Cận cảnh bãi chứa gỗ khổng lồ giữa Thủ đô

20:36, 23/03/2015
|

(VnMedia) - Một câu hỏi đang được dư luận những ngày qua đặc biệt quan tâm, đó là số gỗ xà cừ cổ thụ chặt hạ tại đường Nguyễn Trãi và một số tuyến phố khác của Hà Nội hiện đang ở đâu, được sử dụng như thế nào?

>> Hà Nội tạm đình chỉ hàng loạt cán bộ vụ chặt 6.700 cây
>> Vụ chặt 6.700 cây xanh: Vẫn chờ sự minh bạch!

Trước câu hỏi băn khoăn của dư luận cũng như những ý kiến trái chiều, chiều nay (23/3), Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội đã tổ chức cho các phóng viên các cơ quan truyền thông đến “mục sở thị” những bãi tập kết gỗ của Công ty. Tại hai bãi tập kết, các phóng viên đã tận mắt thấy hàng trăm khối gỗ ngồn ngộn, cũ có, mới có. Trong số đó, có nhiều khúc  gỗ to cắt từ cây cổ thụ, có đường kính lên tới cả mét.

Trong khi đó, khu vườn ươm Cầu Diễn (Nam Từ Liêm) của Xí nghiệp quản lý cắt sửa cây xanh (Công ty TNHH một thành viên cây xanh Hà Nội), nằm trên đường K2, cách quốc lộ 32 vài trăm mét, rộng hàng chục hecta, là điểm ươm, trồng và tập kết những cây xanh được đánh chuyển trên các tuyến phố của thủ đô. Điểm tập kết gỗ nằm giữa khu vườn ươm với diện tích hàng chục nghìn m2.

Theo ông Đỗ Ngọc Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội, từ cuối năm 2014, một lượng lớn gỗ xà cừ thu được sau khi tiến hành chặt hạ hơn 400 cây phục vụ các dự án đường tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội (đường Nguyễn Trãi) được tập kết về đây. Chính vì vậy, có rất nhiều khúc gỗ xà cừ nguyên vẹn không hề có vết sâu mục.

Ông Hoàng cho biết, có 128 cây hoa sữa nằm trong đề án thay thế 6.700 cây xanh ở Hà Nội (được đánh từ đường Nguyễn Chí Thanh) sau khi cắt lá, tỉa cành được chuyển về chăm sóc tại khu đất cạnh đường Hàm Nghi.  “Chúng tôi chăm sóc, phục hồi cây, sau đó mang đi đâu trồng sẽ được thực hiện theo kế hoạch” - Tổng Giám đốc Đỗ Ngọc Hoàng cho biết.

Về việc xử lý số củi, gỗ thu hồi, theo  ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cây xanh Hà Nội, khoảng 3 tháng/1 lần, Công ty báo cáo Sở Tài chính, Sở giới thiệu một công ty đấu thầu.  Sau đó, công ty Công viên cây xanh Hà Nội đứng ra tổ chức thông báo đến các tổ chức, cá nhân muốn mua củi gỗ đến đấu thầu. Giá trị một mét khối gỗ tùy theo từng thời điểm trung tâm thẩm định giá của Sở Tài chính đưa ra. Tiền đấu thầu thu được sau đó nộp vào ngân sách.

Trước thông tin cho rằng giá mỗi khối gỗ xà cừ lên tới 6-7 triệu đồng, ông Đỗ Ngọc Hoàng cho biết, gỗ xà cừ không phải là loại gỗ giá trị, thường được mua về làm hàng rào...

Liên quan đến việc phố Nguyễn Chí Thanh được thay thế cây hoa sữa bằng cây vàng tâm, ông Hoàng cho biết, cá nhân ông đánh giá cây Vàng tâm là phù hợp làm cây đô thị. Còn về việc có khả năng cây này sẽ trở thành “mồi” cho “lâm tặc”, ông Hoàng cho biết, ông tin tưởng sau này sẽ không xảy ra tình trạng chặt trộm cây, bởi ngay như cây sưa đỏ cũng chỉ bị rộ lên chặt trộm trong một thời gian ngắn.

Ông Tổng Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh cũng cho biết thêm, Công ty chỉ được phân công chặt hạ, bứng cây ở phố Nguyễn Chí Thanh, còn chuyện trồng cây là do phía nhà tài trợ.

Về kinh phí chặt hạ cây, ông Hoàng cho biết, Công ty Công viên Cây xanh thực hiện theo Quyết định của Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt đơn giá thanh toán sản phẩm dịch vụ công ích đô thị năm 2015 trên địa bàn Hà Nội.

Theo đó, giá thành chặt hạ cao nhất là khoảng 25 triệu đồng đối với cây xà cừ có đường kính lớn hơn 1,2 m và khoảng 15 – 23 triệu đồng/ đối với cây xà cừ có đường kính từ 0,8 -1,2 m. Chi phí đào gốc, lấp đất vào khoảng 10 triệu đồng/cây có đường kính trên 1,2m.Đơn giá chặt hạ các loại cây khác như Sấu, Nhội, Bàng, Bông gòn, Bằng lăng, Chẹo, Lát, Sưa, Long Não, Sao Đen, Đa, Si, Gạo, Tếch, Xoài, Sung... bằng 70% chi phí so với cây xà cừ. Theo đơn giá này, một cây xà cừ có đường kính lớn thì chi phí chặt hạ, vận chuyển có thể lên đến 35 triệu đồng là hoàn toàn có thể.

Về thông tin cho rằng, theo Đề án thay thế 6.700 cây xanh có đưa kinh phí “đánh dấu” cây chặt lên đến hàng tỉ đồng, trao đổi với VnMedia, ông Nguyễn Xuân Hưng cho biết, Công ty Công viên Cây xanh không phải là đơn vị chủ trì đề án, tuy nhiên, ông khẳng định không thể có chuyện vô lý như vậy vì từ trước đến nay, Công ty chưa từng có loại chi phí này.

Một số hình ảnh tại vườn ươm và bãi tập kết gỗ của Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội:

Ảnh minh họa

  Rất đông nhà báo, phóng viên đã "mục sở thị" vườn ươm, nơi các cây hoa sữa đánh từ phố Nguyễn Chí Thanh đang được chăm sóc, phục hồi

  Ảnh minh họa

 Những khối gỗ lớn nằm trong bãi tập kết

  Ảnh minh họa
  Ảnh minh họa

 Cả một khu vực rộng lớn chứa những khối gỗ chủ yếu là xà cừ được chặt từ đường Nguyễn Trãi, chờ đến ngày được đưa đi bán đấu giá

  Ảnh minh họa

Tổng Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội trao đổi với báo chí tại vườn ươm


Theo báo cáo của Công ty Cây xanh Hà Nội, từ tháng 12/2014 đến nay, đơn vị này được giao chặt hạ cây tại 3 tuyến phố Nguyễn Trãi, Phố Huế - Hàng Bài và Nguyễn Chí Thanh với tổng số cây bị chặt là 520 cây, thu được 186,9 m3 gỗ xà cừ, gần 31,7 m3 gỗ khác và hơn 23,4 m3 củi.

Trong đó: Nguyễn Trãi chặt 294 cây thu hồi gỗ củi của 95 cây xà cừ, 72 cây khác. Chặt bỏ 127 cây không đúng chủng loại như dâu dan, vông, dướng…; Phố Huế - Hàng Bài chặt 115 cây thu hồi gỗ củi 5 cây xà cừ, 48 cây khác. Chặt bỏ 62 cây không đúng chủng loại; Nguyễn Chí Thanh chặt hạ 111 cây thu hồi gỗ của 1 cây xà cừ, 98 cây khác, chặt bỏ 12 cây không đúng chủng loại và di chuyển 128 cây sữa, keo lá chàm về vườn ươm để tái sinh.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc