Sẽ xây cầu vượt 3 đường cong qua Đàn Xã Tắc

19:53, 29/07/2014
|

(VnMedia) - Theo đại diện Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, đơn vị này dự tính sẽ xây dựng cầu vượt bằng thép qua Đàn Xã Tắc theo hướng đường vành đai 1, tim cầu đi lệch về phía Nam nút đường Nguyễn Lương Bằng, với các thông số: cầu rộng 14 mét, tim cầu có 3 đường cong nằm bán kính cong lần lượt là 400, 250 và 295 mét.

>>“Tôi sẽ kiện tới cùng nếu xây cầu vượt ở Đàn Xã Tắc”

Thông tin trên được ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho biết tại cuộc họp báo do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 29/7.

Việc xây dựng cầu vượt này nằm trong Dự án xây dựng nút giao thông Ô Chợ Dừa gồm: xây dựng cầu vượt trực thông theo hướng đường vành đai 1, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, tổ chức giao thông…

Theo ông Giám đốc Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, để chuẩn bị cho việc xây dựng cầu vượt này, Chủ đầu tư đã phối hợp với các đơn vị tư vấn triển khai nghiên cứu các phương án kiến trúc, quy hoạch mặt bằng trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các sở ngành, chuyên gia… Đồng thời, phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao Du lịch, Viện Khảo cổ học tổ chức thám sát khảo cổ và giám sát trong quá trình thi công đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu.

Hiện Chủ đầu tư đang lập hồ sơ bổ sung cục bộ chỉ giới đường đỏ, tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư khu vực dự án để hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án kiến trúc, báo cáo Sở Quy hoạch Kiến trúc.

Về phương án xây dựng cầu vượt qua Đàn Xã Tắc, ông Bảo cho biết, Chủ đầu tư và Tư vấn lập dự án đề xuất 3 phương án. Sau khi tiếp thu ý kiến của các sở ngành, chuyên gia, đơn vị này tập trung vào 2 phương án, trong đó phương án nhận được sự đồng thuận cao là xây dựng cầu vượt bằng thép theo hướng đường vành đai 1, tim cầu đi lệch về phía Nam nút đường Nguyễn Lương Bằng, với các thông số: cầu rộng 14 mét, tim cầu có 3 đường cong nằm bán kính cong lần lượt là 400, 250 và 295 mét.
 
"Tổng số tiền chi cho việc xây dựng nút giao thông này sẽ là 350 tỷ đồng, trong đó số tiền giải phóng mặt bằng là 150 tỷ đồng. Dự án sẽ được xây dựng cùng thời gian xây dựng dự án đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục và dự tính hoàn thành vào năm 2017", ông Bảo cho biết.

 Ảnh minh họa

 Hà Nội dự tính sẽ xây cầu vượt bằng thép với 3 đường cong qua Đàn Xã Tắc.

Gian truân câu chuyện xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc
 
Theo dự tính được đưa ra vào đầu năm 2013, cầu vượt tại nút giao Ô Chợ Dừa sẽ được xây dựng bằng bê tông cốt thép theo hướng vành đai 1 dài khoảng 510 mét, mặt cắt ngang rộng 14 mét gồm 4 làn xe. Ngoài ra, còn có hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, tổ chức giao thông… với tổng chi phí 766 tỷ đồng. Cầu vượt dự kiến khởi công trong năm và hoàn thành năm 2015.

Tuy nhiên, ngay khi Hà Nội công bố kế hoạch, lo ngại việc xây dựng sẽ ảnh hưởng đến di tịch lịch sử quốc gia Đàn Xã Tắc mới được phát lộ vào năm 2006, một số nhà khoa học đã lên tiếng không đồng tình với kế hoạch này.

Diễn biến sự việc sau đó đã đi xa hơn và trở thành một cuộc tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều sau khi Chủ tịch Hiệp Hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên gửi công văn lên lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đề nghị sớm khởi công cầu vượt qua Đàn Xã Tắc.

Hiệp hội này cũng cho rằng: xóa bỏ Đàn Xã Tắc cuối thời Lê là “xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát trong tâm thức người dân”. Khôi phục, tôn thờ Đàn Xã Tắc quá mức là “phản cảm với khu di tích gò Đống Đa cách đó chưa đầy 1 km”, nơi gắn với chiến công hiển hách của vua Quang Trung.

Tuy nhiên, không đồng tình với quan điểm trên, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, Đàn Xã Tắc là di tích lịch sử quốc gia, được Luật Di sản bảo hộ. Khi xây bất cứ công trình nào ở đây, phải theo pháp luật.

Trước những dư luận trái chiều trên, ngày 25/4/2013, UBND thành phố Hà Nội đã thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo xung quanh dự án cầu vượt nút giao thông Ô Chợ Dừa.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, việc triển khai xây dựng nút giao thông khác mức, trực thông theo hướng vành đai I tại nút giao thông Ô Chợ Dừa là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết về giao thông và cải tạo chỉnh trang đô thị hiện nay.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng giao Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội (Chủ đầu tư) và các  đơn vị liên quan tiếp tục tu chỉnh, hoàn thiện và lựa chọn phương án tối ưu nhằm bảo đảm đúng quy hoạch, kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, giao thông, bảo đảm bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc, tôn tạo khu dấu tích, hài hòa cảnh quan kiến trúc và bảo đảm điều kiện sống của các nhà dân trong khu vực. Đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt và có thể bảo đảm bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc lâu dài. Tổ chức hội thảo lấy ý kiến tham gia của các Hiệp hội, các nhà khoa học, các nhà sử học, văn hóa, ý kiến cộng đồng.

Sau đó, tại một cuộc hội thảo do UBND Hà Nội tổ chức, trong 4 phương án xây dựng cầu vượt được đưa ra, phương án  4 cầu vượt đi trên vành đai 1 lệch về phía nam, có bổ sung một nhánh đi một chiều từ Khâm Thiên đi qua nút giao Ô Chợ Dừa, nhập vào cầu chính trên vành đai 1 được nhiều nhà khoa học đồng thuận. Một số ý kiến cho rằng, phương án này tạo thành chữ Y song cải thiện được không gian, kiến trúc đô thị mà vẫn bảo tồn được Đàn Xã Tắc.

Và để việc xây dựng cầu vượt không ảnh hưởng đến di tích lịch sử Đàn Xã Tắc, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã cấp phép cho Viện Khảo cổ học khai quật 4 vị trí dự kiến xây trụ cầu vượt với diện tích 80 m2 nằm gần khu khảo cổ Đàn Xã Tắc. Thời gian khai quật các mố trụ khoảng 3 tháng để tìm di vật. Tuy nhiên, đến nay, việc xây dựng cầu vượt qua nút giao này vẫn chưa thể triển khai.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc