Hơi thở dân tộc qua từng bữa ăn ngày Tết

10:51, 27/01/2017
|

(VnMedia) - Mâm cơm của mỗi vùng miền thể hiện văn hóa của vùng miền đó. Miền Bắc với cỗ đầy mâm, nhiều màu sắc; miền Trung lại đơn giản, chân thành; còn miền nam lại trùng phú và đầy phóng khoáng.

 Miền Bắc: Cỗ đầy mâm, món đầy màu sắc

Mâm cơm ngày Tết của người miền Bắc luôn nhiều màu sắc và phải thật đầy để thể hiện sự mong ước năm mới phát tài và ấm no. Sự sinh động và giàu màu sắc trên mâm cỗ được tin là sẽ mang lại tài lộc cho gia chủ. Vì vậy mà mâm cỗ miền Bắc có rất nhiều món với các nguyên liệu đa dạng.

Món nước trong mâm cơm thường là canh bóng lợn và nấm. Ngoài ra, chúng ta còn có thể dễ gặp các món nước truyền thống ngày Tết trong mâm cơm người Bắc như canh mọc với nấm, miến gà hoặc canh giò nấu măng.

Trong mâm cơm còn có món khô gồm các loại giò chả là đặc trưng riêng biệt nhất của mâm cỗ miền Bắc. Các loại hay gặp trong mâm cỗ có giò thủ, chả lụa. Giò chả trên mâm thường được cắt khoanh dày, miếng chia 8 đều nhau. Đúng lệ sẽ có 4 đĩa bày dàn đều trên mâm cỗ để mâm nhìn đầy đặn hơn thay lời ước muốn năm mới sung túc đủ đầy.Thường lúc nào hình thức cũng được chú trọng, cắt chả hay giò đều phải đều và đẹp mắt.

t
Mâm cơm ngày Tết của người miền Bắc. Ảnh internet

 

 

Món bắt buộc phải có trong mâm cơm ngày Tết của người miền Bắc là bánh chưng. Cũng như chả và giò, bánh được cắt chia 8 đều đặn, đẹp mắt và dọn lên mâm kèm dưa hành hoặc dưa muối chua. Bánh chưng đúng chuẩn cần có màu xanh tươi hấp dẫn và hình dáng sắc đều đặn. Dưa hành cũng là một món ăn kèm với bánh chưng chỉ thường thấy ở miền Bắc, ở hai miền còn lại ăn kèm với loại dưa khác.

Ngoài ra, thịt đông cũng thường xuất hiện trên mâm cỗ ngày Tết và được làm nhiều để dành ăn suốt Tết. Tuy nhiên, nếu gia đình ở vùng nóng thì không nên bày cỗ cúng với thịt đông vì thịt sẽ bị mềm và hư nhanh khi ở nhiệt độ phòng quá lâu.

Miền Trung: Giản đơn, chân thành

Ngoài các khu vực đặc trưng như Huế và các tỉnh ảnh hưởng ít nhiều từ văn hóa miền Bắc, cỗ Tết miền Trung thường đơn giản hơn và thể hiện tinh thần tiết kiệm, sẻ chia. Các món ăn trên mâm cơm hay mâm cỗ thường được chia vào chén hoặc dĩa nhỏ vừa phải, nhưng món ăn lại rất đa dạng trong cách ăn.

Các món ăn Tết của người miền Trung hay xoay quanh các món cuốn với bánh tráng và rau. Vì vậy bữa ăn ngày Tết rất thường thấy thịt luộc, các loại nem tré, nem lụi, các món kho mặn hoặc món hấp.

resize_images1864597_mien_trung_12_01_4234_1452591008
Bữa cơm của người miền Trung


 

Miền Trung còn đặc biết với sự có mặt của nhiều món ăn để dành được rất lâu ngày, vì tính chất của ngày Tết là ăn uống, nghỉ ngơi và sum vầy. Hơn nữa, thời điểm Tết các cửa hàng, chợ búa đều đồng loạt đóng cửa. Người Huế biết cách “dự trữ” thức ăn cho ngày Tết và không quên biến chúng thành những món ngon cho mùa đặc biệt nhất trong năm.

Các thịt ngâm mắm, nem, tré, dưa món… xuất hiện rất nhiều trong ngày Tết ở miền Trung. Ngoài ra, món bánh tét hay bánh chưng miền Trung cũng khác các vùng miền khác. Món bánh này thường được gói chặt hơn, nhân đậu xanh ít để giúp bánh bảo quản được lâu hơn. Chúng ta khi nhìn vào dễ dàng nhận thấy sự khác biệt giữa bánh tét miền Nam và miền Trung, giữa bánh chưng miền Bắc và miền Trung.

Miền Nam: Trù phú và phóng khoáng

Đặc trưng vùng miền cho khu vực miền Nam những sản vật phong phú và ẩm thực rất da dạng. Vốn tính phóng khoáng, mâm cỗ của người miền Nam ít bị gò bó về nghi thức hơn so với các mâm cỗ vùng khác. Món ăn được nhìn thấy nhiều nhất trong mâm cỗ và mâm cơm Tết miền Nam là thịt kho nước dừa. Nhưng khi đến từng gia đình khác nhau chúng ta có thể thưởng thức từng hương vị món ăn này tương đối khác nhau.

Tùy từng nhà có thể kho thịt chung với trứng luộc, trứng muối, cơm dừa... Bên cạnh chuẩn bị món thịt kho thì các chị em làm dâu miền Nam cũng cần chú ý đến món canh khổ qua dồn thịt. Món canh này vừa giúp cơm Tết đỡ ngán, vừa được tin rằng sẽ giúp mọi khó khăn, đau khổ của năm cũ qua đi.

 

t
Món canh Khổ Qua của người miền Nam giúp cơm Tết đỡ ngán. Ảnh internet

 

Những vùng miền khác về món ăn truyền thống ngày Tết là bánh chưng bánh tét, còn bánh của miền Nam lại đa dạng về nhân lẫn cách gói từ nhân đậu xanh pha đậu đen hạt đến nhân chuối, nhân dừa, nhân trứng muối… Bánh tét miền Nam được ăn kèm với dưa món, củ kiệu, tôm khô.

Các món ăn của mùa Tết từ vùng miền khác cũng rất thường xuất hiện trong cỗ Tết miền Nam như chả giò, chả lụa, lạp xưởng. Riêng mâm ngũ quả cúng Tết thì rất được chú trọng với các bài trí bắt mắt và được trưng suốt 3 mùng.

Cam Thảo


Ý kiến bạn đọc