Bộ Tư pháp muốn giữ lại Giấy khai sinh

07:28, 17/10/2014
|

(VnMedia) - Đối với Dự thảo Luật Hộ tịch, trong khi Bộ Công an đề xuất bỏ việc cấp giấy khai sinh khi tiến hành cấp thẻ căn cước thì Bộ Tư pháp đã 2 lần đề nghị tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh…


 Ảnh minh họa

 Bộ Tư pháp tỏ rõ quan điểm muốn giữ Giấy khai sinh

 

Tại buổi họp báo sáng 16/10, người phát ngôn Bộ Tư pháp, ông Trần Tiến Dũng cho biết, trong quá trình chỉnh lý dự thảo Luật Hộ tịch và ý kiến thảo luận của các vị Đại biểu Quốc hội tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Căn cước công dân cho thấy, còn có một nội dung lớn liên quan đến cả dự thảo Luật Hộ tịch và dự thảo Luật Căn cước công dân có ý kiến khác nhau, đó là việc không cấp Giấy khai sinh cho trẻ em (theo Luật Hộ tịch), thay vào đó là việc cấp Thẻ căn cước công dân cho trẻ em (theo dự thảo Luật Căn cước công dân).

 

“Về vấn đề này, Chính phủ đã có 2 công văn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện quan điểm tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh là cần thiết, phù hợp với Công ước quốc tế và quyền trẻ em, Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Việc cấp Thẻ căn cước công dân chỉ nên thực hiện đối với người từ 14 tuổi trở lên” - ông Dũng cho biết và nhấn mạnh: “Quan điểm của Chính phủ cũng là quan điểm của Bộ Tư pháp”.

 

Theo phân tích của ông Trần Tiến Dũng, căn cước công dân là thông tin cơ bản về gốc tích, đặc điểm nhận dạng của công dân để xác định một người cụ thể và phân biệt người này với người khác, nhân dạng là những đặc điểm cá biệt và ổn định bên ngoài của một người mà nhờ đó có thể phân biệt người này với người khác. Do đó, việc cấp Thẻ căn cước công dân cho trẻ em từ khi sinh ra đến dưới 14 tuổi là chưa bảo đảm phù hợp khái niệm “căn cước” trong dự thảo Luật, vì từ khi sinh ra cho đến dưới 14 tuổi, các đặc điểm nhận dạng của trẻ em chưa ổn định, trong khi đó các đặc điểm “gốc tích” của trẻ em chủ yếu là các thông tin về khai sinh.

 

“Nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia quản lý dân cư cho thấy, tuyệt đại đa số các nước đều cấp Thẻ căn cước công dân cho những người ở độ tuổi từ 14, 15 hoặc 18 trở lên, khi đặc điểm nhân dạng đã khá ổn định, ít thay đổi.” - ông Dũng khẳng định.

 

Ngoài ra, người phát ngôn Bộ Tư pháp cũng cho rằng, việc bỏ cấp Giấy khai sinh và thay thế bằng cấp Thẻ căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi sẽ gây khó khăn cho chính công dân Việt Nam khi có những giao dịch cần chứng minh thông tin về khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, trong bối cảnh hầu hết các nước đầu cấp Giấy khai sinh để chứng minh thông tin khai sinh - vấn đề đã trở thành thông lệ quốc tế.

 

“Với tư cách là thành viên của Công ước Quốc tế về quyền trẻ em, Việt Nam có trách nhiệm đăng ký khai sinh và cấp Giấy khai sinh cho trẻ em để trẻ em thực hiện đầy đủ các quyền của mình do Công ước quy định” - ông Trần Tiến Dũng nhấn mạnh và thêm rằng, theo pháp luật Việt Nam, từ đủ 14 tuổi là độ tuổi bắt đầu chịu trách nhiệm hình sự, do vậy, cấp Thẻ căn cước công dân cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, như cấp Chứng minh nhân dân hiện nay là phù hợp.

 

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Khanh (Cục trưởng Cục Hộ tịch, Bộ Tư pháp) cũng cho rằng, Giấy khai sinh được coi như “thẻ vào đời” và đã có từ cách đây cả trăm năm (từ thời Pháp). Ông Khanh cũng cho biết, cùng với việc đề nghị giữ lại Giấy khai sinh thì Bộ Tư pháp cũng đề nghị giữ lại cả Giấy đăng ký kết hôn, bởi Giấy kết hôn đảm bảo sự trang trọng và nghi thức nhà nước.

 

Tuy nhiên, tại buổi họp báo, nhiều ý kiến đã đặt câu hỏi: Nếu giữ lại giấy khai sinh thì liệu có đảm bảo mục tiêu giảm số lượng giấy tờ, giảm thủ tục hành chính - mục tiêu quan trọng nhất để nhà nước quyết định chi một số tiền không nhỏ nghiên cứu sửa đổi Luật? Trả lời câu hỏi này, cục trưởng Cục Hộ tịch Nguyễn Công Khanh cho biết, khi Dự thảo Luật Hộ tịch được thông qua, sẽ cắt giảm được từ 46 xuống còn 25 thủ tục.

 

Về mặt giấy tờ, ông Khanh cho biết, hiện nay trong đăng ký hộ tịch có khoảng trên dưới 10 biểu mẫu, Dự thảo mới đề nghị giữ lại Giấy khai sinh và Đăng ký kết hôn, còn các loại giấy khác thì được lưu trữ dưới dạng cơ sở dữ liệu. “Người dân không cần phải lưu giữ nhiều giấy tờ, khi nào người dân có nhu cầu, chỉ cần trích lục, như vậy giảm khá nhiều loai giấy tờ” - ông Khanh khẳng định.

 

Trả lời câu hỏi của VnMedia về việc lâu nay, Giấy khai sinh đang là một loại thủ tục hành chính gây quá nhiều phiền phức cho người dân khi thực hiện những thủ tục liên quan đến trẻ như nhập học, đi lại, khám chữa bệnh…, đại diện Bộ Tư pháp một lần nữa khẳng định, Giấy khai sinh đã được áp dụng từ rất lâu, trở thành thói quen của người dân và “người dân sử dụng cũng không có gì đáng phàn nàn lắm” và “Giấy khai sinh là loại giấy tờ không thể bỏ”.

 

“Đồng ý là cải cách thì phải cắt bỏ bớt thủ tục, giấy tờ, nhưng vấn đề là nên bỏ loại giấy tờ nào? Quốc hội sẽ là cơ quan quyết định cuối cùng” - đại diện Bộ Tư pháp nói.

 

Trước đó, theo báo cáo của thường trực Ủy ban Quốc phòng - an ninh, cơ quan thẩm tra tiếp tục đề nghị lấy tên căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân, và thẻ căn cước công dân sẽ được cấp cho công dân từ khi mới sinh ra và sẽ thay thế giấy khai sinh.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, thẻ căn cước công dân cấp cho người dưới 14 tuổi sẽ có nội dung tương tự giấy khai sinh, có tên cha mẹ; còn thẻ căn cước công dân cấp cho người từ 14 tuổi trở lên mới có thêm các thông tin khác như ảnh, dấu vân tay, đặc điểm nhận dạng... Còn Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng, thẻ căn cước hay giấy khai sinh chỉ là tên gọi, vì vậy khi đã quyết định cấp thẻ căn cước từ khi mới sinh thì không cần cấp giấy khai sinh nữa.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc