Bộ trưởng Bộ Y tế lại đề xuất "thu đúng, thu đủ"

14:34, 29/05/2015
|

( VnMedia) - Góp ý cho dự thảo Luật Phí và lệ phí, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải "thu đúng thu đủ", cũng như quy định trích phần trăm để lại khi thực hiện "thu hộ"...

Cần rạch ròi trong phân cấp phân quyền

Sáng 29/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật phí và lệ phí. Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, việc xây dựng luật này là hết sức cần thiết, tuy nhiều còn rất nhiều điều cần phải làm rõ hơn, bao trùm hơn và đặc biệt là cần quy định cụ thể hơn về việc phân cấp phân quyền.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm. Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng, phí và lệ phí là lĩnh vực phân cấp dễ nhất, nếu vấn đề này mà không làm được thì các lĩnh vực khác “không  hình dung được là làm cách gì”.

“Khi đọc luật này sẽ thấy luật Chính quyền địa phương sắp tới đây sẽ thông qua chỉ là lý thuyết, bởi vì nguyên tắc phân cấp quy định là sẽ được phân cấp trong các luật chuyên ngành, mà đây là một trong những luật chuyên ngành nhưng lại không hề có phân cấp gì hết, so lại với luật Chính quyền địa phương thì chính quyền địa phương sẽ chỉ ngồi đó mà chơi bởi chưa có luật nào điều chỉnh thì không thể làm được” – đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Theo đề nghị của đại biểu TP Hồ Chí Minh thì phí và lệ phi là tiền ngân sách nên phải sửa ngay trong luật ngân sách tới đây, theo đó vấn đề nào, khoản thu nào để lại cho ngân sách địa phương thì chính quyền địa phương quyết định mức thu và quyết định cả cách chi như thế nào để đảm bảo nguồn thu của địa phương mình. Còn lĩnh vực nào thu phí nộp về ngân sách Trung ương thì do Trung ương, do Chính phủ quy định danh mục thu và mức thu, nộp 100% về trung ương bởi việc chia tỷ lệ thực sự phức tạp. “Tỷ lệ này chỉ là một cách để xin – cho.” – Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh thẳng thắn.

Về ý kiến cho rằng nếu quy định phân cấp như vậy thì sợ địa phương lạm dụng thu phí, bà Quyết Tâm nói: “HĐND ngày nay không phải như ngày xưa, nếu mở ra một cơ chế luật định để HĐND làm thì chính quyền sẽ không dám làm tùy tiện. Thứ hai,  dân chủ xã hội thể hiện ý kiến của người dân và thứ ba là có sự giám sát của mặt trận và các đoàn thể. Có thể mở ra một cơ chế để có những loại phí mà HĐND phải xin ý kiến nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta không mở ra cái đó để phát huy dân chủ trực tiếp, phát huy dân chủ xã hội đồng thời nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương.?”. Theo bà, phải rạch ròi thì mới làm được, “chứ như luật này thì khó, có khi còn bị bó hơn.”

“Ví dụ, kỳ họp cuối năm 2014 vừa qua có một cái bàn mãi mà không làm được, đó là có một số đối tượng mà HĐND, UBND TP thấy phù hợp là phải  miễn giảm tiền thu phí tham gia đường bộ, nhưng rà lại quy định do Bộ Tài chính quy định thì không có cách nào giảm, giảm một đồng cũng không được. Mình thấy đối tượng đó không cần thu, thậm chí cần hỗ trợ người ta nhưng không làm được.” – đại biểu đoàn TP. Hồ Chí Minh nói và nêu ví dụ cụ thể hơn. “ Có những người nói rằng họ sắm một chiếc xe máy chỉ để đi chợ thôi, từ nhà ra chợ chỉ vài trăm mét, mà đường đó là do nhân dân trong khu vực đóng góp tiền xây dựng, tự giải phóng mặt bằng không có đền bù, bây giờ lại thu phí sử dụng đường của người ta.”
 
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị, luật phải phủ hết thực tiễn, bằng cách giao quyền đó cho địa phương vì địa phương mới biết được.

“Nông thôn và đô thị khác nhau, chỉ có chính quyền địa phương mới chứng minh được, miễn giảm ở đâu sẽ trúng và người dân sẽ không khiếu nại.” – bà Tâm nói.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến muốn tính đúng, tính đủ trong dịch vụ y tế - ảnh: Xuân Hưng


Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Trần Du Lịch cũng đưa thêm ví dụ: “Có mấy ông ngư dân đánh cá xa bờ đi cả tháng mới về nhưng xăng dầu vẫn phải đóng phí môi trường. Họ bảo họ đi tít ngoài biển xa, có làm ô nhiễm gì đâu mà phải đóng phí? Chúng ta có những cái vô lý như vậy vẫn cứ làm.”

Cũng tại tổ TP. Hồ Chí Minh, đại biểu Võ Thị Dung nhận xét, luật mới cho ý kiến lần đầu nên chất lượng, quan điểm... để nâng cao giá trị pháp lý còn nhiều vấn đề bất cập, đặc biệt là chưa quy định về quyền hạn của người dân và các tổ chức đại diện cho người dân, trong khi phí lệ phí liên quan trực tiếp đến người dân. Theo đại biểu Võ Thị Dung, dự thảo luật nên có thiết kế để người dân tham gia vào góp ý, giám sát...

Góp ý cho Dự thảo luật, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát (ĐBQH tỉnh Đắc Lắc) cho rằng, Dự luật thiếu nguyên tắc xác định loại phí và lệ phí.

“Trong này quy định luôn danh mục, nhưng khi đọc kỹ danh mục có những cái thiếu, có cái chưa đầy đủ, có cái phải điều chỉnh. Cần phải quy định nguyên tắc xác định cái nào thu phí, cái nào thu lệ phí, cái nào chuyển sang giá. Ở đây chỉ quy định mức thu, trong khi quan trong là cần quy định cái nào thu hay không thu. Các quy định nhà nước thực hiện dịch vụ công thì phải có thu và có thể có quy định miễn giảm, mà nếu có miễm giảm thì ngân sách phải chi, nếu không, đơn vị thực hiện dịch vụ công làm thế nào để bù đắp được. Thứ hai phải quy định thẩm quyền. Nếu quy định một danh mục như Dự thảo thì quá cứng.” – Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Trái lại với các quan điểm trên, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, việc phân cấp sẽ quy định trong Nghị định của Chính phủ. “Bây giờ chúng ta chưa nhìn thấy thì chúng ta nói không có,  nhưng tôi đảm bảo là Luật không thể  nào ôm hết được.” – bà Tiến nói.

Về ý kiến cho rằng cần phân cấp cho cả HĐND, bà Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng nếu làm như vậy sẽ rất chậm. “HĐND 6 tháng họp một lần, trong khi đó có những cái rất bức xúc mà UBND cứ phải xin ý kiến HĐND họp để quyết. Chính UBND cũng nói, nếu Nghị định để HĐND hoặc luật để HĐND mà 6 tháng HĐND mới họp để quyết thì rất lâu nên chúng tôi nghĩ có những cái phải phân cấp cho UBND.” – bà Bộ trưởng nói.

Bà Tiến cũng dẫn chứng thêm, có những cái Chính phủ rất muốn phân quyền cho chính quyền địa phương nhưng chính quyền địa phương lại phản ánh lại là nếu Chính phủ không quy định để thống nhất trong cả nước thì mỗi chính quyền địa phương lại ra một quy định khác nhau nên không thống nhất trong toàn quốc, khó quản lý, khó điều hành và gây ra sự không công bằng.

Trích lại tỷ lệ "thu hộ" sẽ là con dao hai lưỡi

Cũng trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Y tế một lần nữa đề cập đến việc cần phải “tính đúng, tính đủ” trong dịch vụ y tế để nâng cao chất lượng, đảm bảo nền kinh tế thị trường.

“Dịch vụ công do nhà nước cung cấp cũng phải tiến tới giá tính đúng tính đủ, nhà nước chỉ hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, người có công... còn lại phải tính theo thị trường để đảm bảo có nền kinh tế thị trường, để các nước cũng công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, tránh  nhũng nhiễu. Nếu không tính đúng tính đủ thì chất lượng chắc chắn sẽ kém “- bà Tiến khẳng định.

Bà Bộ trưởng cũng nhấn mạnh lại chuyện cần phải trích lại cho cơ quan thực thi dịch vụ đó, "chứ nếu nộp hết về nhà nước thì cơ quan đó không thể nào thực thi được".

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm một lần nữa phân tích, việc "để lại tỷ lệ sẽ để lại nhiều hệ lụy, là con dao hai lưỡi trong quản lý ngân sách nhà nước, gây mất công bằng. "Nó sẽ đẻ ra chuyện cơ quan nào được giao nhiệm vụ trực tiếp thu sẽ có nguồn thu nhập ngoài lương. Chỉ nên tính đúng tính đủ trang trải cho công việc thu phí" - đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Góp ý cho vấn đề này, đại biểu Trần Du Lịch đặt câu hỏi: "Nhà nước để làm gì? những dịch vụ mà nhà nước có trách nhiệm phải cung cấp cho dân thì chỉ thu một phần để bù đắp. Nhà nước thu thuế là phải làm. Còn dịch vụ công mà nhà nước cung cấp và người dân phải trả tiền thì nên xã hội hóa, ai làm cũng được chứ không phải chỉ nhà nước làm, không nên độc quyền rồi bàn phải có lợi nhuận là vô lý. Tôi sẽ nói điều này trước Quốc hội. Nếu nhà nước mà đòi lợi nhuận thì không phải là nhà nước nữa" - đại biểu Trần Du Lịch thẳng thắn nói.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc