Nhận diện "thủ phạm" gây nứt cao tốc Nội Bài - Lào Cai

06:44, 08/10/2014
|

(VnMedia) - Xung quanh việc tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai bị nứt khi vừa thông xe, chiều 7/10, ông Lê Kim Thành, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, đoạn nứt nằm trong đoạn địa chất phức tạp, có bất thường về địa tầng.

>>Nứt cao tốc Nội Bài - Lào Cai: Lỗi tại nền đất?

>>Nứt cao tốc Nội Bài - Lào Cai sau thông xe

Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo quý 3 của Bộ Giao thông vận tải, ông Thành cho biết, các vị trí còn lại sẽ lún nhưng việc có nứt đường hay không thì khó có thể khẳng định.

Theo ông Thành, ngay sau khi phát hiện vết nứt, VEC đã chỉ đạo Tư vấn giám sát hướng dẫn nhà thầu tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng vết nứt và khoan khảo sát nhằm xác định cụ thể cấu tạo địa tầng khu vực.

Cụ thể, đơn vị này đã khoan 8 lỗ tại 2 điểm Km 83+025 và Km83+050 (vị trí lỗ khoan bổ sung có tham khảo ý kiến các chuyên gia xử lý nền đất yếu và chuyên gia của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước).

Kết quả khoan khảo sát địa chất bổ sung cho thấy, tại vị trí Km83+025 (vị trí trung tâm của vết nứt) có sự bất thường về địa tầng, không xuất hiện lớp đất có khả năng chịu tải tốt như xuất hiện tại mặt cắt địa chất kề đó tại vị trí Km83+00; lớp đất yếu (bụi dẻo lẫn hữu cơ) nằm trực tiếp trên nền đá có độ dốc ngang ra phía ngoài lớn gần 30%; cấu tạo địa tầng tại vị trí này đã không được phát hiện trước đây do nằm giữa 2 mặt cắt khoan khảo sát địa chất bước lập bảo vệ thi công xử lý đất yếu.

“Đoạn nứt nằm trong đoạn địa chất phức tạp, có bất thường về địa tầng đã xuất hiện hiện tượng trượt sườn, đáy khối trượt xuất hiện ở khu vực tiếp giáp giữa đất yếu và đá gốc làm mất ổn định và gây ra nứt mặt đường”, ông Thành khẳng định.

 Ảnh minh họa

 Vết nứt trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Theo ông Phó tổng Giám đốc VEC, để xử lý vết nứt, trong chiều 7/10, Bộ Giao thông Vận tải đã chủ trì cuộc họp bàn về giải pháp xử lý vết nứt, với sự tham gia của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Vụ Khoa học công nghệ, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải, Viện khoa học công nghệ Giao thông vận tải liên quan.

"Quan điểm xử lý phải đảm bảo mục tiêu khai thác liên tục, an toàn tuyến đường. Giải pháp hiện nay là thi công ngay bệ phản áp để đảm bảo ổn định nền đường tại khu vực nứt với kích thước rộng 20m cao 2,5m, dài 180m" ông Thành cho biết.

Đề cập đến 9 vị trí đang theo dõi lún còn lại tại các gói thầu A2, A3 và A4, ông Lê Kim Thành thẳng thắn thừa nhận, 9 vị trí còn lại sẽ lún nhưng việc có nứt đường hay không thì khó có thể khẳng định. Hy vọng sẽ chỉ lún như tính toán, còn việc bất thường để xảy ra nứt thì hy vọng là không có.

Tham dự cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng, cao tốc Nội Bài-Lào Cai có 10 vị trí lún. Theo nguyên lý tính toán thi công chờ lún từ 6-9 tháng và nếu như vậy 230km còn lại không thể khai thác. Do đó, VEC đã cắm biển theo dõi lún đồng thời gia cố tạm để đưa vào khai thác tạm tuyến đường.

“VEC đã chủ động lắp dựng biển thông báo đoạn đường theo dõi đất yếu, lún. Quá trình sửa chữa, khắc phục hư hỏng lún nứt tuyến đường cũng không hoàn toàn bị động,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.

Trước đó, như đã đưa tin, tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai sau khi thông xe ngày 21/9/2014 đã phát hiện có hiện tượng nứt mặt đường. Ngay sau sự việc trên, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương thực hiện khảo sát, xác định rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục hiện tượng nứt mặt đường nêu trên nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn và tuổi thọ của công trình.

Sau đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa ký công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sự cố vết nứt tại km83 trên mặt đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai trong đó khẳng định, vết nứt mặt đường tương đối lớn là bất thường...

Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt ngày 5/11/2007, khởi công ngày 25/4/2009. Đây là dự án trọng điểm Nhà nước, thuộc trục đường Xuyên Á, có tổng mức đầu tư 30.132 tỷ đồng với chiều dài 245 km đi qua 5 tỉnh, thành phố là Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hà Nội.

Dự án phải thi công nhiều hạng mục với khối lượng rất lớn gồm 120 cầu lớn nhỏ, 1 hầm xuyên núi dài 530m, 1 hầm chui, 12 nút giao khác mức, 13 trạm thu phí, 5 trạm dừng nghỉ rộng 23ha. Diện tích giải phóng mặt bằng của dự án là 2.062,38ha; đền  bù  giải phóng mặt bằng cho 25.031 hộ dân bị ảnh hưởng; xây dựng 99 khu tái định cư; di dời và xây mới hàng trăm công trình công cộng; dự án áp dụng chương trình phục hồi thu nhập cho gần 17.000 hộ dân.


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc