Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Luật Báo chí phải có "tuổi thọ" dài

20:31, 12/11/2014
|

(VnMedia)- Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí 1999; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí sáng 12/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Luật Báo chí đã 2 lần sửa và về nguyên tắc sẽ cố gắng không có cái gọi là luật khung, luật ống, nhưng chúng ta cũng phải làm sao cho luật có tuổi thọ dài trong khi thế giới đang thay đổi rất nhanh, đặc biệt là công nghệ... 

Báo chí đã giúp hoạch định chính sách sát nhu cầu thực tiễn

Mở đầu bài phát biểu của mình tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tình từ mốc 15 năm qua kể từ khi Luật Báo chí sửa đổi thì không chỉ do luật này mà do rất nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và sự tham gia của tất cả xã hội, đương nhiên lực lượng báo chí là nòng cốt, thì báo chí cách mạng Việt Nam có bước phát triển rất mạnh mẽ.

Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí 1999 tại Hà Nội sáng 12/11.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, không chỉ số lượng các cơ quan báo chí, loại hình, số lượng phóng viên mà điều quan trọng nhất là báo chí đã mang thông tin đến mọi ngõ ngách, phản ánh mọi mặt của đời sống, không chỉ trong nước mà vươn ra toàn thế giới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, trong thời gian qua, báo chí đã đóng góp một phần quan trọng, không chỉ thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận của nhân dân, mà điều hết sức quan trọng là báo chí đã giúp hoạch định chính sách sát với nhu cầu thực tiễn.

Luật Báo chí phải đảm bảo trước xu thế phát triển

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, chúng ta cũng nhận ra những bất cập, trong quá trình phát triển luôn luôn có những bất cập, điều đó là bình thường. Bất cập đó có cái do luật, cũng có cái không hẳn do luật. "Trong phạm vi hội nghị này chúng ta tổng kết hoạt động Luật Báo chí để tiến tới sửa, có ý kiến nói là ban hành luật mới về báo chí. Điều này chúng ta đã làm một lần, đã tổng kết 7 năm trước, bây giờ tiếp tục tổng kết. Điều quan trọng nhất theo tôi, không chỉ trong hội nghị này, mà những người hoạt động, công tác trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt các đồng chí Tổng Biên tập, chúng ta đào sâu suy nghĩ với tất cả tinh thần trách nhiệm xem Luật Báo chí vừa qua đáp ứng được yêu cầu đến đâu, bây giờ cần sửa gì, hết sức dựa trên thực tiễn" - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, chúng ta sửa Luật Báo chí phải đảm bảo nguyên tắc báo chí cách mạng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nhưng trên hết sửa luật để góp phần phát triển báo chí mạnh mẽ hơn, phục vụ tốt hơn cho việc thực hiện, hoạch định các đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, bảo vệ đất nước. Để đảm bảo cho báo chí góp phần cho nhân dân thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của mình.

"Hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng quy hoạch báo chí trên tinh thần chung là như vậy. Điểm gì mạnh chúng ta phát huy, điểm gì yếu chúng ta khắc phục. Và rất bình tĩnh trước những bất cập của hoạt động báo chí, không nên chỉ vì một vài biểu hiện của tiêu cực rồi chúng ta thấy thế giật mình, ra ngay các quy định. Tinh thần hoàn toàn không phải như vậy. Điểm thứ ba, tôi rất lắng nghe phát biểu bên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Bây giờ luật thì đã 2 lần sửa và về nguyên tắc sẽ cố gắng không có cái gọi là luật khung, luật ống, những chúng ta cũng phải làm làm sao cho luật có tuổi thọ dài trong khi thế giới đang thay đổi rất nhanh, đặc biệt là công nghệ. Và lĩnh vực báo chí là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nói về xu thế phát triển của các trang tin điện tử, mạng xã hội, blog cá nhân, Phó Thủ tướng cho rằng, chúng ta nói rất nhiều về trang tin điện tử, mạng xã hội, blog cá nhân nhưng thử quay lại 15 năm trước khi luật ra đời thì nhiều điều ngày hôm nay đang diễn ra thì 15 năm trước về mặt công nghệ rất ít người tưởng tượng được. Vậy bây giờ chúng ta lường các vấn đề đó thế nào? 15 năm trước chúng ta dự báo báo in sẽ đi xuống, báo mạng sẽ đi lên, bây giờ đã rất rõ, nhưng bây giờ cũng có những dự báo mới cho rằng báo điện tử cũng bắt đầu đi xuống nếu quan niệm báo điện tử như bây giờ, mà là thông tin trên mạng có tính chất như báo chí như mạng, trang thông tin điện tử và sự kết hợp với mạng xã hội sẽ đi lên.

"Từ xu thế công nghệ ra rất nhiều xu thế khác. Câu chuyện báo chí hợp tác với doanh nghiệp ngoài quốc doanh, không chỉ đơn thuần do vấn đề tự chủ tài chính mà bản thân nó có vấn đề do công nghệ thúc đẩy mang lại. Chúng ta đặt trong luật như thế nào, đến đâu, không luật này thì luật khác ở mức độ nào phải rất đồng bộ.

Bây giờ chúng ta đề xuất sửa luật hoặc làm luật mới thì những quy định của luật này, tôi đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phải làm thế nào thu hút sự quan tâm của chính những người làm báo ngay từ đầu, để chúng ta có được một dự thảo luật tốt, khi đưa ra các cơ quan chức năng thì việc thông qua hay cho ý kiến được thuận lợi. Không nhất thiết phải làm toàn bộ dự thảo mà chúng ta lọc ra những vấn đề đang quan tâm, đang mắc qua những tổng kết để tiếp thu những ý kiến thật sự vào điều khoản dự thảo ngay từ ban đầu", Phó Thủ tướng nói.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc