Bí mật về bộ lạc "cổ dài" ở Myanmar

17:23, 30/08/2016
|

(VnMedia) - Ấn tượng ban đầu và cũng là mạnh nhất với du khách khi tới thăm bộ lạc Kayan, Myanmar chính là những phụ nữ với chiếc cổ dài ngoằng như “hươu cao cổ” và chất trên đó là hàng chục chiếc vòng bằng đồng lạ mắt.

Bộ lạc Kayan sinh sống chủ yếu ở vùng núi giáp ranh giữa Myanmar và Thái Lan. Nơi đây hoàn toàn khép kín với người ngoài và chỉ thực sự mở cửa phục vụ du lịch từ năm 2014.

Nhiếp ảnh gia Dmytro Gilitukha tới từ Ukraine mới đây đã có chuyến thăm bộ lạc Kayan. Những bức ảnh của anh đã cho độc giả góc nhìn cận cảnh về cuộc sống, con người và văn hóa nơi đây.

Với những con gái, phụ nữ Kayan, những chiếc vòng trên cổ thể hiện nét đẹp của phái yếu cũng như địa vị trong bộ lạc. Chính vì vậy ngay từ khi còn nhỏ tuổi khoảng từ 2-5 tuổi, các bé gái ở nơi đây đã bắt đầu “công cuộc làm đẹp” bằng những chiếc vòng đồng vàng óng đầu tiên. Ngoài ra các bé gái còn phải đeo thêm vòng tay và vòng chân. Mục đích là nhằm giúp chân tay không quá to và đó được coi là chuẩn mực cái đẹp của bộ lạc.

Bé gái ở bộ lạc phải đeo vòng cổ từ nhỏ
Bé gái ở bộ lạc phải đeo vòng cổ từ nhỏ

Chính vì ý nghĩa đặc biệt này nên việc đeo vòng trên cổ không hề khiến họ có cảm giác khó chịu (hoặc cũng có thể họ không được phép phản đối). Trải qua từ năm này tới năm khác tới khi trưởng thành, một cô gái của bộ lạc có thể đeo tới hơn 20 chiếc vòng trên cổ. Kỷ lục đeo nhiều vòng cổ nhiều nhất hiện tại thuộc về một phụ nữ trung niên trong bản với gần 40 chiếc vòng lớn nhỏ, tương đương sức nặng của cả chục kg trên cổ!

Hàng chục chiếc vòng trên cổ một phụ nữ trung niên
Hàng chục chiếc vòng trên cổ một phụ nữ trung niên

Việc đeo hàng chục chiếc vòng khiến cho cổ của phụ nữ nơi đây dài ra bất thường. Chính vì vậy không ít người còn gọi Kayan là “bộ lạc hươu cao cổ”. Tuy nhiên, trên thực tế cổ của họ không hề dài ra mà thực chất những chiếc vòng chồng chất lên nhau đã ép xương vai xuống khiến mọi người lầm tưởng họ có chiếc cổ dài bất thường.

Có thông tin cho rằng, do đeo vòng suốt hàng chục năm nên cổ của họ rất yếu và có thể bị gãy cổ bất cứ khi nào. Nhưng Dmytro Gilitukha khẳng định điều đó không đúng vì anh đã chứng kiến một phụ nữ tháo toàn bộ vòng cổ ra nhưng vẫn có thể đi lại làm công việc bình thường.

Thắc mắc về sự ra đời của những chiếc vòng cổ đặc biệt này, người hướng dẫn du lịch giải thích cho Dmytro Gilitukha rằng đó là truyền thống và bắt nguồn từ một câu truyện xa xưa nhưng cũng có thể có thật của bộ lạc này.

Theo quan niệm xưa, vòng cổ giúp phụ nữ và trẻ nhỏ tránh bị hổ giết hại
Theo quan niệm xưa, vòng cổ giúp phụ nữ và trẻ nhỏ tránh bị hổ giết hại

Do đây là nơi heo hút có rất nhiều thú hoang như hổ, gấu. Ban ngày khi những người đàn ông đi săn bắn, phụ nữ và trẻ nhỏ ở nhà có thể trở thành mục tiêu tấn công của thú dữ, đặc biệt là loài hổ. Do “chúa sơn lâm” thường có thói quen cắn vào cổ con mồi nên bộ lạc này đã nghĩ ra cách đeo những chiếc vòng cổ bằng đồng để giúp họ sống sót trước các cuộc tấn công.

Ngoài ra những chiếc vòng cổ còn giúp các cô gái của bộ lạc không rơi vào tay của bọn buôn người vì họ bị cho là “quái dị” và khó giao dịch.

Phụ nữ Kayna và cuộc sống thường nhật
Phụ nữ Kayan và cuộc sống thường nhật

“Ngày nay chẳng ai còn nhớ chính xác vì sao có tập tục đeo vòng cổ ở bộ lạc. Nhưng họ vẫn giữ truyền thống từ thế hệ này tới thế hệ khác. Điều đó thực sự gây ngạc nhiên với mọi người vì ngày nay phần lớn các bộ lạc đều không còn giữ được bản sắc và văn hóa truyền thống xưa do ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại”, anh Dmytro Gilitukha viết.

Cũng theo Gilitukha, do điều kiện đường xá nơi đây vẫn còn hạn chế nên tốt nhất khi du khách tới đây nên thuê hướng dẫn viên người địa phương đi cùng. Ngoài ra có người thông ngôn sẽ giúp bạn tiếp cận và hiểu rõ hơn về cuộc sống của bộ lạc Kayan.

“Tôi thực sự may mắn khi được khám phá vùng đất vẫn còn nguyên những giá trị truyền thống và ít được thế giới biết tới. Đây là trải nghiệm thực sự thú vị”, anh Gilitukha nói.

Minh Quang (Theo Mail)


Ý kiến bạn đọc