Thanh niên Hà Nội chơi gì, ở đâu?

08:22, 19/06/2015
|

(VnMedia) - Thanh niên rất thích không gian công cộng bởi nó giúp họ tránh xã những cách giải tỏa căng thẳng nguy hiểm như tìm đến rượu hay ma túy, tuy nhiên, Hà Nội ngày càng ít những không gian công cộng để thanh niên có thể sử dụng....

Hội thảo Không gian công cộng thân thiện cho thanh niên ở Hà Nội đã được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (INRS, Canada), Viện Xã hội học-Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và tổ chức HealthBridge, ngày 18/6. Rất đông các nhà khoa học, các kiến trúc sư (KTS) đến từ các trường đại học, các tổ chức trong nước và quốc tế.

Các tham luận tại hội thảo đã chỉ rõ, việc tạo dựng các không gian công cộng để thanh niên có chỗ chơi, vận động, tập thể dục và giao tiếp xã hội luôn là một vấn đề khó đối với cả những nước phát triển và đang phát triển, đặc biệt với nhóm đối tượng thanh niên trong độ tuổi từ 18 - 25, lứa tuổi cần có nhiều hoạt động cộng đồng để hình thành và phát triển nhân cách.

Vấn đề này lại càng là một thách thức đối với các thành phố Châu Á đang phát triển nhanh chóng như Hà Nội, một trong những thành phố có có mật độ dân số cao nhất thế giới nhưng lại có rất ít không gian công cộng chính thức. Các không gian công cộng ít ỏi hiện có thường có rất đông người sử dụng và có một sự cạnh tranh trong việc sử dụng không gian công cộng giữa các nhóm tuổi, giới tính, giữa các loại hoạt động ở các thời điểm khác nhau trong ngày. Bên cạnh đó, trong quá trình đô thị hóa nhanh, các chính sách đổi mới kinh tế và phát triển đô thị đã có những tác động mạnh tới việc xây dựng, quản lý, vận hành và sử dụng không gian công cộng trong thành phố.

Trong các giai đoạn sắp tới, rất cần có những nghiên cứu đánh giá, thống kê bài bản và khoa học cả về số lượng và chất lượng đối với hệ thống tổng thể không gian công cộng ở đô thị, từ đó đề xuất các chính sách phát triển, khai thác sử dụng và quản lý hợp lý, góp phần tạo dựng một môi trường sống trong lành, sức khỏe đối với cư dân các đô thị ở Việt Nam.

Ảnh minh họa

Toàn cảnh hội thảo


Không gian công cộng giúp thanh niên tránh xa rượu, ma túy

Riêng đối với Hà Nội, kết quả nghiên cứu “Thanh niên sử dụng không gian công cộng ở Hà Nội” do TS Stephanie Geertman trình bày tại hội thảo cho thấy, thanh niên Hà Nội có rất nhiều hoạt động ở các không gian công cộng chính thức (sân 34T Trung Hòa Nhân Chính, công viên Hòa Bình và Công viên Lê Nin), trong đó các hoạt động tĩnh như chuyện trò, ngồi học bài, ngắm nhìn mọi người hay các hoạt động vận động quen thuộc như bóng đá và cầu lông; các hoạt động thể thao đường phố như trượt patin, nhảy hip hop...

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tần suất sử dụng không gian công cộng của thanh niên là rất cao. Những yếu tố thu hút giới trẻ đến với các sân chơi, đó là những địa điểm dễ tiếp cận trong khoảng cách dưới 1km từ nơi ở, không có hàng rào hoặc vé vào cửa, có nhiều cổng vào, có nhiều cây được chăm sóc tốt, có các bề mặt phẳng hoặc những mặt cứng hỗ trợ các hoạt động thể thao tự do, được thiết kế cho tất cả mọi người hơn là những công viên chỉ dành cho thanh niên, nằm trong hệ thống không gian công cộng bổ trợ đa dạng và có nhiều lựa chọn...

“Không gian công cộng rất có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần của thanh niên. Bản thân họ khi được hỏi đã đánh giá cao lợi ích của việc tiếp xúc với thiên nhiên. Họ cũng sẽ có lối sống tích cực có lợi cho sức khỏe hơn, có điều kiện giao tiếp xã hội..., nhất là với thanh niên nhập cư, không gian công cộng giúp họ không bị cảm thấy cô lập với xã hội. Đặc biệt, thanh niên rất thích không gian công cộng bởi nó giúp họ tránh xã những cách giải tỏa căng thẳng nguy hiểm như tìm đến rượu hay ma túy.  ” – TS Stephanie Geertman nói.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra những điểm trở ngại khiến thanh niên không đến với các không gian công cộng, đó là các không gian quá đông đúc, thường bị những người bảo vệ cấm hoặc hạn chế hoạt động, có thu phí, người bán hàng rong....

Ảnh minh họa

Thanh niên rất thích không gian công cộng bởi nó giúp họ tránh xã những cách giải tỏa căng thẳng nguy hiểm như tìm đến rượu hay ma túy


Đánh giá lại hệ thống quản lý không gian công cộng Hà Nội

Với kết quả nghiên cứu nói trên, TS Stephanie Geertman cho rằng, cần nâng cao vai trò của không gian công cộng trong chương trình phát triển thanh niên của Thành phố, đặc biệt là đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của thanh niên nói riêng cũng như sức khỏe của người dân đô thị nói chung.

TS Stephanie Geertman khuyến nghị, cần đánh giá lại hệ thống quản lý không gian công cộng ở Hà Nội trong đó đặc biệt lưu ý vai trò của đội ngũ cán bộ bảo vệ, xây dựng cơ chế đảm bảo họ đang bảo vệ công bằng đối với tất cả những người sử dụng; xây dựng lại quy chế để tổ chức lại hoạt động bán hàng tại các không gian công cộng, với quy định nghiêm ngặt hơn; đánh giá lại những bãi xe công cộng trong khi kết nối các không gian công cộng với mạng lưới giao thông công cộng.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, KTS Trần Huy Ánh đánh giá cao những phát hiện của nghiên cứu, tuy nhiên, ông cho rằng, nếu chỉ giới hạn phạm vi là những không gian công cộng chính thức thì sẽ bị bó hẹp. Theo KTS, cần phải quan tâm đến các không gian phi chính thức khác nhưng rất có tiềm năng như những không  gian nhỏ trong các khu dân cư, đặc biệt là không gian mặt nước và khu vực hai bên sông Hồng. “Đây là một tiềm năng rất lớn có khả năng cứu vãn cho vấn đề không gian công cộng và chất lượng sống của Hà Nội” – KTS Trần Huy Ánh nói. Vấn đề khiến vị KTS này lo ngại nhất, đó là cho đến nay, khái niệm về không gian công cộng vẫn còn rất mù mờ, dễ bị lợi dụng cho những mục đích cá nhân.

Trong khi đó, KTS Đinh Đăng Hải cho rằng, nếu càng tạo ra nhiều bãi đỗ xe quanh các không gian công cộng thì khiến cho người dân đô thị nói chung và thanh niên nói riêng lười hoạt động thể chất và điều này không tốt cho sức khỏe.

Tham dự hội thảo, một ý kiến nhận xét, Hà Nội có nhiều văn bản, khẩu hiện nhưng thực tế triển khai không được bao nhiêu. “Cái quan trọng là bài toán quản lý. Chúng ta loay hoay trong vấn đề tự quản, để nhà nước và người dân quản lý là khó, phải xã hội hóa. Thành phố chúng ta chưa phải đã quá đông dân, nhưng chỉ có cái vỉa hè, một hình thái không gian công cộng, mà đến 7 bộ ngành quản lý cũng không xong" cũng đã được đưa ra.

Cùng suy nghĩ này, KTS Lê Văn Lân, “cha đẻ” của công trình kiến trúc Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội đặt câu hỏi về vấn đề quản lý: “Không hiểu vì sao mà không gian quanh các hồ như Hồ Tây bị những cá nhân chiếm dụng, sử dụng sai mục đích hoặc thiếu văn hóa mà không bị bất cứ một ai can thiệps, xử lý.”

Còn PSG.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục (Viện nghiên cứu định cư) thì nhấn mạnh, cần phân loại những không gian công cộng hiện hữu để kiểm kê, đánh giá, nhận diện nhằm giữ gìn, bảo tồn những gì là quý giá của Hà Nội.

Đánh giá rất cao nghiên cứu của TS Stephanie Geertman, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, nếu kết quả nghiên cứu và những khuyến nghị nói trên đến được với lãnh đạo Thành phố thì sẽ rất có tác dụng bởi ông tin rằng, lãnh đạo thành phố Hà Nội là những người rất biết lắng nghe và sẵn sàng hành động nếu điều đó là có lợi cho người dân.

Cũng tại hội thảo, một kết quả nghiên cứu khác đã được TS Phạm Thị Thanh Hiền (đại học Quebec, Canada) trình bày, đó là "Lập bản đồ không gian công cộng ở Hà Nội: thay đổi giữa 2000 và 2010, tiếp cận không gian và chất lượng", trong đó dông bố bức tranh toàn thể về sự phân bố công viên, vườn hoa từ năm 2000 đến năm 2010; chất lượng của các vườn hoa, công viên, từ đó đưa ra các chỉ số quan trọng cho việc quy hoạch không gian và đầu tư tài chính. Nghiên cứu cũng đưa ra những gợi ý về định hướng quy hoạch công viên, vườn hoa cho Thành phố.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc