Xét tuyển ĐH, CĐ 2015: Không để thí sinh điểm cao trượt đại học

09:35, 13/08/2015
|

(VnMedia) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẵn sàng chịu vất vả, điều chỉnh thật nhanh, thật kịp thời trên tinh thần tất cả vì thí sinh. Mục tiêu lớn nhất là không có thí sinh điểm cao trượt đại học...

>> Thí sinh không phải vượt hàng trăm cây số để rút hồ sơ

Theo đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2015-2016 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 12/8,  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, kỳ thi THPT quốc gia đã đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận. Tuy nhiên, với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của học sinh ở các trung tâm giáo dục thường xuyên ở mức rất thấp, cùng với một tỉ lệ lớn bị điểm liệt chứng tỏ chất lượng giáo dục tại các Trung tâm này có vấn đề. Đây là việc mà Bộ GD&ĐT cần sớm quan tâm giải quyết.

Phó Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến bức xúc của dư luận về việc xét tuyển đại học. Theo Phó Thủ tướng, vấn đề này trước đó đã được đề cập, Bộ GD&ĐT cũng khẳng định đã lường được và yên tâm.

“Nhưng thực tế cho thấy Bộ chưa lường được hết, và chưa thể yên tâm. Điều này có thể hiểu được vì là việc mới. Tôi đề nghị Bộ tiếp tục lắng nghe, trên tinh thần cầu thị, sẵn sàng chịu vất vả, điều chỉnh thật nhanh, thật kịp thời trên tinh thần tất cả vì thí sinh. Mục tiêu lớn nhất là không có thí sinh điểm cao trượt đại học”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị


Liên quan đến Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, Phó Thủ tướng đánh giá, với sự tham gia của các nhà khoa học, các bộ, ban, ngành, sơ đồ hệ thống giáo dục Việt Nam đã được định hình, đảm bảo một nền giáo dục hội nhập, tiên tiến.

Theo Phó Thủ tướng, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) đã được Bộ GD&ĐT tiến hành công phu nhằm xây dựng một chương trình theo chuẩn mực quốc tế, theo định hướng lớn của UNESCO, theo các cải cách giáo dục lớn trên thế giới có tham khảo kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tiên tiến. Từ đó làm cơ sở để làm học liệu trong đó việc biên soạn SGK. Bên cạnh đó là những đổi mới trong kiểm ra, đánh giá học sinh theo Thông tư 30 hay tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015.

“Dù còn điểm này, điểm khác chúng ta chưa hài lòng nhưng cũng phải nói một cách công tâm rằng trong năm học vừa qua, ngành Giáo dục đã đạt được các kết quả rất đáng mừng. Điều quan trọng là chúng ta thấy rằng việc đổi mới không chỉ cần thiết mà đã đi đúng hướng và phải tiếp tục”, Phó Thủ tướng nói.

Về những khó khăn trong thực hiện Thông tư 30 đánh giá học sinh tiểu học theo phương pháp mới, Phó Thủ tướng cho rằng đây là xu thế giáo dục hiện đại nhưng cũng phù hợp với truyền thống.

“Đánh giá để cho các cháu phấn đấu, vượt lên chính mình chứ không phải để so sánh, để ganh tị với những người khác. Điều cần rút kinh nghiệm là một chủ trương mới dù là đúng cũng phải có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đặc biệt là cách tuyên truyền, giải thích, vận động, nhưng dứt khoát đúng thì mình kiên định làm”, Phó Thủ tướng nói.

Đối với những hạn chế trong giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng nói: “Những vấn đề này phải làm từ mẫu giáo, dạy các cháu những thứ rất cơ bản, dạy kỹ năng sống một cách phù hợp, giản dị từ truyền thống cha ông, năm điều Bác Hồ dạy; dần dần nâng lên ở những lứa tuổi lớn hơn, dạy các cháu để làm người tốt, có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và bây giờ là công dân toàn cầu”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét phương án tổ chức khai giảng đồng loạt tại các trường phổ thông trên cả nước trong cùng một ngày.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc