Nhập khẩu rác vào Hải Phòng: "Vào thì dễ, ra thì khó"

13:29, 14/01/2015
|

 (VnMedia) - Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), việc xử lý các container rác thải công nghiệp ở cảng Hải Phòng đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu cơ chế, chế tài.

>> Cảng Hải Phòng ngập trong rác phế thải
>> Hàng trăm tỷ Vinashin phơi sương tại cảng Hải Phòng

Trước thực trạng hàng nghìn container rác công nghiệp đang tồn đọng tại cảng Hải Phòng đang gây nhức nhối dư luận, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Điều tra, chống buôn lậu - Tổng Cục Hải quan về vấn đề này.

- Đề nghị ông cho biết tình hình hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển hiện nay?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn : Thời gian vừa qua, tình hình hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển  với số lượng lớn đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cản trở hoạt động thương mại, tiềm ẩn nguy cơ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới,... trọng điểm là địa bàn các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Thống kê sơ bộ, số lượng hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển khoảng 5.450 container và 1.323 kiện. Trong đó: Hải Phòng có 5.060 container;  Quảng Ninh 52 container; Đà Nẵng 99 container; Hồ Chí Minh177 container, 1.323 kiện; Bà Rịa - Vũng Tàu 10 container; Quảng Ngãi 52 container).

Hàng hóa tồn đọng chủ yếu thuộc loại hình tạm nhập tái xuất, nhập máy móc thiết bị tạo tài sản cố định, nhập kinh doanh. Mặt hàng tồn đọng chủ yếu là: Cao su, lốp cao su đã qua sử dụng; quần áo đã qua sử dụng; phế liệu; thiết bị điện đã qua sử dụng; hàng điện tử đã qua sử dụng, thực phẩm đông lạnh, máy móc, dây truyền thiết bị;...

  Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu -
Tổng cục Hải quan

- Theo ông,  những khó khăn trong công tác quản lý hàng hóa tồn đọng tại các cảng hiện nay như thế nào?

Có thể nói, trong thời gian vừa qua cơ quan Hải quan gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát, xử lý đối với những lô hàng tồn đọng tại các cảng biển. Trong đó, Cơ quan Hải quan thiếu thông tin từ hãng tàu và doanh nghiệp kinh doanh cảng cung cấp để làm cơ sở quản lý hàng hóa. Các bản lược khai không thể hiện cụ thể tên, chủng loại hàng hóa.

Việc xử lý hàng hóa tồn đọng chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan chức năng. Pháp luật hiện hành chưa quy trách nhiệm của các hãng tàu, đại lý vận tải trong việc khắc phục hậu quả khi vận chuyển các lô hàng tạm nhập xâm phạm vào lãnh thổ Việt Nam.

Chế tài xử lý đối với chủ của các lô hàng quá thời hạn làm thủ tục hải quan còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe; kinh phí phục vụ công tác kiểm tra, soi chiếu, khám xét, tiêu hủy còn thiếu; thủ tục soi chiếu, tiêu hủy phức tạp, tốn kém,...

Đặc biệt, chi phí lưu container, lưu bãi khoảng 300 triệu đồng/container trong khi đó, trị giá hàng hóa khoảng 10 - 20 triệu đồng/cont nên rất khó khăn trong công tác giải quyết, xử lý hàng tồn đọng.

- Để giải phóng được lượng hàng tồn đọng này, Tổng Cục Hải quan đã đưa ra giải pháp gì?

Trước tình trạng hàng hóa tồn đọng tại cảng biển liên tục gia tăng, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và triển khai ngay một số Kế hoạch, chuyên đề lớn liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển để triển khai thực hiện trong toàn Ngành. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, thống kê được số lượng hàng hóa tồn đọng, tổ chức kiểm tra, khám xét được hàng ngàn container hàng có nghi vấn và vẫn đang tiếp tục thực hiện.

Thông qua thực hiện các Kế hoạch, kết quả đấu tranh các chuyên án, kết quả bắt giữ, xử lý các vụ việc đã phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý hoạt động thương mại nói chung và lĩnh vực quản lý hàng hóa tạm nhập tái xuất nói riêng, kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính kiến nghị các Bộ, ngành, Chính phủ sửa đổi những sơ hở về cơ chế, chính sách, phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, hoạch định chính sách vĩ mô.

Để từng bước và tiến tới hạn chế tối đa tình trạng hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển, "không để Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới của thế giới", Tổng cục Hải quan đề xuất một số giải pháp như sau:

Cần sửa đổi, bổ sung các qui định hướng dẫn thực hiện Luật Thương mại theo hướng đảm bảo cho việc quản lý và thực hiện hoạt động TNTX đúng với thông lệ quốc tế và bản chất của nó, phân biệt rõ giữa TNTX với loại hình kinh doanh dịch vụ chuyển cửa khẩu. Hạn chế tận gốc các sai phạm, sơ hở bị lợi dụng để buôn lậu.

Tiếp tục rà soát, các cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ liên quan đến loại hình tạm nhập tái xuất, nhập máy móc thiết bị tạo tài sản cố định, nhập kinh doanh,... có khả năng gây nên tình trạng hàng hóa tồn đọng để đề xuất sửa đổi bổ sung cho phù hợp.

Sửa đổi, bổ sung các Nghị định về xử phạt vi phạm theo hướng tăng nặng mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về quản lý hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất như: hành vi tự ý tiêu thụ nội địa hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất; chậm thanh khoản tờ khai tạm nhập tái xuất; tái xuất hàng hóa qua cửa khẩu không đúng quy định; khai báo không đúng tên hàng, số lượng hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất.

Các lực lượng chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý đối với các lô hàng tồn đọng. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, lực lượng Hải quan sẽ kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ các loại hình kinh doanh có nguy cơ gây nên tình trạng tồn đọng hàng hóa. Trong đó, kiểm tra chặt chẽ các mặt hàng như: Phế liệu; cao su, lốp cao su đã qua sử dụng; quần áo đã qua sử dụng; thiết bị điện đã qua sử dụng, thiết bị điện tử đã qua sử dụng, thực phẩm đông lạnh. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, quyết tâm không để Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới.

- Xin cám ơn ông!

Chiều 13/1/2015, tại cuộc gặp mặt báo chí của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trả lời câu hỏi của phóng viên VnMedia về tình trạng tồn đọng hàng ngàn container rác thải nhập khẩu, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được thông tin này, đồng thời tổ chức gặp gỡ, làm việc với UBND tỉnh Hải Phòng và Cảng Hải Phòng để tìm phương án xử lý. Quan điểm của Bộ là phải xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong việc tạm nhập tái xuất rác thải. (MD).


Anh Đào

Ý kiến bạn đọc