Dư thừa hàng chục nghìn giáo viên phổ thông

18:39, 05/01/2015
|

(VnMedia) - Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến thời điểm hiện nay, cả nước đang thừa khoảng 35.000 giáo viên bậc THCS và THPT.

>> Năm 2015, giảm chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm
>> Siết mở ngành đào tạo trình độ trung cấp
>> Dừng mở ngành Y, Dược tại đại học đa ngành

Ảnh minh họa

Ảnh chỉ mang tính minh họa


Thành phố Hồ Chí Minh từng là địa phương có nhu cầu lớn về tuyển giáo viên vào các trường công lập trong thời gian dài, nhưng năm học vừa qua cũng đã dư thừa, không bố trí được 1.400 cử nhân ngành sư phạm. Nhiều tỉnh thành khác như: Phú Yên, Đắc Lắc, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Thanh Hóa...

Hiện nhu cầu cần giáo viên ở các trường, các địa phương mỗi năm ít dần, trong khi đó số lượng giáo sinh ra trường lại không giảm theo tỷ lệ tương ứng. Chỉ tính ở góc độ đào tạo giáo viên của các trường sư phạm cũng đã cho thấy sự bất tương xứng này. 

Hiện nay có cả nước có tới 6 trường mang tên sư phạm: Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sư Phạm Huế (trực thuộc ĐH Huế) ĐH Sư phạm Đà Nẵng (trực thuộc ĐH Đà Nẵng), ĐH Sư phạm Thái Nguyên (trực thuộc ĐH Thái Nguyên). Ngoài ra, còn một số khoa Sư phạm trực thuộc các ĐH như khoa Sư phạm ĐH Cần Thơ, khoa Sư phạm ĐH Vinh... Bên cạnh đó, có những trường ĐH của các tỉnh cũng ồ ạt đào tạo ngành sư phạm.
 
Ngoài số lượng dư thừa, nhiều độc giả cũng tỏ ra băn khoăn trước thực trạng chất lượng của ngành sư phạm, khi điểm đầu vào thấp, đào tạo kém chất lượng, nhiều lứa cử nhân sư phạm đa phần là yếu về năng lực và kém về phẩm chất đạo đức, Bộ có giải pháp gì để giải quyết bài toán này của nguồn nhân lực giáo dục nước nhà?
 
Trả lời vấn đề trên tại một buổi giao lưu trực tuyến mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là vấn đề then chốt của giáo dục và đổi mới giáo dục. Do vậy ngành giáo dục đang tập trung vào việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy, kiểm tra đánh giá của các trường sư phạm, lưu tâm cả lĩnh vực đào tạo mới và bồi dưỡng đào tạo lại đội ngũ hiện nay, để có đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu mới.
 
Đồng thời ngành giáo dục đang rà soát việc quy hoạch mạng lưới và phương thức tổ chức quản lý các trường đại học trên cả nước trong đó có trường sư phạm. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo năm 2015 tiếp tục dừng tuyển sinh đào tạo từ xa với chuyên ngành sư phạm nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém hiện nay.

Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc