Rèn luyện kỹ năng và phẩm chất sống

14:14, 01/09/2015
|

(VnMedia) - Đi trên thủy tinh, than hồng, ra giữa đường la hét… cũng là một cách giúp ta vượt qua mặc cảm sợ hãi bản thân. Nhưng có những cách khác, không cần phải “hành hạ” bản thân như thế để nhận thức và thay đổi.

Trong vài năm trở lại đây, ở Việt Nam ta nở rộ phong trào huấn luyện kỹ năng sống cho thiếu nhi, thanh thiếu niên, và cả người trưởng thành. Mọi người “ngụp lặn” trong các lớp huấn luyện gọi là “kỹ năng sống” với đủ thiên hình vạn trạng, đủ mọi loại “thầy/diễn giả”, mà ai cũng là số 1, cũng là tuyệt đỉnh!

Và điều này dường như chẳng hề được mọi người để ý, cho mãi đến gần đây, khi các bài dạy “kỹ năng sống” ấy được đưa vào sách giáo khoa, dạy chính thức trong nhà trường phổ thông với các “bài học” đi trên thảm thủy tinh, đứng trên ván lăn, biết tên ít nhất 5 hoa hậu thế giới,… Các bạn sinh viên, bạn trẻ…thì lao vào các lớp dạy làm giàu, bí quyết trở thành triệu phú, tuyệt chiêu thành công,…vào lớp thì được khuyến khích thành công “bất chấp tất cả”, đi trên than hồng/thủy tinh để chứng minh bản thân, ra đường đứng giữa ngã tư la hét “Tôi là người thành công” để “rèn sự tự tin”…

Điều gì đang xảy ra vậy?

Dường như mọi người đã có sự ngộ nhận về kỹ năng sống với phẩm chất sống, hay có thể hiểu là giữa phương tiện với mục đích. Là con người, ta phải sống, ta phải chọn lựa cách mình sống trên cuộc đời này. Sống sót để sinh tồn, sống mạnh mẽ để vươn lên, để cống hiến, sống nhân ái để yêu thương… Thành công là điều ai cũng mong muốn, nhưng trước khi đạt được thành công, ta phải biết thế nào là thành công. Mỗi người phải tự suy ngẫm để tự tìm ra định nghĩa thành công của bản thân mình, hãy tự hỏi mình 4 câu hỏi: Ta là ai? Ta đang ở đâu? Ta muốn đi đến đâu (trong cuộc đời này)? Ta đến đó bằng cách nào?

Ta là ai? Trong cuộc sống, nếu quan sát kỹ xung quanh và ngẫm lại bản thân, mọi người sẽ thấy dường như ta biết nhiều về những người xung quanh hơn chính bản thân mình. Điểm mạnh - yếu, cái tốt - xấu của mọi người dường như ta nắm rõ, còn chính mình thì lại mù mờ. Điều đó khiến đôi khi ta “ngộ nhận” về bản thân, trở thành người mơ mộng viển vông, hoang tưởng về năng lực của chính mình, để rồi khi không đạt được điều mình “mơ mộng”, lại chuyển sang thái cực ngược lại hoàn toàn, thất bại, nản chí, tiêu cực.

Mơ mộng viển vông khác hoàn toàn với việc sống có ước mơ. Con người phát triển được văn minh như ngày hôm nay nhờ con người sống có ước mơ, có hoài bão. Người sống có ước mơ, hoài bão biết rõ mình là ai, mình có điểm mạnh gì , điểm yếu gì… Từ đó, phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, không ngừng học hỏi để vươn lên để hoàn thiện bản thân, để trưởng thành hơn. Không bao giờ có con người hoàn hảo, chỉ có những người không ngừng hoàn thiện. Đó là bước đầu để đến với thành công. Chính vì thế, đừng đem Bill Gates, Steve Jobs, Mark Zuckerberg.,…ra mà làm tấm gương cho thế hệ trẻ theo kiểu “không cần học đại học vẫn thành công…”.

Hãy nhớ rằng họ là ai, họ phát triển điểm mạnh, hạn chế, khắc phục điểm yếu của họ ra sao, họ hiểu về bản thân họ thế nào. Vì thế, hãy dạy thế hệ trẻ biết tự nhận thức ta là ai, nhận biết chính bản thân mình để học hỏi và trưởng thành.

Ta đang ở đâu? Trước khi đi đâu, ta cần biết mình đang có gì và thiếu gì để chuẩn bị cho chuyến đi ấy. Chuyến đi đến với cuộc sống, đến với thành công cũng tương tự, trước khi khởi hành bạn phải biết mình đang ở đâu, hoàn cảnh gia đình, bản thân mình ra sao, nguồn lực nào có thể huy động, nguồn lực bên trong và bên ngoài đang hoặc có thể sẽ có, tìm kiếm ở đâu các nguồn lực bổ sung ấy, và đặc biệt, môi trường sống hiện tại của ta là ở đâu, đang ở mức phát triển nào…

Hãy nhớ rằng Bill Gates, Steve Jobs, Mark Z.,…bỏ học đại học mà vẫn thành tỉ phú là nhờ họ đang sống ở một môi trường sống với các tiêu chuẩn xã hội khác ta, quan niệm xã hội, tri thức và nhận thức của người dân họ khác ta. Và ngay cả trong môi trường ấy, hãy nhớ, mỗi năm có hàng ngàn sinh viên bỏ học đại học hoặc không tốt nghiệp đại học, nhưng chỉ có…1 Bill Gates, 1 Steve Jobs, 1 Mark Zuckerberg,…mà thôi…

Điều ta cần làm trước lúc khởi hành chuyến đi cuộc đời của mình, đó là dựa vào xuất phát điểm của bản thân, gia đình, hoàn cảnh sống, hãy lên các kế hoạch cho mình, gồm: kế hoạch tiếp nhận tri thức, nhận thức, kiến thức ở đâu, với ai, đến bao giờ (học phổ thông, học đại học, học nghề,…), kỹ năng lao động để tạo ra nguồn lực cho chính mình (kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng chuyên môn,…), kỹ năng sống để rèn luyện, nâng cao phẩm chất sống  (kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng thuyết trình để thuyết phục người khác, tinh thần đồng đội, kỹ năng sử dụng các công cụ thông thường (thiết bị văn phòng,..), sử dụng phương tiện công cộng máy bay/tàu/xe, kỹ năng quản lý thời gian, tiền bạc, tài chính …). Các kiến thức và kỹ năng ấy chính là phương tiện để bạn đạt mục đích sống của mình. Biết rõ mình đang ở đâu giúp ta không sống một cách mơ mộng viển vông.

Ta muốn đi đến đâu? Hãy nhớ rằng, không biết nơi đến bạn sẽ chẳng đi đến đâu! Khi bước chân vào một hành trình sống, bạn cần phải biết mình muốn đi đến đâu, từ đó, ta chọn con đường đi và phương tiện phù hợp. Thành công chỉ là một hành trình, giúp bạn đến được mục đích sống của mình. Vậy, mục đích sống là gì? Đó chính là hoài bão cuộc sống của mỗi người chúng ta. Con tàu đi trên biển nhận biết bến bờ chính nhờ những ngọn Hải đăng.

Hoài bão là ngọn hải đăng cuộc đời mỗi con người chúng ta, giúp ta tìm được đúng bến bờ ta muốn đến, giúp ta không bị lạc lối trên biển khơi mênh mông, đôi khi mịt mờ trong cơn giông tố, tránh lạc hướng lúc sương mù… Hải đăng càng cao, càng lớn sẽ càng sang rõ, càng nhìn được thấy từ xa…

Vì thế, hãy xây dựng hoài bão cho bản thân mình bằng cách tự hỏi mình: Mục đích cuộc đời ta là gi? Ta muốn sẽ là ai trong 5-10 năm tới? Ta muốn người ta sẽ nói gì về mình? Mục đích mỗi người không nhất thiết phải giống nhau, hãy suy nghĩ và chọn điều bạn thực sự mong muốn, thực sự đam mê. Sau khi xác lập được hoài bão, nếu chỉ dừng ở đó, ta sẽ lại chỉ là những người mơ mộng viển vông, phải lên kế hoạch thực hiện, lập từng cột mốc đến nơi ta muốn đến.

Và cuối cùng, ta đến đó bằng cách nào? Biết mình là ai rồi, biết mình đang ở đâu rồi, biết mình muốn đi đến đâu rồi, vậy câu hỏi cuối cùng và lớn nhất là đi đến đó bằng cách nào? Như đã nói ở trên, phần trả lời câu hỏi “Ta là ai?” đã giúp ta tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của chính mình.

Vậy việc cần làm là gì? Đó chính là dựa trên hướng đi của hoài bão đã lập, ta phát huy tối đa điểm mạnh, tìm cách hạn chế thấp nhất điểm yếu, học thêm kiến thức mới, kỹ năng mới để khắc phục điểm yếu của mình. Và căn cứ vào đó, bạn quyết định học thêm kiến thức gì (học đại học, học nghề, chuyên môn…) và kỹ năng sống gì (kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng thuyết trình, tinh thần đồng đội, kỹ năng sử dụng các công cụ thông thường, sử dụng phương tiện công cộng máy bay/tàu/xe, kỹ năng quản lý thời gian, tiền bạc, tài chính…) Và các loại kỹ năng sống ấy cần phải được phân loại cho phù hợp lứa tuổi, mục đích của người học, và mục đích huấn luyện.

Đặc biệt, người học khi quyết định chọn lựa khóa học phải xác định xem khóa học đó có cung cấp cho mình những kỹ năng mình cần để phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, và có đúng thời điểm theo từng mốc mục tiêu cuộc đời mình chưa. Lúc nào học cái gì, ở đâu, với ai, để làm gì…phải luôn tự hỏi mình như thế. Luôn nhớ rằng, chẳng có khóa học nào giúp bạn trở nên giàu có được nếu bạn không bắt tay vào làm và đam mê, kiên trì theo đuổi chính hoài bão của mình.

Nhiều bạn mới vừa ra trường, chưa có chút kinh nghiệm sống, còn thiếu nhiều kỹ năng sống thiết thực, lại hăm hở lao vào các khóa học làm giàu siêu tốc, làm giàu điên cuồng, trở thành tỷ phú siêu nhanh…và hết sức thần tượng người đứng giảng, dù những điều người ấy nói chưa hề được kiểm chứng, hoặc chăng người ấy đúng là rất giàu, nhưng không phải nhờ khởi nghiệp kinh doanh mà là nhờ…tiền học phí của chính các học viên…đã giúp họ thành triệu phú, tỷ phú … (!?) Phải chăng đó là cách duy nhất để thành công?

  Ảnh minh họa

Rèn luyện kỹ năng tạo phẩm chất sống

Phẩm chất sống của một con người là lòng dũng cảm, vị tha, biết ơn, sự tự tin, tích cực, sống mơ ước…không phải là kỹ năng mà là những thái độ hành vi. Những thái độ hành vi này được tạo ra bởi quá trình học hỏi và trải nghiệm, không thể chỉ riêng cái nào. Học hỏi để có định hướng đúng, thiếu trải nghiệm sẽ trở thành huyễn hoặc. Trải nghiệm để tự học và đúc kết, nhưng thiếu học hỏi thì giống như đi đường không có bản đồ chỉ dẫn, có thể hoặc không thể đến nơi mình muốn dù bỏ công sức ra nhiều.

Một trong những cách hiệu quả để học hỏi trong việc tạo thái độ hành vi chính là tham gia các khóa huấn luyện về kỹ năng, trong đó có kỹ năng sống. Mục đích của các khóa huấn luyện kỹ năng là thúc đẩy thay đổi thái độ, áp dụng kỹ năng và kiến thức đã học để tạo thói quen mới, tích cực. Trong huấn luyện kỹ năng, luôn có nhiều phương cách để giúp người học nhận thức và thay đổi.

Con người có hai nguyên nhân chính để thay đổi hoặc buộc phải thay đổi: tự nhận thức hoặc gặp nghịch cảnh, đau đớn, Chính vì thế, đi trên thủy tinh, than hồng, ra giữa đường la hét…cũng là một cách giúp ta vượt qua mặc cảm sợ hãi bản thân. Nhưng cũng có những cách khác, không cần phải “hành hạ” bản thân như thế để nhận thức và thay đổi.

Nhớ năm xưa, chính Đức Phật Thích Ca khi đi tìm đạo giải thoát cũng đã theo hình thức tu khổ hạnh, dùng cách hành hạ thân xác để tìm con đường giác ngộ, thế nhưng, một thể xác kiệt quệ, đau đớn đâu thể khiến trí tuệ hanh thông? Chính vì thế mà Ngài đã từ bỏ con đường tu khổ hạnh, ngồi thiền định dưới cội Bồ Đề và đã thành chính quả. Là một người làm huấn luyện lâu năm, tôi chọn con đường ấy, con đường dùng trí tuệ và nhiệt huyết đam mê để khai thông trí tuệ, thay đổi thái độ, thay đổi cuộc sống của những người tôi có cơ hội chia sẻ và huấn luyện.

Quay lại với những vấn đề đang được xã hội quan tâm gần đây, ví dụ như rèn luyện sự tự tin, theo tôi, không phải cứ dùng phương thức “áp lực mạnh” kiểu đi trên thảm thủy tinh, đội chai, đứng trên ván lăn, đi qua than hồng, hay ra giữa ngã tư đường la hét… mới có được. Vì trong thực tế, sự tự tin không phải là “liều”, tự tin là niềm tin vào chính bản thân mình. Mỗi người là một cá thể, là khác biệt, sẽ có sự tự tin khác nhau. Sự mất tự tin gây ra bởi mọi người cứ kỳ vọng quá nhiều kiểu “bắt cá leo cây”.

Hãy hình dung, nếu trong túi bạn có 10 ngàn đồng, khi bạn bước vào một quán café thì bạn sẽ thế nào? Liệu bạn có “tự tin…liều mạng” gọi ly café mà không hỏi giá trước không? Nhưng, nếu trong túi bạn có 100-500 ngàn, bạn bước vào quán café có cần phải quan tâm đến giá chỉ 1 ly café không? Giọng bạn gọi ly café có tự tin không? Cũng như một người ngư dân ngồi chung bàn tiệc với một ông bác sĩ, sự tự tin sẽ không phụ thuộc vào xuất thân xã hội mà phụ thuộc vào đề tài cả bàn đang trao đổi. Nếu đề tài về sức khỏe, dĩ nhiên ông bác sĩ sẽ vô cùng tự tin tham gia câu chuyện. Nhưng nếu đề tài chuyển sang việc câu cá, đánh bắt cá, dĩ nhiên, kẻ ngồi im sẽ là ông bác sĩ, và người ngư dân sẽ là tâm điểm của câu chuyện một cách tự tin.

Qua vài trường hợp nêu trên, chúng ta có thể thấy rằng, cái gốc của sự tự tin chính là vốn kiến thức và kỹ năng của mỗi người. Do vậy, từ trẻ nhỏ đến người trưởng thành, nếu muốn rèn luyện tự tin, phải nhận thức được điều này, từ đó, không ngừng bổ sung kiến thức và rèn luyện kỹ năng nào đó mà mình chọn lựa, đam mê.

Rèn luyện lòng dũng cảm cũng vậy, người dũng cảm không phải là người không biết sợ, mà là người biết rằng có những thứ còn đáng giá hơn sự sợ hãi. Hãy dùng các chương trình huấn luyện giúp cho mọi người tìm ra những thứ đáng giá ấy trong cuộc đời của họ, từ đó, họ sẽ vượt qua những nỗi sợ hãi của bản thân. Cung cấp kiến thức và những kỹ năng cần thiết để mọi người tự mình bước đi đến với thành công.

Bên cạnh đó, việc chọn lọc và phân bổ các chương trình huấn luyện đúng cách, phù hợp đối tượng là việc làm quan trọng. Muốn thành công, không phải chỉ cứ bỏ tiền đi học mấy khóa huấn luyện làm giàu… hay tuyệt chiêu… tuyệt đỉnh… nào đó.

Bạn có “kỹ năng” sắp xếp cuộc sống của mình được lành mạnh và tích cực chưa? Bạn có biết cách sử dụng các phương tiện công cộng hiện đại một cách văn minh chưa? Bạn có biết cách làm việc với tinh thần đồng đội khác với kéo bè kéo cánh thế nào chưa? Bạn có biết cách giao thông an toàn cho mình và mọi người chưa? Bạn có biết cách cám ơn và xin lỗi chưa?... vô vàn kỹ năng sống cho bạn học.

Bạn có thể cho rằng, đó là mấy chuyện nhỏ, chuyện vặt, hãy thử làm những chuyện nhỏ, chuyện vặt ấy đúng cách xem có được chưa? Tôi nhớ một tỷ phú Hongkong có nói: “Nếu cần phải cọ rửa toilet, tôi sẽ là một người cọ rửa toilet sạch sẽ nhất!” Đấy, họ trở thành tỷ phú vì như thế đó, tận tâm, tích cực, nhiệt huyết và luôn cố gắng làm tốt nhất những việc dược hoặc phải làm dù nhỏ hay lớn. Thay vì tập cho học sinh lớp 1 đi qua thảm thủy tinh để chứng minh chúng dũng cảm, hãy giao chúng những việc làm nho nhỏ giúp đỡ gia đình và cộng đồng, qua đó, dạy chúng lòng dũng cảm không phải là liều lĩnh, hơn thua, lòng dũng cảm là biết hi sinh cái tôi, cái lười biếng của mình để có ích cho chính bản thân, rồi đến gia đình và xã hội.

Trong các chương trình huấn luyện, chia sẻ của mình, tôi luôn nói với mọi người, hãy làm đúng trước, làm hay sau, bạn sẽ thành công.


Nguyễn Đức Thắng - Chủ tịch Công ty CP FIRST STEP

Ý kiến bạn đọc