Đột phá du lịch Việt Nam: Nên bắt đầu từ đâu?

09:32, 27/10/2016
|

(VnMedia) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chúng ta phải đồng lòng đổi mới tư duy, cần sự đột phá mạnh mẽ để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Ngày 9/8 tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đổi mới tư duy, đột phá mạnh mẽ để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là lần đầu tiên một hội nghị quy mô toàn quốc về du lịch được tổ chức. Hội nghị này đã mang đến một làn gió mới trong phát triển du lịch của nhiều địa phương, tuy nhiên, đột phá thế nào mỗi địa phương sẽ có cách làm riêng..

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.
 
Sự đồng lòng
 
Phát biểu tại hội nghị này, Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam chúng ta có nền văn hóa phong phú, nhiều di sản, con người nhân văn, thân thiện; là điểm đến an toàn, là điều kiện để hấp dẫn du khách. Chúng ta đã có những thương hiệu điểm đến đủ sức cạnh tranh như: Hội An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Sapa, InterContinental, Bà Nà Hill, Saigon Tourist, Vietravel… Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng: Chúng ta còn nhiều khuyết điểm, bất cập, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của đất nước. Do vậy, chúng ta phải đồng lòng đổi mới tư duy, cần sự đột phá mạnh mẽ để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phấn đấu đến năm 2020, Du lịch đóng góp từ 10 - 12% GDP; ít nhất có 20 tỷ USD xuất khẩu tại chỗ từ du lịch; đón 15 triệu khách quốc tế và phục vụ 75 triệu khách nội địa.
 
Thủ tướng nhấn mạnh: “Điều tôi tâm huyết đó là, muốn làm du lịch thành công, thì đầu tiên thể chế, chính sách, pháp luật phải tạo điều kiện cho ngành. Điều quan trọng nữa, đó là cộng đồng người dân làm du lịch, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với khách du lịch đến Việt Nam. Việc tổ chức hội nghị này tại Hội An cũng là vì người dân ở đây mến khách, luôn tươi cười, thân thiện với du khách. Thứ ba là xây dựng thương hiệu Việt Nam gắn với quảng bá hình ảnh, xúc tiến du lịch”.
 
Về các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, Thủ tướng yêu cầu tạo thuận lợi về xuất nhập cảnh; giao Bộ Công an chủ trì khẩn trương triển khai Đề án cấp thị thực điện tử, cấp thị thực tại cửa khẩu, thực hiện từ ngày 1/1/2017. Các Bộ: Tài chính, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Công an, Ngoại giao theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ trì đề xuất áp dụng mức lệ phí thị thực nhập cảnh phù hợp; nghiên cứu, đề xuất giải pháp sửa đổi các quy định về xuất nhập cảnh nhằm tạo thuận lợi cho khách du lịch. Thủ tướng giao cho Bộ Giao thông vận tải chủ trì cùng các Bộ chức năng khẩn trương có đề án trình Chính phủ về việc mở các đường bay trực tiếp từ các quốc gia, địa bàn khách du lịch quốc tế trọng điểm đến nước ta với tinh thần là mở cửa bầu trời. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao rà soát các Hội chợ quốc tế và các hội chợ tổ chức tại Việt Nam để có kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch.
 
Trước mắt, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam tại hội nghị APEC tổ chức vào năm 2017 tại Đà Nẵng. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ du lịch, nhất là các cơ sở lưu trú, các dịch vụ trong các khu, điểm du lịch xây dựng; ban hành, tổ chức thực hiện bộ quy tắc ứng xử du lịch, nâng cao chất lượng giảng dạy đào tạo nguồn nhân lực tại các trường du lịch trong cả nước. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương ban hành khung trình độ nghề quốc gia trong lĩnh vực du lịch; công nhận bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia về du lịch và thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển du lịch và ứng xử văn minh du lịch… Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố rà soát lại các quyết định để thực hiện Nghị quyết 92, Chỉ thị 18, Chỉ thị 14; phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan xây dựng và kiểm soát chất lượng các trạm dừng nghỉ, bến đỗ, nhà hàng, cửa hàng; xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn.Về một số kiến nghị của đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an trình đề án thành lập Cảnh sát du lịch để Chính phủ xem xét, trình Bộ Chính trị.
 
Đột phá về tư duy

Cũng tại Hội nghị phát triển du lịch toàn quốc này này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã cảnh báo nguy cơ tụt hậu của du lịch Việt Nam là rất lớn, 70% khách đến không quay lại do nạn cướp giật, “chặt chém”, nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường, nhà vệ sinh bẩn… Mục tiêu của chúng ta xây dựng du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn phải mang tính chuyên nghiệp cao, đồng bộ, có thương hiệu cạnh tranh; đa dạng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Do vậy, chúng ta đề ra giải pháp tái cơ cấu ngành Du lịch Việt Nam; cần có thay đổi về nhận thức, tư duy. Phải coi Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tuân theo quy luật kinh tế thị trường…

Thay đổi tư duy chính là vấn đề quan trọng nhất trong phát triển du lịch. Với lợi thế có nền văn hóa phong phú, nhiều di sản, con người nhân văn, thân thiện; là điểm đến an toàn, là điều kiện để hấp dẫn du khách, lâu nay các địa phương mới chỉ tận dụng những thứ sẵn có để thu hút du khách mà chưa có sự thay đổi. 

Phát triển du lịch cần 3 vốn: tài nguyên, tài chính và chất xám. Hiện nay, chúng ta mới chỉ đi theo hai vốn tài nguyên và tài chính Giai đoạn này là giai đoạn thích hợp để nền kinh tế sáng tạo phát triển. Theo TS Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững, người đã nhiều năm nay nghiên cứu và đề xuất các ý tưởng đột phá cho phát triển du lịch Việt Nam  khi các địa điểm du lịch đã được khai thác, khi du khách đến và đã quen thuộc với các địa điểm này, để lôi kéo được du khách quay lại thì cần đầu tư sáng tạo vào sản phẩm du lịch. Mỗi một sản phẩm, địa điểm du lịch cần phải xây dựng được những câu chuyện có cốt chuyện, có gắn văn hóa, lịch sử để thu hút du khách.

(Còn tiếp)

Lam Nguyên


Ý kiến bạn đọc