Mùa xuân đáng nhớ của cách mạng Việt Nam

19:54, 13/01/2015
|

Từ tuổi thanh niên cho đến khi trở thành vị Chủ tịch của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác Hồ đã nhiều năm bôn ba ở nước ngoài để tìm đường cứu nước và đã từng đón Xuân ở nhiều nước như: Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan... Trong đó, đã có những mùa xuân thật đáng nhớ, đánh dấu những mốc quan trọng trên hành trình tìm đường cứu nước của Người và của cách mạng nước ta.

Xuân 1930: Xuân thành lập Đảng

Cuối năm 1929, Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Thái Lan thì được tin Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội đang bị tan rã. Người lập tức từ Thái Lan về Trung Quốc để chuẩn bị việc hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến Thượng Hải, Người tìm gặp đồng chí Nguyễn Lương Bằng và một số đồng chí Việt Nam khác để tìm hiểu kỹ tình hình trong nước. Người cũng đã tìm cách liên lạc với các cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Hồng Công để tham khảo ý kiến. Quá trình chuẩn bị cho Hội nghị hợp nhất được bắt đầu từ ngày 6-1-1930 (tức ngày 7 tháng Chạp năm Kỷ Tỵ ).

Sau những buổi bàn luận kỹ càng, Người đã quyết định triệu tập Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng. Nhận được tin, các đoàn đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và của An Nam Cộng sản Đảng lần lượt đến Hồng Công vào những ngày giáp Tết. Hội nghị bắt đầu ngày mùng Năm Tết Canh Ngọ (tức ngày 3-2-1930) khi không khí Tết ở Hồng Công còn rộn ràng.

Sau năm ngày thảo luận sôi nổi và khẩn trương, Hội nghị đã nhất trí tán thành hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành một đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là một thắng lợi có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam.

Trước đây các tổ chức này đã nhiều lần gặp nhau bàn việc hợp nhất, nhưng không thành vì có những ý kiến khác nhau và thiếu người có đầy đủ uy tín đứng ra chủ trì. Hội nghị cũng đã nhất trí thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo. Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản có ý nghĩa như một đại hội thành lập Đảng. Sự nhất trí cao và nhanh chóng của Hội nghị là nhờ vào vai trò lãnh đạo, hướng dẫn của Nguyễn Ái Quốc. Nhờ uy tín và công lao to lớn của Người, Đảng ta đã ra đời, đảm nhận sứ mệnh cao cả và thiêng liêng lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi.

Xuân 1933: Xuân thoát khỏi tù ngục của thực dân Anh

Tháng 6-1931, Nguyễn Ái Quốc lúc đó lấy tên là Tống Văn Sơ, bị cảnh sát Anh bắt tại số nhà 186 phố Tam Lung (Cửu Long) và giam ở nhà tù của thực dân Anh ở Hồng Công. Được tin Nguyễn Ái Quốc bị bắt, thực dân Pháp ở Việt Nam rất vui mừng. Chúng phái cả bầy mật thám sang chầu chực ở Hồng Công, tìm mọi cách vận động chính phủ, tòa án và cảnh sát Anh trao Nguyễn Ái Quốc cho chúng. Chúng đưa tàu thủy chực sẵn ở Hồng Công, nếu tòa án Anh ký lệnh "trục xuất" là chúng bắt ngay Nguyễn Ái Quốc và đưa về Việt Nam.

Nhưng thực dân Pháp đã thất bại. Nguyễn Ái Quốc đã được Lô-dơ-bai, một luật sư người Anh có thiện tâm, tìm mọi cách giúp đỡ. Qua Lô-dơ-bai, Người đã tiếp bà Xten-la Ben-xơn, một nhà hoạt động văn học và sân khấu, vợ của Phó Thống đốc Hồng Công. Cảm phục về thái độ và tầm cao trí tuệ của Nguyễn Ái Quốc, bà này đã yêu cầu chồng mình giúp đỡ Người. Khoảng cuối tháng 1-1933, gần Tết Âm lịch, Hội đồng nhà Vua cho phép Nguyễn Ái Quốc tự do ra khỏi Hồng Công. Với sự giúp đỡ của Lô-dơ-bai và của vợ chồng Phó Thống đốc Hồng Công, Người đã rời Hồng Công một cách an toàn và đúng ngày 30 tháng Chạp năm Nhâm Thân (tức là ngày 25-1-1933) Người đến Hạ Môn (Trung Quốc) nơi mà lãnh sự Anh và lãnh sự Pháp không có quyền can thiệp. Tức tối vì không bắt được Nguyễn Ái Quốc, giận dữ đối với người Anh, các báo thực dân Pháp bịa đặt ra tin rằng, Nguyễn Ái Quốc mắc bệnh lao trong nhà lao Anh và đã chết (!).

Giữa những ngày đầu xuân Quý Dậu, Nguyễn Ái Quốc đã thoát khỏi nhà tù của thực dân Anh. Đây là niềm vui, sự may mắn rất lớn cho cách mạng Việt Nam. Chúng ta biết rằng, tháng 11-1929, thực dân Pháp đã xử Nguyễn Ái Quốc vắng mặt với mức án tử hình.

Chúng chỉ chờ bắt được Người là thi hành án. Thực dân Pháp cũng đã treo giải thưởng 75 ngàn đồng tiền Đông Dương (một số tiền rất lớn hồi đó) cho ai bắt được Người. Vào một ngày đầu Xuân năm 1934, Người lên một chiếc tàu hàng Xô viết ở Thượng Hải để đi Liên Xô. Sau khi tới cảng Vla-đi-vô-xtôc (Liên Xô), Người đến Mát-xcơ-va. Tại đây, Người đã gặp lại đông đảo đồng chí, bạn bè thân thiết.

  Ảnh minh họa

 Bác Hồ chúc tết năm 1956



Xuân 1941: Xuân về với Tổ quốc

Từ tháng 10-1940, lúc còn ở Quế Lâm (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã nhận định rằng thời cơ về nước đã tới. Đến cuối năm đó, Người cùng một số cán bộ Việt Nam rời Quế Lâm, đến Nam Ninh rồi đến Tĩnh Tây. Tại đây, Người đã cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên... mở lớp huấn luyện cán bộ trước khi về nước. Bốn mươi ba cán bộ cách mạng Việt Nam đã theo học lớp này tại làng Nậm Quang (Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc). Ngày 29 tháng Chạp năm Canh Thìn (tức ngày 26-1-1941), lớp học làm lễ bế mạc dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, trong khu rừng vắng vẻ rìa làng Nậm Quang. Hôm sau, ngày mùng Một Tết Tân Tỵ, Nguyễn Ái Quốc cùng với anh em cán bộ đi chúc tết bà con dân làng Nậm Quang. Người mặc bộ quần áo Nùng màu chàm, quần xắn cao, đầu vấn khăn, tay chống gậy. Người đi thăm hỏi từng gia đình, nói chuyện với người già bằng tiếng dân tộc. Theo phong tục người Nùng ở đây, Người tặng mỗi nhà một tờ giấy hồng điều, trên đó Người viết dòng chữ Hán "Cung chúc tân niên" (Chúc mừng năm mới).

Ngày mùng Hai tháng Giêng âm lịch, giữa lúc nhân dân Nậm Quang và khắp nơi đang vui vẻ ăn Tết thì Người rời Nậm Quang trở về nước, với sự tháp tùng của các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên và một số đồng chí khác. Đồng chí Lê Quảng Ba, trong bài "Bác Hồ về nước" kể "Chúng tôi ăn cơm sớm, đi chào bà con rồi lên đường". "Trong bộ quần áo chàm Nùng, Bác như gầy hơn. Ngước nhìn gương mặt sạm sương gió của Người, tôi thấy một dáng vẻ ung dung, điềm tĩnh rất thân quen. Tôi dẫn Bác theo những vệt đường mòn lượn giữa các nếp núi tiếp nối nhau ở vùng biên giới hướng về Cao Bằng.

Bác cầm một cây gậy nhỏ, nhưng chỉ khi xuống dốc Bác mới chống. Chân Bác bước mau lẹ, dẻo như thanh niên". "Quá chín giờ, mặt trời đã ló hẳn giữa nền trời xanh. Đi một thôi nữa, gặp một làng nhỏ nằm sau mái nhà sàn. Đây là làng Pò Vẩn, một làng có cả cơ sở cách mạng của ta và Trung Quốc". "Vượt lên một đoạn dốc ngắn rồi xuống một sườn núi dài lởm chởm đá, tôi đã nhận ra cây si mọc không xa một tấm bia. Bác dừng lại, cúi đọc những chữ Pháp và chữ Hán khắc sâu ở cả hai mặt đá. Người hướng tầm mắt nhìn vọng hồi lâu về dải đất Tổ quốc trùng điệp...".

Sau đó ít ngày, Người đến ở hang Pắc Bó, với bí danh già Thu. Cũng trong mùa xuân này, Người đã sáng tác bài thơ mô tả cảnh Pắc Bó hùng vĩ:
Non xa xa, nước xa xa,
Nào phải thênh thang mới gọi là...
Đây suối Lê-nin, kia núi Mác,
Hai tay xây dựng một sơn hà.


Cũng tại đây, Người tiếp tục dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản (b) Nga ra tiếng Việt để làm tài liệu huấn luyện đảng viên. Người cũng đã sáng tác bài thơ Tức cảnh Pắc Bó.

Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.

Tháng 5-1941, Người chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8. Hội nghị đã xác định rõ nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết của cách mạng Đông Dương. Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất rộng rãi, lấy tên là Việt Nam Độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn. Với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh, cách mạng Việt Nam chuyển hẳn sang một thời kỳ mới. Hơn 4 năm sau, Cách mạng Tháng Tám thành công, Tổng Khởi nghĩa thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.


(Theo Tạp chí Cộng sản)

Ý kiến bạn đọc