3 Bộ "bác" đề xuất tịch thu xe vi phạm

14:53, 01/04/2015
|

(VnMedia) - Khẳng định đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia là có cơ sở, tuy nhiên liên Bộ Giao thông vận tải, Công an và Tư pháp cho rằng, tại thời điểm hiện nay chưa áp dụng hình thức tịch thu phương tiện với tài xế say sỉn.

>>
Tịch thu xe vi phạm: Quyết định ngay trong tháng 3
>> Tịch thu xe vi phạm: Cân nhắc tới văn hóa giao thông và rượu bia
>> "Không loại trừ tịch thu phương tiện nếu vi phạm nhiều"  
 
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Theo nội dung báo cáo, sau khi UBATGTQG đề xuất nâng mức phạt hành chính với một số lỗi vi phạm giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan nghiên cứu và thống nhất với quan điểm của UBATGTQG về việc cần tăng cường các biện pháp mạnh nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT), đặc biệt là giảm số người chết do tai nạn giao thông.

Liên Bộ cho rằng, 4 nhóm hành vi vi phạm mà UBATGTQG nêu trong công văn số 58/CV-UBATGTQG (không chấp hành việc kiểm tra, cố tình bỏ phương tiện, không hợp tác với lực lượng thực thi công vụ trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; chở quá tải trọng cho phép trên 150%; điều khiển xe cơ giới mà trong cơ thể có nồng độ cồn vượt quá quy định; điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ đi vào đường cao tốc) đều là những hành vi vi phạm rất nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ rất cao xảy ra tai nạn giao thông, phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông. Chính vì vậy, cần phải kịp thời tăng cường các biện pháp quản lý, các chế tài xử phạt và biện pháp ngăn chặn đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe.

Ảnh minh họa

  Cảnh sát giao thông kiểm tra lái xe uống rượu bia.

Theo Liên Bộ, đề xuất cho phép áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện đối với hành vi vi phạm nghiêm trọng nêu trên của UBATGTQG là có cơ sở pháp lý. Cụ thể, hình thức xử phạt này đã được quy định tại Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính, phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp 2013.

Hình thức tịch thu phương tiện cũng đã được Chính phủ quy định tại Nghị định 171/2013 áp dụng với hành vi đua xe ô tô, mô tô, xe máy, xe đạp điện trái phép (Điều 34) và áp dụng xử phạt đối với người đi mô tô, xe máy tái phạm một trong các hành vi: Buông cả hai tay khi điều khiển xe, nằm trên yên xe điều khiển xe… (Điều 6).

Tuy nhiên, để bảo đảm việc thực hiện hình thức xử phạt này một cách hiệu quả thì cần có thời gian tuyên truyền, phổ biến, vận động tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và người dân. Vì vậy, tại thời điểm hiện nay chưa áp dụng hình thức tịch thu phương tiện đối với những vi phạm nêu trên.

Tại văn bản vừa gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Tư pháp… tổ chức tổng kết đánh giá việc thực hiện Nghị định 171/2013; Nghị định 107/2014, trên cơ sở đó xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung 2 Nghị định trên để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và bảo đảm tính khả thi để trình Chính phủ trong 2015.

Ngoài ra, xuất phát từ thực tiễn công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải trên đường bộ trong thời gian vừa qua, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp vận tải, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ xem xét tạm thời chưa áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về tải trọng trục xe của ô tô chở hàng hóa được quy định tại Nghị định 171/2013 và Nghị định 107/2014 cho đến khi có văn bản sửa đổi, bổ sung được ban hành và có hiệu lực thi hành.

Liên quan đến nội dung này, phát biểu tại cuộc họp với đại diện một số Bộ, Ngành ngày 30/3 nhằm xem xét kiến nghị của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về tăng mức xử phạt đối với đối với 4 nhóm hành vi theo đề xuất, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, nghị định xử phạt cũng mới chỉ thực thi được 3 tháng nên cần có sự tổng kết, rà soát, đánh giá những vấn đề thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính đối với các nhóm hành vi trên, so sánh với các nhóm hành vi khác, để làm căn cứ đề xuất sửa đổi, bổ sung, cũng như đảm bảo tính khả thi. Việc đề xuất sửa đổi, bổ sung nghị định cần được thực hiện theo thủ tục thông thường, chứ không áp dụng theo thủ tục rút gọn.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng: “Thay vì áp dụng tịch thu phương tiện ngay, các cơ quan chức năng chỉ nên tăng mức xử phạt đối với hành vi điều khiển phương tiện giao thông có vi phạm nồng độ cồn”.

Riêng về xe chở quá tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ sẽ đề nghị Chính phủ tạm dừng xử phạt đối với vi phạm về quá tải trọng trục xe được quy định tại Nghị định 107/2014, mà chỉ áp dụng xử phạt đối với phương tiện vượt quá tổng trọng tải vượt cho phép tham gia giao thông.

Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc