100% sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ phải nhập ngũ?

06:50, 20/01/2015
|

(VnMedia) - Thảo luận về quy định tạm hoãn nghĩa vụ quân sự, nhiều ý kiến cho rằng nên hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên đại học chính quy, nhưng sau khi tốt nghiệp, tất cả các sinh viên này đều phải nhập ngũ để đảm bảo công bằng...

Ảnh minh họa


>> Nên hay không gọi sinh viên chính quy nhập ngũ?
>> Không thể dùng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự

Trong phiên thảo luận của Thường vụ Quốc hội về dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) sáng 19/1, các ý kiến đặc biệt quan tâm đến quy định có nên gọi sinh viên chính quy nhập ngũ hay tạm hoãn. Phiên thảo luận cũng cho thấy, còn rất nhiều ý kiến khác nhau.

Đại diện Ban dự thảo, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết,  theo quy định trong Dự thảo, sẽ không gọi các đối tượng đang là học sinh, sinh viên đang trong quá trình học tập tại các trường đại học chính quy nhập ngũ để đảm bảo thời gian học tập tập trung, nâng cao chất lượng đào tạo và học tập.

Bên cạnh ý kiến đồng tình, thì nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại không đồng tình cho tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với các đối tượng này vì cho rằng cần phải đảm bảo công bằng giữa các công dân trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Còn về quy định có nên hoãn nghĩa vụ quân sự đối với đối tượng học sinh, sinh viên hay không, Ban soạn thảo cho rằng, nếu hoãn cho các đối tượng này thì sẽ mở rộng quy định độ tuổi cho đến 27 để các đối tượng sau khi học tập và công tác vẫn có thể tham gia nghĩa vụ quân sự.

Theo Ban soạn thảo, quy định tạm hoãn phải được thực hiện khi việc nhập ngũ đối với các đối tượng này phải đảm bảo 100%, giống như các nước trong khu vực. Có như vậy, quy định mới khả thi. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, đây là điều khó thực hiện và đề nghị, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.

 “Vẫn nên hoãn gọi nghĩa vụ quân sự đối với người đã trúng tuyển đại học chính quy, vì số lượng này  không nhiều và chúng ta cũng cần quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. Thứ hai, những em này sau khi tốt nghiệp đại học rồi mà chúng ta vẫn gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự thì sẽ đúng với chủ trương của chúng ta là có những người có trình độ tốt hơn để tham gia quân đội” – ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng nói.

Đồng tình với quan điểm này, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị, nếu đã tạm hoãn nghĩa vụ đối với sinh viên thì sau khi tốt nghiệp, những người đã được tạm hoãn vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự thì việc tạm hoãn mới có ý nghĩa và đảm bảo sự công bằng.

“Nếu kéo dài đến tuổi 27 và sau đó tốt nghiệp đại học rồi, chúng ta gọi 100% sinh viên này đi nhập ngũ thì việc tạm hoãn mới có giá trị. Còn nếu chúng ta chỉ gọi một phần rất nhỏ thôi. Nếu 500.000 sinh viên tốt nghiệp hàng năm mà chỉ gọi khoảng vài trăm người thì không có ý nghĩa.” – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa phân tích.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cũng chính thức đề nghị tạm hoãn bởi, “nếu tuyển vào thì sẽ rất phức tạp, đó là tư tưởng không yên tâm, không biết năm nay gọi hay sang năm gọi. Thứ hai là có thể tạo ra kẽ hở để có thể xảy ra tiêu cực trong quá trình tuyển quân ở cấp cơ sở. Hơn nữa, nhu cầu hàng năm cũng ít thôi, nếu đưa ra rồi “treo” ở đó thì không nên.

Về ý kiến cho rằng nên quy định sinh viên học chính quy có thể tự bỏ chi phí tham gia huấn luyện 3 tháng thay thế NVQS, ông Đào Trọng Thi cho rằng, rất có thể tạo kẽ hở để sinh viên tìm cách trốn nhập ngũ.

Với rất nhiều quan điểm khác nhau, cuối phiên thảo luận, các đại biểu đã nhất trí, quy định về tạm hoãn nghĩa vụ quân sự sẽ tiếp tục được Ban soạn thảo nghiên cứu, xin ý kiến của các tổ chức, cá nhân, nhất là các đối tượng là học sinh, sinh viên để tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo công bằng cho mọi đối tượng tham gia nghĩa vụ quân sự.

Ngoài ra, thảo luận về việc thực hiện chính sách đối với các đối tượng tân binh sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nhiều đại biểu đề nghị cần có thêm những quy định về đào tạo nghề, bố trí việc làm hoặc hoãn trả nợ vay nguồn vốn Chính phủ khi cho họ vay không chỉ là học tập mà còn làm kinh tế sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

Trước đó, bên lề Kỳ họp Quốc hội vừa qua, Trung tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 1, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn), trong khi trao đổi với báo chí đã cho rằng, không thể dùng tiền thay thế  nghĩa vụ quân sự, vì việc này ngoài trách nhiệm của công dân còn là nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân, không thể dùng tiền thay cho nghĩa vụ thiêng liêng cao cả đó được. Thay thế nghĩa vụ quân sự bằng đóng tiền là sai hoàn toàn về bản chất.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc