Sẽ bố trí nhân viên giúp người khuyết tật lên máy bay

11:39, 06/04/2015
|

(VnMedia) - Sau vụ một hành khách khuyết tật bị VietJet Air "bỏ rơi", Cục Hàng không Việt Nam vừa yêu cầu các hãng hàng không bố trí thiết bị, nhân viên trợ giúp hành khách khuyết tật lên/ xuống máy bay...

>>
Từ chối khách khuyết tật: VietJet Air buộc phải xin lỗi                

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành chỉ thị về việc nâng cao chất lượng phục vụ hành khách là người khuyết tật. Theo đó, để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách đi máy bay, lãnh đạo Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam, tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung Điều lệ vận chuyển, đưa ra các quy trình cụ thể, rõ ràng nhằm phục vụ tốt nhất yêu cầu đi lại của hành khách là người khuyết tật và loại bỏ các quy trình, thủ tục phiền hà.

Theo chỉ thị trên, trong thời gian tiến hành rà soát, sửa đổi điều lệ vận chuyển, các hãng hàng không có trách nhiệm bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên để trợ giúp hành khách khuyết tật lên/xuống tàu bay thuận tiện, theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải. 

  Ảnh minh họa

  Chị Vân (ngồi xe lăn) bị từ chối lên máy bay của hãng Vietjet. Ảnh: NVCC.

Đối với Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu, triển khai thực hiên nghiêm túc Quy chế chủ trì điều phối hoạt động tại Cảng Hàng không, sân bay của Giám đốc Cảng hàng không sân bay; trong đó chủ động, tích cực triển khai nhiệm vụ của Giám đốc Cảng Hàng không trong việc “Chủ trì, giải quyết những khiếu nại của hành khách liên quan đến dịch vụ cung cấp tại Cảng Hàng không, sân bay” và trách nhiệm “yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ giải quyết những khiếu nại của khách hàng”, đặc biệt đối với hành khách là người khuyết tật.          

Xây dựng lộ trình bổ sung xe nâng hành khách sử dụng xe lăn lên tàu bay tại các Cảng Hàng không, sân bay hiện chưa có xe nâng theo đúng quy định tại khoản 3, điều 10, Thông tư số 36/2014/TT-BGTVT, báo cáo Cục HKVN trước ngày 13/04/2015.    

Yêu cầu cán bộ, công nhân viên làm nhiệm vụ phục vụ hành khách tại Cảng Hàng không, sân bay chủ động cung cấp thông tin về đường dây nóng của Cảng Hàng không, sân bay cho hành khách sử dụng dịch vụ; rà soát, bố trí vị trí đặt thông báo đường dây nóng phù hợp, thuận tiện cho hành khách liên hệ, phản ánh, kiến nghị.    

Với các Cảng vụ Hàng không, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu, kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng dịch vụ hàng không và phi hàng không tại các Cảng Hàng không, sân bay, đặc biệt là chất lượng dịch vụ cung cấp cho hành khách là người khuyết tật. Chủ động, kịp thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan giải quyết các kiến nghị, đề xuất, khiếu nại của hành khách.    
 
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu, các cơ quan, đơn vị trong ngành nghiêm túc triển khai, quán triệt tới toàn thể cán bộ, công nhân viên trong việc thực hiện văn hóa ứng xử với hành khách sử dụng dịch vụ theo phương châm “4 xin” và  “4 luôn” của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Trước đó, ngày 1/4, hành khách Nguyễn Thị Vân (là người khuyết tật, bị liệt hai chân) đã thực hiện chuyến bay VJ507 HAN - DAD của Vietjet từ Hà Nội vào Đà Nẵng, mã đặt chỗ PNR 19235781, vé máy bay khứ hồi HAN - DAD - HAN.

Ngày 2/4, hành khách Nguyễn Thị Vân đến sân bay Đà Nẵng làm thủ tục để bay chuyến VJ516 DAD - HAN từ Đà Nẵng về Hà Nội lúc 17h45 (giờ Hà Nội). Đại diện hãng Vietjet (nhân viên Lê Vũ Nhiệm và Lê Nguyễn Minh Tuyết) đã từ chối làm thủ tục cho hành khách trên với lý do hành khách hoàn toàn không thể tự di chuyển được.

Sau đó, hành khách Nguyễn Thị Vân đã trở về Hà Nội trên chuyến bay VN178 DAD - HAN của Vietnam Airlines khởi hành lúc 22h00 cùng ngày và không phản ánh sự việc nêu trên tới đường dây nóng của Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng và Cảng vụ Hàng không Miền Trung.

Ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, Cảng vụ Hàng không Miền Trung đã tiến hành lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính 2 nhân viên Lê Vũ Nhiệm và Lê Nguyễn Minh Tuyết của Vietjet theo Điểm a, Khoản 3, Điều 15 của Nghị định 147/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng và áp dụng tình tiết tăng nặng tại Điểm m, Khoản 1, Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính do vi phạm đối với người khuyết tật, mức phạt tối đa là 5 triệu đồng.

Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc