Phương tiện nào bị tai nạn giao thông nhiều nhất?

09:08, 14/11/2014
|

(VnMedia) - Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, thống kê tại Việt Nam cho thấy, tai nạn giao thông đối với người đi xe máy chiếm hơn 70% số vụ tai nạn giao thông đường bộ.

>>
Kinh hoàng những vụ tai nạn giao thông dịp nghỉ lễ
>> Tổ chức cầu siêu cho nạn nhân tai nạn giao thông vào 19/11
>> 114 người chết vì tai nạn giao thông trong 4 ngày nghỉ lễ

Theo số liệu của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, xe máy hiện đang là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Việt Nam, chiếm hơn 85% tổng số phương tiện giao thông hiện đang hoạt động trên cả nước.

Cùng với những ưu điểm nổi trội như: tính cơ động cao, linh hoạt, giá thành rẻ… trong những năm tới đây, xe máy sẽ vẫn tiếp tục là phương tiện đi lại quan trọng của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên, xe máy vẫn là phương tiện có nguy cơ tai nạn giao thông cao nhất trong số những phương tiện cơ giới đường bộ.

Chứng minh điều này, ông Hùng đưa ra con số so sánh, năm 2013, tai nạn giao thông đô thị chiếm tới 42% nhưng đến thời điểm này của năm nay đã giảm còn 32%. Như vậy, tai nạn giao thông ngoài đô thị là cao, đặc biệt là khu vực nông thôn và các vụ tai nạn xảy ra chủ yếu là do người điều khiển xe gắn máy.

“Trong vòng 1-2 năm trở lại đây, xe máy bùng nổ do kinh tế xã hội phát triển, người dân có nhiều cơ hội mua sắm làm phương tiện cơ giới đường bộ. Hơn nữa, hệ thống đường giao thông được cải thiện nhưng vẫn còn nhược điểm là các tuyến đường này được đổ bê tông, trải nhựa trên nền đường cũ nên không có thiết kế theo quy chuẩn nào. Chính điều đó dẫn đến tai nạn giao thông tăng,” vị Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phân tích.

  Ảnh minh họa
  Hiện trường một vụ tai nạn giao thông xảy ra trong thời gian vừa qua. Ảnh: Internet
Ông Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, theo thống kê của đơn vị này, tại Việt Nam, tai nạn giao thông đối với người đi xe máy chiếm hơn 70% số vụ tai nạn giao thông đường bộ.

“Điều này đòi hỏi cần phải tăng cường quản lý nhằm bảo đảm an toàn, kéo giảm nguy cơ tai nạn cho hoạt động tham gia giao thông của người đi mô tô, xe máy; đồng thời phát huy được những lợi thế và hiệu quả của loại phương tiện này,” ông Hùng cho biết.

Theo ông Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, việc người dân ở khu vực nông thôn ý thức chấp hành Luật giao thông còn kém, tình trạng người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm vẫn còn khá nhiều. Trong khi đó, lực lượng cảnh sát giao thông số lượng ít, chỉ tập trung xử phạt mà chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền đến người dân.... là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn gia tăng.

Chính vì vậy, nhằm nâng cao công tác tuyên truyền, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đã làm việc với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) phát mũ bảo hiểm cho khách hàng mới mua xe; phát động nhà sản xuất tuyên truyền, tập huấn nâng cao an toàn; hình thành quỹ nghiên cứu xe máy và đẩy mạnh nghiên cứu xe máy an toàn, thân thiện.

Đề cập đến công tác sơ cứu cho người bị tai nạn giao thông, ông Hùng cho biết, trong thời gian qua, Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã tiến hành đào tạo sơ cứu cho các lái xe, người dân sinh sống dọc tuyến quốc lộ, tăng khả năng sơ cấp cứu trạm y tế cấp xã, huấn luyện kỹ năng sơ cứu cho cá nhóm du lịch…

“Tất cả các giải pháp đang thực hiện đồng bộ nhằm giảm nạn nhân bị thương, tử vong vì tai nạn giao thông đặc biệt là kỹ năng sơ cấp cứu ở địa phương nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, năm 2015, công tác cứu hộ, cứu nạn, sơ cấp cứu người bị tai nạn giao thông tại địa bàn nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia,” ông Hùng cho biết.

Hưởng ứng "Ngày thế giới tưởng niệm nạn nhân tai nạn giao thông", ngày 16/11 tới đây, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ tổ chức Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông tại Việt Nam với thông điệp “Tưởng nhớ người đi-Vì người ở lại”!.

Nội dung chương trình lấy ý tưởng “Cuộc sống vốn dĩ tươi đẹp, chỉ từ một giây phút ngắn ngủi mà số phận của những người tham gia giao thông có thể thay đổi.”

Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2014 được thể hiện qua hình thức nghệ thuật hóa các câu chuyện nhân văn có thật trong năm nay kết hợp các phóng sự truyền hình chính luận xoay quanh nhằm truyền tải một thông điệp mạnh mẽ về lời cảnh tỉnh tới những người ngồi sau tay lái hôm nay và mai sau cần có ý thức hơn nữa để không gây ra những tai nạn thương tâm, những mất mát cho chính bản thân, gia đình, xã hội.

Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc