Giám đốc Công an Hà Nội muốn học sinh hết lớp 12 biết lái ô tô

06:41, 12/11/2014
|

(VnMedia) - Theo Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cần sớm đưa luật giao thông vào trường học; thậm chí nên đào tạo để khi hết lớp 12 ra trường, các em đã biết lái ô tô, xe máy chứ không nên chờ hết 18 tuổi mới đi học lái xe...

Ảnh minh họa

Đại biểu Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội phát biểu chiều 11/11 -  ảnh : Tuệ Khanh


Chiều 11/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Đề án đổi mới Chương trình, sách giáo khoa của Bộ Giáo dục. Góp ý cho Đề án, Giám đốc công an Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nêu ra 10 điều mà ông mong muốn ở Đề án này.
 
Theo đó, thứ nhất, đại biểu Nguyễn Đức Chung cho rằng, bắt đầu từ mẫu giáo cho đến tiểu học, trung  học cơ sở, trung học phổ thông, chương trình học phải có tính liên tục, kiến thức phải phù hợp với từng lứa tuổi, phù hợp với trí tuệ của học sinh trong.
 
Thứ hai, chương trình phải đảm bảo trang bị kiến thức, tri thức khoa học cơ bản, giúp cho học sinh khi đến độ tuổi 18 phải có kiến thức cơ bản để đảm bảo đầy đủ chức năng của người công dân trong xã hội.
 
Thứ ba, theo đại biểu Nguyễn Đức Chung, trong quá trình học tập, sách giáo khoa phải đảm bảo rèn luyện đạo đức cho học sinh vừa mang tính truyền thống dân tộc, vừa đáp ứng yêu cầu của thời đại.
 
Thứ tư, phải đảm bảo sự rèn luyện về mặc sức khỏe cho học sinh, bởi phải có sức khỏe thì khi trở thành công dân mới có thể làm việc tốt.
 
Thứ năm, Giám đốc Công an Thành phố mong muốn trong quá trình học tập, học sinh phải được trang bị kiến thức về quá trình phát triển, nền văn hóa của dân tộc, “chứ như hiện nay, các đại biểu cũng rất bức xúc về chuyện học lịch sử, địa lý của các cháu. Một người trưởng thành, khi muốn làm được việc gì thì trước hết cũng phải hiểu chính mình đã.”
 
Thứ sáu, theo đại biểu Nguyễn Đức Chung, trước yêu cầu  hội nhập như, ngành giáo dục phải đào tạo một cách chính thống để mỗi một học sinh không phải dừng lại ở việc biết một ngoại ngữ.  Ông cũng cho rằng, kiến thức về tin học cũng phải là những kiến thức bắt buộc. Thêm vào đó là yêu cầu về kỹ năng sống, kỹ năng hội nhập trong môi trường quốc tế.
 
“Hiện nay, qua quá trình tiếp xúc với các doanh nghiệp để phục vụ cho công tác đảm bảo an ninh trên địa bàn, chúng tôi thấy họ cũng rất kêu về ý thức kỷ luật, ý thức hội nhập của công nhân. Vì vậy, rèn luyện để cho số này hiểu biết về kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế là rất quan trọng” - ông Nguyễn Đức Chung nói.
 
Điều thứ 7 mà ông Nguyễn Đức Chung góp ý, đó là cần coi trọng tư duy sáng tạo của học sinh.Theo đó, ý thức sáng tạo, khả năng hoạt động độc lập trong môi trường tập thể phải được tôn trọng từ ngay trong nhà trường.
 
Thứ tám, đại biểu Nguyễn Đức Chung đề nghị, trong Chương trình cần dành thời gian thích đáng để học sinh tham gia ngoại khóa, hiểu được các kiến thức ngoài xã hội. Thông qua ngoại khóa giúp cho học sinh có khả năng đánh giá, liên hệ giữa lý luận và thực tiễn.
 
Thứ chín, vị đại biểu thành phố Hà Nội mong rằng, đổi mới chương trình sách giáo khoa lần này, cố gắng đưa được luật giao thông vào trường học. “Thậm chí, khi các cháu học hết lớp 12, trở thành công dân là đã có bằng lái ô tô, xe máy. Đây là những cái tối thiểu khi trưởng thành phải được trang bị trong tay chứ không cần phải đợi đến lúc hết 18 tuổi mới đi học bằng lái xe.” - Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội nêu ý kiến.
 
Điều cuối cùng mà vị đại biểu Hà Nội kiến nghị, đó là cần tham khảo các tổ chức quốc tế trên thế giới xem cách họ xây dựng chương trình, sách giáo khoa như thế nào, cách đào tạo con người ra sao để trên cơ sở đó học hỏi, ứng dụng cho hiệu quả, đảm bảo mục tiêu xây dựng được một chương trình, sách giáo khoa phục vụ tốt cho nhiều thế hệ.
 
Riêng về vấn đề ngân sách cho đổi mới giáo dục, quan điểm của đại biểu Nguyễn Đức Chung là không nên sợ tốn kém.
 
“Chúng ta đã bỏ tiền xây dựng một nền tảng, một cái gốc để cho các thế hệ con em chúng ta học thì đừng sợ tốn kém. Không phải chỉ 450 tỷ mà thậm chí nhiều hơn cũng phải làm. Chúng ta không nên quá khắt khe về tài chính với những vấn đề như thế này. Quan trọng là chúng ta đưa ra chương trình phù hợp. Trên cơ sở chương trình đó mà phải chi hết bao nhiêu thì cứ theo đúng luật ngân sách mà làm. Không nên bó hẹp để cuối cùng đưa ra những sản phẩm không có giá trị, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.” – đại biểu Nguyễn Đức Chung bày tỏ quan điểm.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc