Tuyển sinh vào lớp 6: Học sinh lại phải lo “tích điểm”

06:41, 22/04/2015
|

(VnMedia) - Khi không được tổ chức thi tuyển, các trường sẽ phải xét tuyển theo hình thức tích điểm, điều này có thể khiến nở rộ phong trào chạy đua học, thi và tổ chức các cuộc thi ở cấp tiểu học…

>> Không tuyển sinh lớp 6 bằng IQ vì sợ học sinh "luyện IQ"

Như VnMedia đã đưa tin, chiều 21/4, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành Ủy Hà Nội, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra liên quan đến vấn đề tuyển sinh vào lớp  6, trong đó có những trường vốn chịu nhiều áp lực về hồ sơ dự tuyển.
 
Nhiều năm qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn tồn tại tình trạng một số trường “nổi” có số lượng hồ sơ dự tuyển cao gấp nhiều lần năng lực tuyển sinh của nhà trường. Đơn cử như các trường THCS Amsterdam, trường THCS Lương Thế Vinh, trường THCS Cầu Giấy, trường THCS Marie Curie…
 
Vì vậy, để tuyển học sinh, các trường này thường tổ chức thi tuyển. Điều đáng lưu ý là số lượng học sinh trái tuyến tham gia thi tuyển cũng như trúng tuyển tại các trường này, dù không được công bố chính thức, nhưng chắc chắn là rất cao.
 
Trong khi đó, một số trường cũng có lượng hồ sơ “ngoại tuyến” rất cao so với khả năng tiếp nhận của nhà trường như trường THCS Giảng Võ, thì không tổ chức thi tuyển nhưng lại tổ chức khảo sát đầu năm để phân chia các lớp theo trình độ, năng lực học sinh.
 
Tuy nhiên, năm học 2015 - 2016, theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng với các trường công lập khác thì tất cả các trường kể trên cũng sẽ không được tổ chức thi tuyển mà chỉ được phép xét tuyển. Vậy tiêu chí để xét tuyển sẽ như thế nào là điều mà các bậc phụ huynh đang rất quan tâm.
 
Chia sẻ tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 21/4, hiệu trưởng trường THCS Lê Lợi Hà Đông, ông Quốc  Anh cho biết, trước đây trường Lê Lợi là trường chuyên, nay là trường chất lượng cao. Tuy nhiên, trường cũng bao giờ tổ chức thi tuyển mà chỉ xét tuyển mặc dù áp lực tuyển sinh rất cao.
 
“Chúng tôi xét tuyển dựa trên kết quả học tập 5 năm ở tiểu học để tích điểm. Bên cạnh đó còn tích điểm dựa vào nhiều cuộc thi khác như Olimpic, giải toán trên mạng, văn nghệ…, có rất nhiều cuộc thi ở cấp tiểu học. Tiêu chí để tích điểm tuyển sinh được công khai minh bạch để nhân dân biết.
 
Trong khi đó, hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy, bà Kim Anh cho biết, những năm học trước trường luôn tổ chức thi tuyển bởi áp lực tuyển sinh lớn. Đơn cử như năm học 2014 - 2015, có tới trên 2000  hồ sơ nộp vào xin thi tuyển nhưng trường cũng chỉ tuyển hơn 200 học sinh.
 
“Năm nay, khi nhận được Thông tư 11, chúng tôi đã quán triệt nghiêm túc, sẽ thực hiện xét tuyển chứ không thi tuyển. Nguyên tắc tuyển sinh là đảm bảo công bằng, khách quan, bằng cách xét tuyển dựa trên thành tích các cuộc thi ở tiểu học cộng với xét học bạ quy đổi ra điểm.” - bà Kim Anh cho biết.

Trong khi đó, các trường “đặc thù” như trường Amsterdam, trường Nguyễn Tất Thành hay trường Marie Curie, là những trường bị từ chối phương án tuyển sinh, thì lại không được mời để chia sẻ ý kiến và như vậy, hiện chưa thể biết các trường này sẽ tìm cách nào để chọn được học sinh.
 
Điều dễ nhận thấy là, với các cách xét tuyển mà hai trường đã nêu ở trên thì số lượng học sinh có các giải sẽ chỉ chiếm một lượng rất nhỏ. Vậy số lượng lớn chỉ tiêu còn lại sẽ được giải quyết như thế nào nếu các hồ sơ đều đáp ứng tiêu chí như nhau? Câu hỏi này hiện chưa có lời đáp và nó cũng là sự băn khoăn của rất nhiều người, trong đó có cả những nghi ngờ về việc không minh bạch trong tuyển sinh.
 
Đối với trường THCS Cầu Giấy, khi phóng viên VnMedia đặt câu hỏi về phạm vi xét tuyển, bà Kim Anh cho biết, mọi năm phạm vi xét tuyển của trường Cầu Giấy là trên toàn thành phố, nhưng năm học tới không tổ chức thi nên sẽ phải chờ chỉ đạo của Thành phố.
 
Ngay khi bà hiệu trưởng của trường THCS dứt lời, Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại khẳng định: “Trường đóng trên địa bàn phường, dùng đất của phường nên trước hết phải ưu tiên con em trong địa bàn khu vực, còn chỉ tiêu thì mới tuyển ngoài.”
 
Với câu hỏi “ưu tiên cụ thể là như thế nào? Có giống như trường THCS Giảng Võ là dành riêng các suất học cho toàn bộ con em trong địa bàn làng Giảng Võ và một số tòa chung cư hay không?”, ông Thống cho rằng, cách làm của trường Giảng Võ là một gợi ý tốt để trường Cầu Giấy tham khảo.

Trước đó, trường THCS Đoàn Thị Điểm, một trường khá nổi tiếng ở Hà Nội cũng đã công bố kế hoạch xét tuyển học sinh lớp 6. Theo đó, trường sẽ tuyển chính thức các học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba cấp quận (huyện), giải khuyến khích cấp tỉnh (hoặc thành phố tương đương) trở lên ở các môn thi giải toán qua Internet, Olympic Tiếng Anh, Olympic Tiếng Anh trên Internet, Tin học trẻ không chuyên…; học sinh đoạt Huy chương vàng cá nhân các cuộc thi thể thao, văn nghệ, mĩ thuật cấp tỉnh hoặc thành phố tương đương cấp tỉnh trở lên. Ngoài ra, trường sẽ tuyển học sinh theo các tiêu chí đánh giá thông thường ở trường tiểu học.
 
Như vậy, việc không thi tuyển là nhằm mục đích tránh cho học sinh bị áp lực học thêm, giáo viên dạy thêm tràn lan. Tuy nhiên, việc xét tuyển cũng không phải là không có vấn đề, bởi sẽ có thể nảy sinh tình trạng lao vào học để giành các giải thi đấu ở cấp tiểu học, thậm chí... "chạy" để tích điểm.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc