Điểm tựa của người nông dân trong khiếu nại, tố cáo

08:49, 02/01/2015
|

(VnMedia) - Quyết định về việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, UBND các cấp với các cấp Hội NDVN trong việc tiếp, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân sẽ trở thành một “điểm tựa” để người nông dân thực hiện quyền công dân của mình...

Ảnh minh họa

Hỗ trợ nông dân trong vụ kiện Vedan - ảnh: Tuanvietnam


Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định về việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, UBND các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

 

Quyết định này quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND các cấp phối hợp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tư vấn pháp luật; góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; hòa giải và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

 

Quyết định nêu rõ, việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, UBND các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân phải kịp thời, hiệu quả, đúng pháp luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân.

 

Tại Quyết định, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ ngành như Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp, tạo điều kiện cho Hội Nông dân Việt Nam trong vấn đề tham gia vào việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

 

Quyết định đặc biệt nhấn mạnh, UBND các cấp khi tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến nông dân phải có trách nhiệm mời Hội Nông dân cùng cấp tham gia và tham khảo ý kiến của Hội Nông dân về quan điểm giải quyết vụ việc.

 

Theo quyết định, các cấp Hội Nông dân Việt Nam có trách nhiệm tham gia góp ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân; kiến nghị hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và pháp luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nông dân; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho cán bộ hội viên, nông dân phù hợp với tập quán văn hóa từng địa phương, vùng, miền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho hội viên, nông dân.

 

Điểm tựa của người nông dân

 

Vấn đề khiếu nại, tố cáo của người nghèo, trong đó đặc biệt là nông dân, luôn là vấn đề khó khăn. Tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP. Hồ Chí Minh) đã phát biểu rằng, luật sư chỉ bào chữa cho người có tiền. Ý kiến này ngay lập tức nhận được sự phải đối dữ dội của các luật sư, bởi trên thực tế, các luật sư đã làm khá nhiều vụ miễn phí. Tuy nhiên, theo giải thích của đại biểu Đỗ Văn Đương, ông không nói Luật sư chỉ làm vì tiền, nhưng rõ ràng, không có tiền thì luật sư khó có thể làm bởi họ cũng phải sống.

 

Về vụ việc này, dư luận cũng rất công tâm khi nói rằng, một số luật sư đã sẵn sàng vào cuộc miễn phí cho người nghèo, tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì số lượng này chỉ “như muối bỏ bể”.

 

Khi người nông dân đi kiện, có nghĩa là họ đã dũng cảm dấn bước đòi sự công bằng liên quan đến cơm áo gạo tiền, đến đời sống và tính mạng của họ. Chưa nói đến chuyện tiền (mà tiền để đi kiện đối với người nông dân là điều không dễ), thì người nông dân cũng rất cần có những tổ chức đứng bên cạnh hỗ trợ họ về mặt pháp lý.

 

Quyết định về việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, UBND các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân vừa được ban hành là một dấu ấn quan trọng, là một “điểm tựa” để người dân có thể thực hiện được quyền công dân của mình.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc