Tăng lương tối thiểu: Sẽ phải tiếp tục thương lượng

19:46, 01/09/2015
|

(VnMedia) - Ngày 1/9/2015, ông Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người phát ngôn của Chính phủ đã trả lời đối với một số vấn đề mà báo chí và dư luận quan tâm như: Vấn đề tăng lương; ảnh  hưởng của việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ...

- Thưa ông, v iệc bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 của Hội đồng tiền lương Quốc gia chưa thành công do đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) không đồng thuận. Xin ông cho biết ý kiến của Chính phủ về việc này?

Ông Nguyễn Văn Nên: Khoản 2 Điều 91 Bộ luật Lao động quy định: “Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương Quốc gia”.

Ngày 3/7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng tiền lương Quốc gia, gồm 15 thành viên là đại diện của 3 bên. Theo đó, đại diện cho người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Đại diện cho người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ; Đại diện cho Chính phủ là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Hàng năm, Hội đồng tiền lương Quốc gia tính toán, thương lượng và thống nhất mức lương tối thiểu vùng để khuyến nghị Chính phủ xem xét, quyết định.

Qua 2 năm thực hiện cho thấy, để đạt được sự thống nhất tương đối về mức lương tối thiểu khuyến nghị Chính phủ thì Hội đồng tiền lương Quốc gia thường phải thương lượng nhiều lần (năm 2014 là 3 lần) và trong từng lần, mỗi bên đều có phân tích, tính toán mức lương tối thiểu dựa trên các yếu tố có lợi hơn cho bên mình đại diện nên kết quả thường có sự chênh lệch.

Hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chưa đồng thuận về mức lương tối thiểu. Theo quy định, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ tiếp tục thảo luận, thương lượng một lần nữa. Trường hợp vẫn chưa đạt được sự đồng thuận thì Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ chọn phương án phù hợp để báo cáo Chính phủ.

Căn cứ quy định của Bộ luật Lao động và khuyến nghị của Hội đồng tiền lương Quốc gia, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2016.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa



- Về việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, xin ông cho biết đánh giá của Chính phủ về tác động và chỉ đạo chính sách tiền tệ, hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế?

Việc Trung Quốc điều chỉnh giảm mạnh giá đồng Nhân dân tệ đã tác động đến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, khu vực và Việt Nam. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động điều chỉnh kịp thời và với cách thức phù hợp khi tăng biên độ tỉ giá giữa đồng Việt Nam và USD, có tính tới các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường tài chính, tiền tệ, thương mại, đầu tư... và bảo đảm lợi ích chung của nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan chủ động, tích cực theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đánh giá tác động đến từng lĩnh vực, nhất là các thị trường ngoại tệ, chứng khoán, thị trường vàng, xuất nhập khẩu, đầu tư, cán cân thanh toán, ngân sách nhà nước, nợ công, nợ nước ngoài, sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế; thực hiện nhất quán điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, giữ ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường phối hợp, có đối sách phù hợp, tận dụng tác động tích cực, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ và các Bộ, ngành để đánh giá những biến động giảm mạnh của giá dầu thế giới, diễn biến bất thường của các thị trường chứng khoán, những điều chỉnh của dòng vốn quốc tế sau khi Trung Quốc giảm giá đồng Nhân dân tệ và việc điều chỉnh chính sách tỉ giá của nhiều nước trên thế giới, để đưa ra các đối sách phù hợp. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành kiên định các mục tiêu điều hành đã đề ra, trong đó lấy ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu cao nhất; theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, khu vực; có phương án cho các kịch bản có thể xảy ra, kể cả trường hợp xấu nhất; chủ động thông tin tình hình, dự báo và các giải pháp để người dân, doanh nghiệp biết, ứng phó phù hợp.
 
- Thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã miễn nhiệm 2 lãnh đạo Ngân hàng Đông Á vì những sai phạm, xin ông cho biết quan điểm xử lý đối với trường hợp này?

Việc thanh tra toàn diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á được thực hiện theo kế hoạch triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng theo Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả thanh tra cho thấy trong giai đoạn 2012 trở về trước, ngân hàng này đã có nhiều vi phạm quy định về quản lý tài chính, cấp tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của ngân hàng này.

Ngày 14/8/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định đưa ngân hàng này vào diện kiểm soát đặc biệt. Ngày 20/8/2015, NHNN đã có quyết định đình chỉ quyền và nghĩa vụ của ông Trần Phương Bình đối với chức danh thành viên Hội đồng quản trị và chức danh Tổng Giám đốc; đình chỉ quyền và nghĩa vụ của bà Nguyễn Thị Ngọc Vân đối với chức danh Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á. Đồng thời cử cán bộ tham gia và chỉ đạo kiện toàn Ban điều hành ngân hàng.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN và cơ quan chức năng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp theo Đề án đã được phê duyệt đối với Ngân hàng Đông Á, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, quyền và nghĩa vụ kinh tế của các bên liên quan và xử lý vi phạm (nếu có) của các tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc