Nghỉ hưu, thôi việc mà phát hiện bệnh nghề nghiệp vẫn hưởng bảo hiểm

20:04, 25/05/2015
|

(VnMedia) - Dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, bổ sung quy định chế độ bảo hiểm bệnh  nghề nghiệp cho người mắc bệnh nghề nghiệp sau khi đã chuyển công việc khác hoặc về hưu.

Theo đó, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật bổ sung quy định người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp khi phát hiện bị mắc bệnh nghề nghiệp do liên quan đến các ngành, nghề, công việc đã làm thì được hưởng chính sách bảo hiểm bệnh nghề nghiệp tại khoản 2 Điều 47.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, dự thảo Luật đã bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi cho người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động khác nhau và có tham gia đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Theo đó, những đối tượng này khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
 
Ngoài ra, để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với Bộ luật lao động, dự thảo Luật bỏ quy định hỗ trợ một phần chi phí từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động; quy định Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hỗ trợ huấn luyện cho các đối tượng đã tham gia BHXH là người quản lý phụ trách an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế, an toàn, vệ sinh viên, người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung một số quy định tại mục 3 chương III về trình tự, thủ tục để thực hiện chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đảm bảo đồng bộ với Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
 
Đối với trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động, đa số ý kiến Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp và chăm sóc sức khỏe cho người lao động của Bộ Y tế. Một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của các bộ, ngành khác có liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động vì lĩnh vực này liên quan đến thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo Luật quy định Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động. Tuy nhiên, lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động liên quan đến phạm vi quản lý của nhiều Bộ, ngành khác nhau (Bộ y tế, Bộ công thương, Bộ xây dựng, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn...), do vậy việc phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các Bộ trong công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động là cần thiết.
 
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, bổ sung 1 điều quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động, trách nhiệm của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Đặc biệt, tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về quyền của người lao động được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe; được yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị tai nạn lao động.

Ngoài ra, Dự thảo cũng đã bổ sung quy định về chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo hình thức tự nguyện để công bằng với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được nhà nước hỗ trợ tiền đóng tại Luật BHXH (2014).

Dự thảo cũng bổ sung quy định rõ về trách nhiệm chủ trì của chủ dự án, chủ đầu tư trong việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi có nhiều người sử dụng lao động. Theo đó, tại nơi làm việc có nhiều người lao động thuộc nhiều người sử dụng lao động cùng làm việc thì chủ dự án hoặc chủ đầu tư phải tổ chức để những người sử dụng lao động cùng lập văn bản xác định rõ trách nhiệm của từng người trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động và cử người để phối hợp kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động.

Thảo luận tại Hội trường sáng nay (25/5), đại biểu Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) cho rằng, dù đã tiếp thu, chỉnh sửa nhiều điều nhưng một số nội dung trong Dự thảo vẫn còn chung chung khó thực hiện như điều 16 (Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc) hay điều 18 (Kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc)... Đại biểu Nguyễn Minh Phương đề nghị bổ sung chi tiết đơn vị đủ điều kiện xác định môi trường có yếu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp.

Đại  biểu Khúc Thị Duyên ủng hộ Dự thảo đưa vào bảo hiểm tự nguyện cho  người lao động không có quan hệ lao động và nhà nước cần có hỗ trợ một phần, đồng thời phải tuyên truyền, huấn luyện về an toàn lao động cho những đối tượng này. Đại biểu cũng đề nghị Luật cần có chế tài đủ mạnh đối với người sử dụng lao động để mất an toàn cho người lao động, đồng thời đề nghị Chính phủ có quy định chặt chẽ cụ thể đối với những doanh nghiệp tham gia bảo hiểm an toàn lao động, có cơ chế giám sát.

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) thì đánh giá, dự án luật đã được chỉnh lý tốt và tiếp thu ý kiến của đại biểu. Tuy nhiên, đại biểu Sĩ Cương cho rằng, Điều 31 quy định chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, chồng chéo.

Đối với Điều 26 của Dự thảo quy định: hằng năm, tùy theo điều kiện cụ thể, người sử dụng lao động có thể tổ chức cho người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động có sức khoẻ kém được điều dưỡng phục hồi sức khỏe, đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho rằng, quy định chỉ khuyến khích thôi chưa đủ, mà phải bắt buộc các doanh nghiệp tổ chức điều dưỡng, phục hồi sức khỏe hàng năm cho người lao động.

Trong khi đó, đại biểu Tô Thị Ngọc Hạnh (Đắc Nông) còn cho rằng, việc quy định khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động không nên theo năm mà phải thường xuyên hơn.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc