Việc xây dựng Luật chưa sát với đời sống công nhân

13:55, 22/05/2015
|

(VnMedia) - Thảo luận tại tổ về việc sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm Xã hội, nhiều đại biểu chia sẻ cảm giác có lỗi khi thấy việc làm luật chưa hiểu được thực tế đời sống quá khó khăn của công nhân…

Sáng 22/5, Quốc hội thảo luật tại tổ về Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội ngay sau khi có đề xuất của Chính phủ về việc sửa đổi Điều luật này. Tại phiên họp, đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc sửa đổi điều này.
 
Đại biểu Trần Văn Bàn (Bình Định) cho rằng, Điều 60 chưa thực hiện mà đã có phản ứng là do công tác tuyên truyền chưa tốt. “Những người không có tiền lương hưu sẽ rất vất vả khi về già, vất vả cho cả con cái nếu gia đình gặp khó khăn. Do vậy nếu có lương hưu sẽ rất tốt.” - ông Trần Văn Bàn nói.
 
Trong khi đó, đại biểu Trần Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho rằng, trên cơ sở lựa chọn phương án tốt nhất, đảm bảo cho người lao động về hưu đảm bảo an sinh xã hội nên khi trình ra Quốc hội, điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội đã thể hiện được “ý chí của toàn dân”.
 
“Theo tôi, người lao động phản ứng không phải do luật không phù hợp mà do việc tuyên truyền chưa tốt. Chủ trương này hoàn toàn đúng đắn để đảm bảo an sinh cho người lao động khi về già, vì thế nên kiên trì chủ trương đó. Cớ gì chúng ta cứ phải chạy theo số ít? Chúng ta nên tuyên truyền cho tốt để người lao động hiểu. Người lao động nhận tiền một lần bây giờ, sau này không có nữa, về hưu không có lương lại trở nên nghèo khổ, không đảm bảo cuộc sống. Lúc đó rồi lại bảo giá như ngày xưa tôi không lấy một lần”, Đại biểu Khánh phân tích, đồng thời đề nghị Luật BHXH được ban hành là “đúng rồi, không nên sửa”.
 
Đại biểu Triệu Thị Nái (Đoàn Hà Giang) cũng cho rằng, Điều 60, chưa có hiệu lực nhưng đã có phản ứng như vậy vì trong tuyên truyền chưa đến nơi đến chốn.”

Ảnh minh họa

Người công nhân lựa chọn hưởng trợ cấp 1 lần bởi đời sống hiện tại quá khó khăn


Tuy nhiên, đa số cá ý kiến thảo luận tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội bởi nó đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận người lao động.
 
Đại biểu Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) phân tích, khi về hưu, nhiều người được nhận lương chỉ hơn một triệu đồng không giải quyết được việc gì, còn cán bộ cao cấp 37 năm công hiến sau đó về nghỉ cũng chỉ được lương vài triệu không đủ sống.
 
“Vận động làm tư tưởng gì chăng nữa, 43/47 nơi phản ứng là lớn. Chúng ta cần cho người lao động hiểu tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng gì?”, ông Hùng nói
 
Tán thành sửa đổi điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, đại biểu Trần Thanh Hải TP Hồ Chí Minh cho rằng, nên tạo điều kiện để người lao động được lựa chọn hưởng một lần hoặc tích lũy đến khi về hưu. Lý giải tại sao người lao động lại phản ứng về điều luật này ông Hải cho biết, làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất rất khắc nghiệt. Hơn nữa, người lao động phải dịch chuyển chỗ làm rất nhiều lần và rất ít người có điều kiện để về hưu.
 
“Vậy có phải người lao động không hiểu được nhận trợ cấp 1 lần thì thiệt thòi hơn là tới khi về hưu? Họ hiểu cả, nhưng họ vẫn lựa chọn như vậy”. – ông Hùng đặt câu hỏi và lấy ví dụ về một công nhân ở quận Bình Tân đã tham gia BHXH 18 năm liên tục, 2 năm cuối cùng đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu nhưng rút cục chỉ nhận được 243.000đ/1 tháng.
 
“Lương hưu bèo bọt như vậy làm sao khuyến khích người dân đóng BHXH để nhận tiền hưu khi về già?” - Đại biểu Trần Thanh Hải đề nghị ngoài sửa đồi Điều 60 phải sớm thực hiện cải cách tiền lương để giải quyết vấn đề căn bản về tiền lương cho người lao động.
 
“Điều luật này không khả thi là do chúng ta nắm bắt tư tưởng, ý chí, nguyện vọng của công nhân chưa đúng, chưa phù hợp, chưa hiểu được khó khăn của đời sống công nhân hiện nay là đang quá khó khăn. Trong hoàn cảnh quá khó khăn như vậy, người ta lựa chọn cái gì? Người ta lựa chọn đời sống trước mắt hay là đợi vài chục năm sau? Một câu hỏi đặt ra cho người làm luật phải suy nghĩ, chứ không nên đổ dồn trách nhiệm, cho rằng phản ứng đó là do tổ chức công đoàn hoặc do công tác phổ biến pháp luật hay công tác tuyên truyền. Tôi cho rằng đổ như vậy là thiếu trách nhiệm” - đại biểu Nguyễn Thị Quyết tâm, đoàn TP. Hồ Chí Minh gay gắt nói.

Ảnh minh họa

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm


 
“Người ta cũng biết rằng bảo lưu lại để sau này hưởng lương hưu là lợi ích. Nhưng vì sao người ta biết cái lợi đó mà vẫn chọn lựa hưởng một lần? Chỗ này là trách nhiệm của Quốc hội và của Chính phủ phải suy nghĩ. Ví dụ, vì sao ai cũng biết đi ô tô buýt là khỏe, là an toàn, là không bị khói bụi, không bị ngâp nước nhưng người ta vẫn đi xe hai bánh? Đây là điều mà người làm luật phải suy nghĩ. Trong trường hợp này, tôi cho rằng không nên áp đặt và bắt buộc.” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP. Hồ Chí Minh phân tích.
 
Hoan nghênh việc sửa đổi Điều 60 Luật BHXH theo đề xuất của CP, tuy nhiên, đại biểu Đặng Ngọc Tùng (đoàn Đồng Nai) - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất không sửa Điều 60 mà ra nghị quyết tạm dừng điểm a, khoản 1, Điều 60 và khoản a điểm 1 Điều 77 để chờ khi sửa luật.
 
Đề xuất này của đại biểu Đặng Ngọc Tùng được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ.
 
Cảm giác xấu hổ, có lỗi với với công nhân
 
Trên quan điểm sửa đổi Điều 60, các đại biểu cũng đề nghị cần có sự thay đổi trong quy trình làm luật của Quốc hội thực chất hơn trong khảo sát, đánh giá các đối tượng bị điều chỉnh. Trong quá trình thảo luận cũng cần tăng tính tranh luận, cũng như việc biểu quyết thông qua luật cũng phải tính đến các điều đang còn nhiều ý kiến tranh cãi. Thậm chí, nhiều đại biểu thừa nhận cảm thấy rất xấu hổ khi thấy Luật vừa thông qua đã bị phản ứng.
 
“Tôi có tâm trạng thấy xấu hổ, có lỗi khi công nhân phản ứng. Tôi đề nghị Quốc hội nhận lỗi với người lao động, chứ không thể nhận sai cho có. Quốc hội nên cầu thị trong việc sửa đổi lần này. Tôi tha thiết đề nghị, sửa đổi phải có lời xin lỗi người lao động để họ thấy sự thực tâm trong quá trình sửa đổi.” – đại biểu Võ Thị Dung chân thành phát biểu.
 
Cùng tâm trạng này, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, ông rất buồn vì luật vừa thông qua mà phải sửa. “Là Đại biểu Quốc hội phải thấy xấu hổ chứ? Tôi cũng là Đại biểu nên cũng thấy trách nhiệm ở đấy.” - ông Trần Hoàng Ngân nói.
 
“Nhiều cử tri đặt vấn đề xem lại cách làm luật của Quốc hội. Vì sao một số điều luật Quốc hội thông qua gần đây tính khả thi không cao, dễ bị phản ứng của đối tượng chịu tác động của luật? Trong buổi tiếp xúc công nhân khu chế xuất và công nghiệp, có ý kiến cho rằng người làm luật thiếu thực tiễn. Đây là ý kiến đáng nghe. Vì sao cử tri nói như vậy? thực tiễn có điều luật chưa kịp có hiệu lực thi hành đã bị phản ứng. Đây không phải là lần đầu. Cần xem lại cách lấy ý kiến thực chất chưa, việc lắng nghe có tốt chưa? Thật sự muốn nghe đối tượng chịu tác động của luật thì khi nghe rồi, ghi nhận ý kiến rồi, tiếp thu, cầu thị đã tốt chưa?” – đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP. Hồ Chí Minh) đặt hàng loạt câu hỏi.
 
Theo bà Tâm, tranh luận trong thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau là dịp để người thiếu thực tiễn lắng nghe sự tranh luận, cách giải thích của người khác để có thêm kiến thức. Phải lắng nghe để biết đâu là lẽ phải.
 
“Qua việc này, Quốc hội nên suy nghĩ, tiếp thu đổi mới mạnh hơn nữa cách thảo luận ở hội trường, mở không gian tranh luận nhiều hơn. Đặc biệt thảo luận tình hình kinh tế xã hội, luật, tranh luận nhiều hơn, đổi mới cách biểu quyết thông qua các điều luật kỹ hơn nữa.” - đại biểu đoàn TP. Hồ Chí Minh thẳng thắn.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc