Ngày khai giảng thực sự dành cho ai?

07:43, 04/09/2015
|

(VnMedia) - L âu nay ý nghĩa tốt đẹp của Ngày khai giảng đã bị mất đi bởi sự tổ chức rườm rà, hình thức của nhiều trường học. Chính vì thế, nhiều người tự hỏi “Không biết Ngày khai giảng thực sự dành cho ai, cho học sinh hay cho người lớn?”.
 
Đành lấy face book làm nơi than thở
 
Đã từ lâu rất nhiều phụ huynh và học sinh cùng bức xúc về vấn đề trên. Tuy nhiên, vì e ngại sự đụng chạm, e ngại ảnh hưởng đến chuyện học hành của chính con em mình mà nhiều phụ huynh đành phải “ngậm tăm” không dám lên tiếng, góp ý một cách công khai với các nhà trường. Họ chỉ còn biết tự than thở với nhau vài câu kiểu như “lời nói gió bay”, hoặc gần đây đành mượn face book để than thở.
 
Sau khi có một nhân vật chia sẻ về khâu tập rượt quá vất vả của các con trước mùa khai giảng trên cộng đồng mạng, rất nhiều phụ huynh đã ngay lập tức đưa ra các lời bình luận.

Có cô giáo than rằng: “Bọn e năm nào cũng lặp lại phiên bản cũ chán ngắt và thuộc lòng ấy vậy mà vẫn phải tập đi tập lại. Mệt. Học sinh chán, giáo viên chán. Nhưng máy móc và rập khuôn mãi hình như là bệnh không chữa được”.

Có phụ huynh thì phàn nàn rằng: “Vô lý chết được, ngày xưa sau ngày khai giảng mới học nhưng giờ học rồi mới khai giảng. Chả còn cái háo hức ở đâu, mất hết ý nghĩa của buổi lễ khai giảng”.

Nói về việc các em học sinh phải đứng, ngồi hàng giờ ở sân trường để nghe các bài phát biểu của các vị khách đến dự cũng như nghe bài đọc diễn văn của các hiệu trưởng trong nhiều lễ khai giảng gần đây, nhiều phụ huynh và học sinh thực sự thấy mệt và nhàm chán. 

Một vị phụ huynh đã chia sẻ trên mạng rằng: “Chúng ta cứ tự hành nhau mà. Rồi lại nói "ôi hạnh phúc ngày khai trường". Rồi vị nọ đọc, vị kia nêu xúc động rồi bắt bọn trẻ vỗ tay rào rào. Còn đội trống thì khua khoắng gõ ầm ầm”. 

Chính vì cách tổ chức Lễ Khai giảng quá hình thức, có vị phụ huynh cho rằng: “Rất vớ vẩn. Có lẽ chỉ cần bọn trẻ xếp hàng dưới sân trường và hiệu trưởng hô vang "Tôi tuyên bố năm học mới bắt đầu". Rồi giản tán. Có khi lại hay ấy”.  

“Kể bỏ đi cũng được, chỉ cần đến ngày đi học treo cái băng-rôn chào mừng ngày tựu trường và cho học sinh vui chơi ngày hôm ấy thế là xong” - một vị phụ huynh khác tán thưởng trên face book.
 
Và cũng vì thế, có phụ huynh chia sẻ rằng: “Giờ lục lại trí nhớ, chị chả nhớ ngày khai trường năm nào ấn tượng với tuổi thơ của chị cả. Quên sạch”. 

Có phụ huynh còn hài hước nhớ lại ngày khai giảng rằng: “Đủ cả nhưng năm nào cũng lặp lại các bước - công đoạn - qui trình - nguyên tắc phát chán rồi ạ. Báo cáo là hôm khai giảng cháu còn được lên nhận giấy khen của huyện nhưng cũng chả hào hứng gì. Chỉ lo ngày khai giảng mưa không đủ to để học sinh được ngồi im trong lớp và nắng thì vỡ đầu”.

Ảnh minh họa

Dắt học sinh vào lớp 1. Ảnh nguồn Báo Quảng Ninh


Hy vọng Ngày khai giảng năm nay sẽ khác

Rất may đó là những dòng chia sẻ của nhiều phụ huynh về những năm học trước, năm học tới này (năm học 2015-2016) dù “hơi muộn nhưng còn hơn không” khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức ra chỉ thị về việc tổ chức một Lễ Khai giảng vui tươi, ngắn gọn, ấn tượng cho học sinh theo như đề nghị trước đó của Phó Thủ tướng Chính phủ Võ Đức Đam, hy vọng mọi chuyện sẽ khác. 

Bà Trần Phương Thảo,  một cựu giáo viên của Trường Tiểu học Nam Đồng, Hà Nội cũng hy vọng như vậy. Bà chia sẻ từ nhiều năm nay bà không còn trực tiếp đứng lớp nhưng cứ mỗi lần đến năm học mới bà lại thấy cảnh học sinh phải tập dượt nhiều ngày cho lễ khai giảng, rồi đứng hàng giờ ở sân trường trong ngày lễ mà thấy thương các cháu quá. 

Theo bà đáng lẽ ra phải làm một cái gì đó để chính bọn trẻ hào hứng tham gia, nhưng chúng ta lại đang làm theo suy nghĩ của thầy cô, khi mà bọn trẻ không thích thì đúng chỉ là hình thức. 

Cũng theo bà Ngày Khai giảng gồm hai phần phần lễ và phần hội. Phần lễ ngắn gọn nhưng cần có để các con làm quen với những điều tất yếu của cuộc sống, phần hội là các tiết mục văn nghệ do chính các em biểu diễn hay các trò chơi tập thể cho các em cùng tham gia. Mặc dù hơi mệt nhưng các con sẽ vui vì được múa ca, được vui vẻ thể hiện mình. 

Nhà báo Trần Nhật Dương - Phó giám đốc kênh VOV3,  Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ, được biết trước đây ngày mùng 5 tháng 9 hàng năm được lấy là Ngày khai giảng năm học mới, cũng là mang ý nghĩa “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” vì trước đây nước ta còn đang phấn đấu để đạt phổ cập giáo dục mầm non. Tuy nhiên, đến nay chúng ta đã hoàn thành việc này, thiết nghĩ chúng ta cần thay đổi mục đích của ngày này.

Ông Trần Nhật Dương cũng cho rằng, lâu nay chỉ một số trường duy trì được Ngày khai giảng ý nghĩa, còn quả thật rất nhiều nơi, nhiều trường khâu tổ chức  quá rườm rà, mang tính hình thức, nặng về phần lễ nghi hơn phần hội tạo sự vui tươi, phấn khởi cho học sinh. Vấn đề này đã diễn ra một thời gian khá dài khiến nhiều phụ huynh, nhiều học sinh và nhà trường ngẫu nhiên chấp nhận với hai thái cực, hoặc là miễn cưỡng, hoặc là chủ quan, rồi dường như chẳng ai muốn bàn đến cái được và chưa được nữa. Rất mừng là mới đây Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị ngành giáo dục thống nhất một ngày khai giảng và đổi mới cách thức tổ chức. Ngay sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp thu và có chỉ thị về việc này. Hy vọng cách tổ chức Ngày khai giảng từ năm học 2015-2016 trở đi sẽ ngày càng hoàn thiện đúng với ý nghĩa tốt đẹp của nó.

Để làm được điều đó, mỗi trường học cần chuẩn bị chu đáo để lễ khai giảng diễn ra với nghi lễ trang trọng, tạo dấu ấn tốt đẹp, thật sự là ngày hội lớn của học sinh và thầy cô giáo. Tổ chức phần hội là cần thiết nhưng cũng cần linh hoạt, tiết kiệm, sáng tạo, hấp dẫn nhằm giáo dục đạo đức học sinh, tránh phô trương, ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục. Mặt khác, Bộ GD&ĐT cần tính toán lại khung thời gian năm học. Quy định tựu trường quá sớm, trước ngày 25/8 đã phần nào làm giảm đi ý nghĩa của lễ khai giảng.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, năm học 2015 - 2016, cả nước sẽ khai giảng trong cùng một ngày 5/9. Bộ cũng có yêu cầu các Sở GD&ĐT, các trường tổ chức lễ khai giảng gọn nhẹ, vui tươi, tạo không khí phấn khởi cho học sinh bước vào năm học mới. Trong đó, dành thời gian tổ chức lễ đón học sinh lớp 1, tạo ấn tượng và cảm xúc cho học sinh. Với tinh thần này nhiều phụ huynh và học sinh đang háo hức đón chờ một Lễ khai giảng thực sự đổi mới.


Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc