Lấy phiếu tín nhiệm lần 2: Kết quả liệu có "biến động"?

14:52, 14/11/2014
|

(VnMedia) - Ngày mai (15/11), Quốc hội sẽ thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm lần 2 đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Liệu lần này kết quả lấy phiếu tín nhiệm có gì "đột biến" so với lần trước? Bên lề kỳ họp, đại biểu Phan Văn Quý (đoàn Nghệ An) đã trao đổi với báo chí về những nhận định của ông đối với vấn đề này.

  Ảnh minh họa

 Đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý


- Ông đánh giá thế nào về việc lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2 này. Theo ông, sau kết quả lần 1 thì tình hình có gì khác không?


Tôi thấy ý tưởng lấy phiếu tín nhiệm rất ý nghĩa. Từ kỳ họp trước, một số Bộ trưởng có phiếu tín nhiệm không cao, nhưng lần này tôi tin sẽ rất khác. Họ đã làm hết sức quyết liệt trong ngành mình và từ đó không những ổn định tình hình mà còn đi lên. Ví dụ như đồng chí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đầu tuần ra Đà Nẵng, giữa tuần ở Quảng Ninh,… Họp liên tục với chính quyền, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn.

 

Từ kỳ họp thứ 2 thì hàng loạt chỉ số cao vọt như lạm phát, lãi suất, tín nhiệm doanh nghiệp thì thấp kỷ lục, thậm chí một bộ phần không nhỏ người ta hoang mang. Nhưng hiện nay, mọi việc dần dần ổn định, đó là cả quá trình phấn đấu. Như Bộ trưởng Giao thông, dù vẫn còn chuyện này, chuyện nọ nhưng tổng thể là rất tâm huyết, quyết liệt, tất cả cho công việc, thì đã gỡ được.

 

Mặc dù còn ý kiến trăn trở, nhưng tôi vẫn cho rằng nên dùng 3 mức đánh giá, nếu dùng 2 mức thì có thể có những tình hình đột biến mà chúng ta không quản lý nổi. Ở Quốc hội thì khác, nhưng ở các cấp địa phương, nếu có những thay đổi đột biến, vì bỏ phiếu là thay đổi cả nhân sự, thì khi đó rất phức tạp, khó kiểm soát. Vì vậy, việc bỏ phiếu là có tính chất thăm dò dư luận và để đánh giá năng lực, uy tín của từng cán bộ thôi. Còn nếu không cẩn thận thì sẽ vượt quá mức kiểm soát.

 

Lúc đầu, chúng ta nghĩ rằng để hai mức cho mạnh mẽ, để rõ ràng, vừa qua có kết quả như vậy tại sao không làm hai mức? Nhưng nghĩ cho cùng, có thể ở cấp Quốc hội, Chính phủ thì không sao, nhưng ở cấp thấp như tỉnh, huyện xã, có thể có vấn đề. Mà luật không thể áp dụng cho một bộ phận mà phải đồng đều.

 

Vì vậy, tôi cho rằng cứ thử nghiệm như hiện nay, với 3 mức đánh giá. Tiến tới, thử nghiệm ổn rồi thì có thể 2 mức. Nhưng với một Nhà nước thì tôi cho rằng nên dần dần, không nên mang cái đột phá, không cẩn thận sẽ phản ứng ngược, phức tạp.


  Ảnh minh họa

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần 1 - nguồn: Vnexpress

 

- Về cảm quan, ông đánh giá số lượng thay đổi về số phiếu tín nhiệm thấp và cao đối với các Bộ trưởng có nhiều hơn so với kỳ trước không?

 

Tôi nghĩ kỳ này không có biến động nhiều, vì tình hình kinh tế xã hội của đất nước mình đã có tiến triển rõ ràng. Lòng tin của người dân, của quốc tế, của chúng ta cảm giác là ổn. Hơn nữa qua xử lý về tình hình biển Đông, phải nói là các Bộ trưởng như Bộ trưởng Quốc phòng, đã xử lý rất khôn khéo nên không để xảy ra điều gì đáng tiếc.

 

Từ những thời điểm khó khăn như thế, chúng ta đã vượt qua, đi lên từng bước thì tôi cho rằng đi đôi với đó là công sức của các tư lệnh ngành, cùng với của cả toàn dân. Vì vậy tôi tin rằng kết quả bỏ phiếu lần này sẽ tốt hơn.

 

Đối với các Bộ trưởng, tôi đánh giá rất cao tâm huyết của họ với công việc. Không chỉ về quản lý mà còn cả về áp lực công việc. Cách đây mấy năm, áp lực đó rất lớn, nhưng họ đã vượt qua được. Như với ngành ngân hàng, tôi đã từng làm, cảm nhận khi đó rất lo là ngành ngân hàng vỡ trận, nhưng cuối cùng với các lộ trình đặt ra thì đã gỡ được dần. Mặc dù vậy, đó mới là giai đoạn 1, còn phải tiếp tục nữa.

 

Tôi cho rằng, trong thời gian tới, khi đã ổn định, thì ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, cần phải răn đe họ. Nếu anh nào cứ tiếp tục làm bậy, ảnh hưởng đến nền kinh tế, không sửa được thì cho phá sản đi, để cho minh bạch. Không để anh dùng ngân hàng đi làm việc khác, khi thị trường thuận lợi thì thu lợi, nhưng khi khó khăn thì đổ hết cho nền kinh tế.

 

Có thể lúc này thì chưa làm được, nhưng trong tương lai phải hướng tới, vì đây là thông lệ quốc tế. Nếu làm có thể xảy ra phản ứng phụ nặng hơn, nên bắt buộc phải gói ghém lại, xử lý dần. Khó có thể xử lý mạnh tay ngay vì tiền ngân hàng là tiền của dân, nếu xảy ra vấn đề gì thì có thể phản ứng ngay. Như Albani cách đây hơn 10 năm, vì vỡ nợ tín dụng mà dẫn đến biểu tình, mất chế độ. Chúng ta phải dự phòng, không nên quá mạnh tay vì có thể ảnh hưởng, ảnh hưởng xã hội có thể ảnh hưởng đến nền kt ngay.

 

Nhưng nhìn một cách tổng thể, thì các Bộ trưởng đã làm hết sức quyết liệt. Tất nhiên, trong đó, có bộ tốt lên nhiều, có bộ tốt lên ít, có bộ đi ngang, chúng ta sẽ góp ý để họ làm tốt hơn. Lá phiếu sẽ giúp họ xem xét lại mình, tại sao lá phiếu mình thấp hơn người khác, đó là điều rất hay.

 

- Cũng có ý kiến cho rằng với một số bộ có nhiều việc nóng, liên quan nhiều đến dân sinh thì có thể bị đánh giá kỹ hơn, so với các bộ ít “va chạm”? Liệu vậy có khách quan không?

 

Tôi thấy các Đại biểu và cử tri rất công bằng, họ đánh giá được hết. Anh ở bộ gai góc, xảy ra chuyện này, chuyện kia cũng là lẽ bình thường. Nhưng định hướng đúng, cá nhân quyết liệt, nếu trong quá trình đó có gì sơ suất, hoặc cấp dưới sơ suất thì đó có thể hiểu được. Còn những bộ ít va chạm, ít liên quan đến xã hội, thì cử tri cũng đánh giá được, cũng khách quan.

 
- Xin cảm ơn ông.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc