour âm đồng là tour mà công ty đón khách không thu bất kỳ một chi phí nào, thậm chí trả tiền ngược lại cho các công ty gửi khách, hiện tượng này còn được gọi là “mua đoàn”. Thông qua các hình thức như chăn dắt khách đi mua sắm hay bán thêm các chương trình, dịch vụ tại điểm đến để bù lại phần chi phí đầu vào gồm khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển và phí visa, còn lại sẽ là "lãi âm" hoặc "lãi dương". Do vậy, khái niệm giá rẻ hay 0 đồng ở đây là nằm ở phần phí dịch vụ (lãi) của chính các công ty du lịch chứ không phải là 0 đồng với từng dịch vụ đơn lẻ cấu thành nên sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Xét về khía cạnh điểm đến, nhìn nhận một cách khách quan, tour giá rẻ hay tour 0 đồng, âm đồng vẫn tạo ra việc làm cho người dân và nguồn thu trực tiếp cho chính quyền, doanh nghiệp địa phương, nhất là Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển du lịch đại chúng, đây cũng vẫn là xu hướng chung của du lịch thế giới. Tổ chức Du lịch Thế giới và các quốc gia luôn luôn lấy lượng khách là một trong hai tiêu chí quan trọng hàng đầu khi thống kê và đánh giá về mức độ thành công phát triển của một quốc gia, điểm đến. Vấn đề đặt ra là khi đặt chân đến Việt Nam, khách không thể không ở khách sạn, ăn uống tại nhà hàng, đi xe, tàu, máy bay, mua vé tham quan và chi trả phí visa (với những thị trường chưa miễn visa). Tour giá rẻ hay tour 0 đồng, âm đồng cũng không nằm ngoài quy luật này.

Vào mùa cao điểm, nhu cầu du lịch tăng cao, các công ty gửi khách thuận lẽ tự nhiên không cần giảm giá tour đến mức thấp nhất, nhưng ngược lại, vào mùa thấp điểm, những tour này lại góp phần bổ sung một lượng khách nhất định, đảm bảo duy trì ổn định các đường bay, duy trì hiệu suất khai thác của chuỗi các dịch vụ tại điểm đến, giảm bớt khoảng cách khác biệt giữa mùa cao và thấp điểm trong ngành du lịch. Có đường bay ổn định mới có khách du lịch, có khách du lịch mới có nguồn thu.

Ai được lợi?

Theo các chuyên gia, tour giá rẻ hay tour 0 đồng, âm đồng thực chất xuất phát từ cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt về giá. Do có rất nhiều công ty cùng bán một sản phẩm hoặc nhiều sản phẩm khác nhau khiến cho khách du lịch có nhiều lựa chọn phong phú, các công ty phải giành giật khách hàng bằng việc áp dụng cạnh tranh về giá. Ví dụ tại Hàng Châu, có đến hơn 100 công ty lữ hành bán sản phẩm Nha Trang và Đà Nẵng. Họ thuê máy bay của Vietnam Airlines (VNA), Vietjet, Dragon Airlines, hàng không Thủ đô. Ngoài ra cũng còn rất nhiều công ty thuê máy bay cung cấp sản phẩm đến đảo Bali, Phuket, Maldives, Saipan, Krabi…Khách du lịch Hàng Châu có rất nhiều lựa chọn với chi phí không hề đắt đỏ. Những công ty bán sản phẩm du lịch Đà Nẵng và Nha Trang chắc chắn không thể nằm ngoài vòng xoáy của cuộc chiến về giá với các điểm đến khác.

Bên cạnh đó còn là cuộc chiến của các hãng hàng không và các nhà thầu máy bay. Năm 2016, một tuần có 60 chuyến charter từ 10 thành phố của Trung Quốc đến Nha Trang, chỉ tính riêng Thành Đô-Nha Trang một tuần 20 chuyến, chưa kể hàng ngày đều có các chuyến bay đến từ Bắc Kinh, Hàng Châu, Thượng Hải, Vũ Hán, Trùng Khánh, Thiên Tân, Côn Minh, Quảng Châu, Thâm Quyến. Và đây cũng chính là cuộc chiến của của ba hãng hàng không nội địa gồm VNA, Vietjet Air, Jetstar và China Airlines, Chengdu Airlines, Hainan Airlines. Trong khi đó, mỗi tuần có khoảng 50 chuyến charter từ 10 thành phố của Trung Quốc đến Đà Nẵng. Ngoài những đường bay định kỳ như Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Thành Đô, Quảng Châu còn có Côn Minh, Vô Tích, Trùng Khánh, Nam Kinh Nam Ninh, Hải Khẩu, Tam Á, Thâm Quyến. Ở đây tương tự cũng chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của ba hãng hàng không Việt Nam kể trên và hàng không Phương Đông, Tứ Xuyên, Hải Nam của Trung Quốc.

Nếu quan sát có thể nhận thấy vào mùa cao điểm, mỗi ngày từ Incheon Hàn Quốc có 12 chuyến bay charter đến Đà Nẵng, mùa thấp điểm dao động từ 6 đến 8 chuyến, mỗi tháng vận chuyển khoảng 40 đến 50 nghìn lượt khách. Các hãng hàng không đang khai thác gồm Korean Air, Asiana Airlines, Vietnam Airlines, Vietjet Air, Busan Airlines, True Aviation. Điều này cho thấy sản phẩm du lịch Đà Nẵng cũng chịu sự cạnh tranh khốc liệt tại Hàn Quốc, đặc biệt những khách sử dụng hàng không giá rẻ phần lớn đều tham gia các tour tiết kiệm hoặc tour giá rẻ, mức chi trung bình cho dịch vụ tại khách sạn 4 sao của khách Hàn khoảng 40 đô la Mỹ, tương đương khách Trung Quốc, vì vậy không tránh khỏi việc các công ty đón khách Hàn cũng phải dựa vào tour mua sắm để bù lại chi phí đầu vào.

Ngoài ra, tour giá rẻ là cuộc chiến giữa sản phẩm du lịch của các công ty gom khách. Nếu tất cả các công ty gom khách đều chào một sản phẩm du lịch Đà Nẵng hay Nha Trang chung chung thì khó có thể cạnh tranh được với thị trường mà phải thiết kế các sản phẩm khác nhau phục vụ từng dòng khách khác nhau, ví dụ “sản phẩm tiết kiệm” dành cho nhóm khách trung bình sử dụng khách sạn 3 sao, “sản phẩm trung cấp” sử dụng khách sạn 4 sao và “sản phẩm cao cấp” sử dụng khách sạn 5 sao. Ngoài ra còn có sản phẩm đánh golf, MICE, nghỉ dưỡng đơn thuần, mua sắm hay du lịch cùng người thân, gia đình… Sản phẩm khác nhau sẽ thu hút khách ở độ tuổi, đẳng cấp khác nhau. Cho dù đa dạng như vậy nhưng tất cả sẽ bị cuộc chiến về giá càn quét. Hơn nữa, để lấp đầy một chuyến máy bay không thể chỉ có khách cao cấp, hoặc cũng không thể chỉ toàn khách thấp cấp hay trung bình. Đây là bài toán kinh doanh đan xen, do chính thị trường quyết định.

Việc triển khai ồ ạt các tour giá rẻ cũng chính từ các công ty đón khách. Nhiều công ty đón khách vì muốn giành giật khách nên xuất hiện tình trạng chào giá dịch vụ chênh lệnh nhau rất cao, gây nhiễu loạn thị trường. Thậm chí có một số công ty du lịch nhận khách sẵn sàng “mua đoàn” với mức bù giá trên trời, mang tâm lý “đánh cược” khiến cho chính các công ty thuê bao charter cũng phải lắc đầu vì mức độ mạo hiểm.

(Còn  tiếp)

Lam Nguyên


Ý kiến bạn đọc