Báo chí khiến đại biểu tranh luận “có lửa” hơn

06:48, 31/12/2014
|

(VnMedia) - Báo chí đưa tin và công chúng ủng hộ sẽ khuyến khích đại biểu hoạt động tốt hơn, tranh luận có lửa hơn. Ngược lại, nhiều ý kiến của đại biểu làm cho sản phẩm báo chí được quan tâm” - Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng nói.


>> "Được trả lời chất vấn là may mắn!"
>> Quốc hội sẽ chất vấn về đề án 34 nghìn tỷ
>> Đại biểu chất vấn thẳng vấn đề nóng của ngành Y tế
 

Báo chí truyền lửa cho Quốc hội

Sáng 30/12, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức buổi tọa đàm về vai trò của báo chí và truyền thông trong hoạt động của Quốc hội.

 

Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Sỹ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, vác đoàn đại biểu Quốc hội chịu sức ép của cử tri rất lớn. “Nếu thấy đại biểu phát biểu những vấn đề vang dội thì cử tri rất sướng. Cử tri của một đại biểu thường từ 450.000 đến nửa triệu người. Nếu có cách gì để cử tri biết đến đại biểu thì đó chỉ là qua truyền thông. Những phương tiện truyền thông đại chúng rất quan trọng để cử tri biết đến và giám sát đại biểu. Vì thế, vai trò của truyền thông là cầu nối giữa cử tri và đại biểu, giúp cử tri giám sát và đánh giá đại biểu của mình" - Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng nói.

 

Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, vai trò của truyền thông là thông tin cho cử tri biết đến QH, có thiện cảm với QH. “Truyền thông đưa hình ảnh này thế nào thì người dân tiếp nhận như vậy. Trong tiếp xúc cử tri, giờ chúng ta thấy cử tri cũng đã nói thẳng hơn vì cử tri thấy QH nói thẳng băng, nói rất mạnh, cho dù lãnh đạo cao cấp đến. Đó chính là do báo chí đã truyền lửa của QH sang cử tri. Không chỉ vậy, báo chí còn làm nên bước tiến trong hoạt động nghị trường do sức lan tỏa từ hoạt động của QH. Hiệu ứng của truyền thông đưa từ QH đến cử tri và hệ thống là vai trò rất quan trọng" - ông Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.

 

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đặt vấn đề: “Chất vấn tại sao lại hứng khởi như vậy? Tôi làm QH 30 năm nay, những phiên chất vấn giai đoạn đầu khi báo chí chưa được đưa thì uể oải lắm. Từ khi báo chí và truyền hình đưa đầy đủ thì rất sôi nổi, như một sự khuyến khích cho đại biểu hoạt động. Ở QH, khi báo chí đưa và công chúng ủng hộ sẽ tạo hiệu ứng rất tốt, khuyến khích đại biểu hoạt động tốt hơn, tranh luận có lửa hơn. Đó là động lực về tinh thần.”

 

Ông Dũng cũng nhận định: “Muốn báo chí nắm bắt thì đại biểu QH phải biết thông tin, nắm vấn đề và nghiên cứu sâu.”

 

Ngược lại, theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, “phản khuyến khích” cũng rất quan trọng, bởi một số đại biểu phát biểu những điều không nên thì cũng bị báo chí đưa lên, tạo ra sự chuẩn mực. “Một đại biểu viết về đại biểu khác trên blog của mình, một đại biểu nói về giới luật sư… Như vậy là cũng có sự định hướng hành vi cho đại biểu, thúc đẩy đại biểu phát triển.” – ông Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định.


Ảnh minh họa

Báo chí khuyến khích đại biểu hoạt động tốt hơn, tranh luận có lửa hơn

 

Còn kiểu đưa tin Quốc hội theo kiểu cung đình

 

“Tôi nghĩ, báo chí đưa tin QH theo kiểu cung đình vẫn còn nhiều” – Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH đưa ra một nhận xét thẳng thắn.

 

Ông Nguyễn Sỹ Dũng lấy ví dụ, khi Quốc hội thảo luận và thông qua Luật Doanh nghiệp, một sự đột phá về thể chế và có thể coi là đạo luật tốt nhất trong khu vực, nhưng phía sau có “thòng” thêm 1 điều, trong đó quy định một gia đình sử dụng từ 10 lao động trở lên thì phải thành lập công ty.

 

“Thời điểm đó, đại biểu không nói gì, báo chí không nói gì. Nhưng khi thông qua rồi thì báo chí mới nói rằng, một bà bán phở đông khách nên phải thuê đông nhân viên, chẳng lẽ cũng bắt bà ấy phải mở công ty, làm giám đốc rồi có kế toán? Như thế có hợp lý không? Do vậy, đưa tin theo kiểu “chụp ảnh”, nghĩa là Quốc hội nói thế nào thì đưa tin như thế, thì cũng chưa hẳn đã nhận được sự quan tâm của độc giả, người ta có thể “đi xem một trận bóng đá còn hơn” – ông Nguyễn Sĩ Dũng nhận xét và khẳng định: “Ở ta còn thiếu những bài báo ở tầm cao”.

 

Ngoài ra, ông Nguyễn Sĩ Dũng cũng nhắc nhở “một cái chưa được” khác, đó là “đưa tin theo phong trào.”

 

“Trong kỳ họp dội lên rất nhiều, đâu cũng thấy, nhưng sau đó lại gần như không thấy gì. Trong khi đó, hoạt động của Quốc hội diễn ra quanh năm, nên nếu làm theo kiểu xuân thu nhị kỳ thì không phản ánh hết hoạt động của Quốc hội.” – Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH nói.


Ảnh minh họa

QH đã thay đổi từ cách làm thời bao cấp sang tư duy phục vụ báo chí

 

Quốc hội phục vụ báo chí

Theo phân tích của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng, Quốc hội cũng có vai trò quan trọng với báo chí.

 

“Quốc hội có nhiều chuyện đáng nói và cử tri quan tâm, là nguồn thông tin rất lớn để báo chí khai thác. Do tính quan trọng, sự nóng bỏng của những vấn đề mà Quốc hội giải quyết, Quốc hội có thể cung cấp những nguồn chất liệu không chỉ thú vị mà còn có phẩm cấp. Nhiều đại biểu có vị thế độc lập và dám nói nên ý kiến của đại biểu về một vấn đề nào đó được chú ý, làm cho sản phẩm báo chí được quan tâm.” – ông Nguyễn Sĩ Dũng nhận xét.

 

Nhìn lại mối quan hệ giữa QH và báo chí trong thời gian qua, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá: “Hiện nay, việc tạo điều kiện cho báo chí tiếp cận đã có nhiều thay đổi. Trước đây, thời kỳ đầu tôi làm Quốc hội thì báo chí chưa được tạo điều kiện tiếp cận, chỉ được đăng lại thông cáo. Còn bây giờ, chúng tôi đã thay đổi từ cách làm thời bao cấp sang tư duy phục vụ báo chí".


Ảnh minh họa

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng tại buổi tọa đàm - ảnh: Tuệ Khanh

 

Báo chí cần bảo vệ đại biểu

Phát biểu tại biểu tọa đàm, Nguyên đại biểu QH Nguyễn Minh Thuyết cũng nhận định, báo chí với đại biểu QH có mối quan hệ 2 chiều.

 

Theo đó, chiều thứ nhất là báo chí cung cấp thông tin cho đại biểu. Thông tin ấy không chỉ là cập nhật, toàn diện, mà còn được sàng lọc. “Nếu đại biểu chịu khó đọc báo thì sẽ có nhiều thông tin phản ảnh đến Quốc hội. Báo chí cũng là những cử tri, “cử tri ưu tú”.” – ông Nguyễn Minh Thuyết nhận xét và cho rằng, tác động của báo chí đến Quốc hội không phải ai cũng nhận ra, nhưng càng ngày, người ta càng nhận rõ. “Cứ gần đến Kỳ họp thì trên báo xuất hiện rất nhiều bài trở thành những vấn đề chất vấn của Quốc hội.”

 

Chiều thứ hai, theo cựu đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, đó là, báo chí là cầu nối của đại biểu với cử tri. Đại biểu thông qua báo chí báo cáo với cử tri về chủ trương, chính sách để vận động cử tri tham gia.
 

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, trong các thiết chế hiện nay, Quốc hội là thiết chế được dân tin tưởng hơn cả. Sự tin tưởng đó một phần là nhờ hoạt động tích cực của Quốc hội, nhưng một phần quan trọng cũng nhờ sự phản ảnh của báo chí.

 

GS cho rằng, phần lớn đại biểu ngại tiếp xúc với báo chí, khi tiếp xúc rồi thì nói năng cũng rụt rè, vì ngại nói sai. “Tôi xem báo chí ở nước ngoài, người lao động ở nước ngoài nói rất trôi chảy, rất hùng hồn, từ bà quét rác tới ông chính quyền. Vậy, tại sao ở Việt Nam thì trả lời báo chí lại cứ rụt rè, thậm chí phải cầm giấy đọc? Vì sao, vì sợ sai. Tâm lý của mình là ngại tiếp xúc. Đại biểu cần luôn luôn hiểu vị thế của mình và sẵn sàng trả lời.” – GS Nguyễn Minh Thuyết nói.

 

Tuy nhiên, ngược lại, ông cũng thẳng thắn cho rằng, báo chí cũng cần “bảo vệ” đại biểu. “Có những đại biểu vì thật thà nên nói ra những điều bí mật. Khi đó, báo chí nên cắt đi để bảo vệ đại biểu.” – GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc