Đồng bằng Sông Cửu Long: Quá nhiều thách thức và áp lực

16:23, 03/02/2015
|

(VnMedia) - Chưa bao giờ vùng ĐBSCL lại đứng trước nhiều thách thức về biến đổi khí hậu cũng như áp lực ngày càng lớn của sự phát triển KTXH chưa bền vững như hiện nay- Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang nói.

  Ảnh minh họa

 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại diễn đàn

Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long được mở ra ngày 2/2 nhằm tìm kiếm những giải pháp mới cho công cuộc phát triển và ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay của các sinh kế bền vững và được cải thiện trong vùng.
 
Diễn đàn có sự hiện diện của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, các Phó chủ tịch 13 tỉnh ĐBSCL, cùng với những đại diện từ các cơ quan phát triển khác như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á, Chính phủ Australia, Hà Lan, Nhật, Đức và các tổ chức khác như IUCN và IFAD.
 
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh tầm quan trọng của vùng trong công cuộc phát triển của toàn miền nam Việt Nam cũng như của cả quốc gia. “Tuy nhiên khu vực này đang đối mặt với các thách thức rất lớn liên quan đến vấn đề nguồn nước, xâm nhập mặn và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.” Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.
 
“Nhận thức rõ về các thách thức này, cùng với các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã và đang quyết liệt chỉ đạo và triển khai lồng ghép các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, khu vực đồng băng sông Cửu Long luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Chúng tôi luôn nêu cao quyết tâm chính trị và các ưu tiên đầu tư phát triển của Việt Nam cho khu vực này theo định hướng tổng hợp và bền vững, hướng đến một tương lai tươi sáng cho vùng đất trù phú nhưng cũng rất dễ bị tổn thương này.” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
 
“Có thể nói chưa bao giờ vùng Đồng bằng sông Cửu Long lại đứng trước nhiều thách thức như hiện nay, bao gồm cả các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng như các áp lực ngày càng lớn của sự phát triển kinh tế xã hội còn chưa thực sự bền vững.” Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang phát biểu.
 
“Chúng ta cần phải xây dựng một lộ trình, trong đó có các kịch bản khác nhau về đường lối phát triển cho khu vực này, kết hợp với các kịch bản phát triển khác như phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phát triển thượng nguồn… mà chúng ta có thể lựa chọn đường lối phát triển tốt nhất cho khu vực này.” - ông Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.

  Ảnh minh họa

Chưa bao giờ, ĐBSCL chịu nhiều thách thức và áp lực  như hiện nay

 
Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng thảo luận về những thách thức đối với các cộng đồng và sinh kế của ngành nông nghiệp và thủy sản, là những thành tố quan trọng của kinh tế khu vực.
 
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã nêu lên những thách thức cho sự phát triển trong vùng, đó là thoái hóa đất duyên hải cho sản xuất, lũ lụt, và cho rằng cần phát huy hơn nữa tiềm năng của khu vực nông nghiệp và thủy sản.
 
“Để phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL phải khắc phục những thách thức và tồn tại nêu trên nông nghiệp ĐBSCL phải nhanh chống đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trong mối quan hệ chặt chẽ đa ngành” - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nói.
 
Theo ông, “nông nghiệp ĐBSCL phải chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế hướng tới chất lượng cao, giá trị gia tăng cao và bền vững trên cơ sở tiếp tục phát huy cao hơn lợi thế về sản xuất lúa gạo, tôm, cá tra, trái cây (cây ăn quả có múi, xoài, nhãn…).”
 
Diễn đàn kéo dài hai ngày đã thảo luận những điểm chính trong Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó gợi ý một tầm nhìn phát triển lồng ghép cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Các thảo luận nhóm đã giúp các đại biểu thảo luận cần làm gì để xác định những thách thức và chiến lược đối phó, và tiếp tục sẽ phải làm gì, khi nào.

Theo các kịch bản BĐKH, đến năm 2100 nhiệt độ trung bình năm ở VN có thể tăng khoảng 2 - 30C, mực nước biển có thể dâng 1 m. Khi đó, dự kiến khoảng 40% diện tích ĐBSCL, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển của VN sẽ bị ngập. TP.HCM cũng bị ngập trên 20% diện tích, khoảng 10 - 12% dân số VN sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp với tổn thất khoảng 10% GDP.



Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc