Liên tiếp các vụ tai nạn đường sắt: Tính mạng người dân bị coi thường?

10:20, 13/05/2015
|

(VnMedia) - Hàng loạt các vụ tai nạn do thi công các tuyến đường sắt trên cao xảy ra trong thời gian vừa qua khiến không ít người cho rằng, các đơn vị thi công, nhà thầu đang coi thường tính mạng người dân...

>>
“Cấm cửa” nhà thầu để rơi sắt tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội            
>>
Dầm thép đường sắt trên cao lại đổ ập xuống đường            
>>
Nguyên nhân sập giàn giáo đường sắt Cát Linh–Hà Đông                  
>>
Sập giàn giáo tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông                    
 
Hết rơi, sập rồi đến đổ....

Không phải bây giờ, việc thi công thiếu an toàn ở các tuyến đường sắt trên cao của Hà Nội mới xảy ra. Cách đây gần một năm, sáng 6/11/2014, trong lúc đang thi công tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, 2 thanh sắt xoắn đã bất ngờ rơi từ trên cao xuống đường Nguyễn Trãi, gây tai nạn cho chủ nhân hai chiếc xe máy đang lưu thông, một người tử vong tại chỗ.

Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 10h sáng tại khu vực đối diện Viện Y học dân tộc Tuệ Tĩnh, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân (Hà Nội), khiến hai xe máy đổ ngổn ngang và bị các thanh sắt đè lên. Phía trên là giàn giáo bằng thép của công trường thi công nhà ga đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Một số nhân chứng cho biết, khoảng 10h sáng, trong lúc đang thi công, khi công nhân vận chuyển thép xây dựng lên phía giàn giáo để thi công thì nhiều thanh sắt đã rơi xuống dòng người đang di chuyển, làm một người chết tại chỗ. Một người khác bị thương nặng được đưa đi cấp cứu.

  Ảnh minh họa

  Hiện trường vụ rơi 2 thanh sắt khiến một người thiệt mạng.

Sau đó một tháng, rạng sáng ngày 28/12/2014, trong khi công nhân đang đổ bê tông xà mũ trụ H7 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) thì bất ngờ giàn giáo đổ sập.

Khi xảy ra tai nạn, một chiếc taxi khi lưu thông qua gầm gàn giáo công trình đã bị dè bẹp. Thời điểm này, trên xe taxi có 4 người. Tuy nhiên, cả 4 đều may mắn được cứu hộ kịp thời và thoát nạn. 

Thông tin về sự cố này, trưa ngày 28/12, Bộ Giao thông vận tải cho biết, vụ tai nạn xảy ra vào lúc 4h sáng tại vị trí ga bến xe Hà Đông, đường Trần Phú.

Sự cố xảy ra trong quá trình công nhân đang đổ bê tông thi công xà mũ trụ H7, hệ thống sàn, đà giáo tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông thì bất ngờ giàn giáo sập xuống đường. Tuy nhiên, may mắn sự cố không xảy ra thương tích về người.

  Ảnh minh họa

  Hiện trường vụ sập giàn giáo khi thi công tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Bãng đi một thời gian, ngày 10/5 vừa qua, nhiều người đi trên đường Hồ Tùng Mậu (Nam Từ Liêm, Hà Nội) hoảng hốt khi thấy một thanh dầm sắt từ trên chiếc cần cẩu rơi xuống đường, đè nát tấm tôn rào chắn.

Tại hiện trường thanh sắt bị rơi dài hơn 10 m, rộng khoảng 20 cm, rơi chắn 1/2 lòng đường Hồ Tùng Mậu. Vài phút sau, nhóm công nhân trong công trường đã lái máy cẩu di chuyển thanh dầm vào phía trong. Tấm tôn rào chắn bị dầm đè lên cũng được bịt kín lại.

Vụ việc trên còn chưa được khắc phục thì sáng ngày 12/5, vừa đi qua nút giao Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) theo hướng về Ngã Tư Sở, xe Honda Civic của tài xế Nguyễn Thụ Đăng (Hoài Đức, Hà Nội) bị thanh sắt từ trên công trường nhà ga vành đai 3 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông rơi trúng cánh cửa bên trái.

"Sau tiếng động mạnh, xe rung lên. Tôi dừng lại thấy cửa xe bị hư hỏng, phía sau là thanh sắt giống xà beng có một đầu nhọn, dài hơn một mét, nằm chắn ngang đường", anh Đăng kể lại. Thanh sắt rơi từ độ cao khoảng 5 m đã khiến một góc cánh cửa bên tay lái bị bóp méo, tay cầm của cửa này bị gãy.

Tiếp đó, chiều 12/5, chiếc cần cẩu đang phục vụ thi công dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội bất ngờ đổ sụp, đè vào hai căn nhà trên đường Cầu Giấy.

Theo các nhân chứng, khi chiếc cần cẩu nằm bên trong công trường thi công đổ ụp xuống, một phụ nữ mang thai 8 tháng đi xe máy gần đó đã bị ngã do dây văng trúng.

Tại hiện trường, cánh tay cẩu nặng hàng tấn nằm đè lên các biển quảng cáo của hai cửa hàng vàng bạc và đại lý sơn. Mảnh nhựa, kính và sắt thép vương vãi khắp nơi. Chiếc cần cẩu đổ chắn ngang đường Cầu Giấy và làm toàn bộ giao thông trên tuyến đường này bị ùn tắc theo hướng về phía Cầu Giấy.

Khu vực xảy ra sự cố sập cần cẩu thuộc gói thầu số 1 xây dựng tuyến cầu cạn từ Nhổn đến Kim Mã do tổng thầu Daelim (Hàn Quốc) thực hiện.

  Ảnh minh họa

  Hiện trường vụ rơi cọc sắt trên tuyến đường sắt đô thị Nhồn - Ga Hà Nội.

Tính mạng người dân đang bị coi thường?

Điều đáng nói là các vụ việc này không chỉ xảy ra một lần mà cứ lặp đi lặp lại nhiều lần gây lo ngại sâu sắc cho người tham gia giao thông trên đường phố Hà Nội.

Thế nhưng sau mỗi vụ tai nạn xảy ra, ngay lập tức người ta lại thấy các cơ quan chủ quản ở đây là Bộ Giao thông vận tải và UBND Hà Nội "làm khá tròn vai trách nhiệm của mình" khi gần như ngay lập tức có những hành động "quyết liệt" nhằm trấn an dư luận như: cử cán bộ xuống hiện trường kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả, sau đó phê bình người này người kia, thậm chí đưa ra các hình thức kỷ luật. Tuy nhiên, mặc cho các "chế tài" được cho là khá cứng rắn của các cơ quan quản lý đưa ra, các vụ tai nạn vẫn liên tiếp xảy ra.

Trao đổi với VnMedia , anh Văn Phong- một người dân sống trong khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, sau các vụ rơi sắt, sập giàn giáo xảy ra ở tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông năm ngoái, lần nào đi qua tuyến đường Nguyễn Trãi anh cũng thấy ghê ghê, lo sợ. Vì cũng làm xây dựng nên anh rất hiểu chuyện vận chuyển vật liệu và an toàn lao động.

Theo anh Phong, với việc vận chuyển vật liệu thì nên chủ động vận chuyển vào lúc đêm vắng, thưa người. Chỗ thi công cần làm lan can bao rộng hơn ra ngoài phạm vi thi công đề phòng trường hợp vật liệu bị rơi.

Thêm vào đó, trước khi cẩu vật liệu phải kiểm tra thật kỹ càng các nút buộc. Cần thiết khi cẩu và vận chuyển vật liệu nặng, hoặc vật liệu có tính không ổn định có thể điểu người ra ngăn tạm thời dòng giao thông… Làm như vậy sẽ hạn chế được tình trạng không đáng có xảy ra. Tuy nhiên, tại nhiều công trường xây dựng trên đường phố Hà Nội hiện nay, công tác đảm bảo an toàn thi công dường như chưa tốt.

“Đường Hồ Tùng Mậu cực kỳ đông, ngày nào đoạn xảy ra tai nạn chiều ngày 10/5 vừa qua cũng ùn tắc, trong khi đó tiến độ thi công thì ì ạch. Tôi ngày nào cũng phải đi làm qua khu vực xảy ra tai nạn. Hôm thì nước chảy lênh láng ra đường, hôm thì bụi mù. Nói chung là rất bức xúc về công tác đảm bảo an toàn từ ngày tuyến đường bị quây lại để khởi công xây dựng. Không biết việc khai thác sau này có hiệu quả không nhưng trước mắt kém an toàn quá", chị Minh Thùy, một người dân ở quận Nam Từ Liêm bức xúc.

Đề cập đến nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn đáng tiếc khiến thanh sắt nặng gần 1 tấn rơi xuống đường Hồ Tùng Mậu ngày 10/5 vừa qua, chị Thùy cho rằng, việc cẩu, vận chuyển vật liệu trên đầu người thì kiểu gì cũng có tai nạn xảy ra.

"Bao nhiêu lần đi qua khu vực này, lần nào tôi cũng rợn hết người về cách làm việc của đơn vị thi công. Đề nghị đơn vị thi công phải có che chắn, không cẩu vật liệu trên đầu người đi đường và cần có biện pháp để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông qua những khu vực đang xây dựng. Chứ cứ liên tục xảy ra tai nạn như hiện nay thì các đơn vị thi công, nhà thầu coi thường tính mạng của người dân quá", chị Thùy nói.


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc