Hà Nội: Hơn 500 tỷ đầu tư vào khoa học công nghệ: Hiệu quả...chung chung

06:50, 15/07/2014
|

(VnMedia) - Trả lời câu hỏi của các đại biểu HĐND, UBND TP Hà Nội cho biết, từ 2011-2014, Thành phố chi khoảng gần 524 tỷ đồng cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Tuy nhiên, hiệu quả của việc chi số tiền này lại được đưa ra một cách rất chung chung, không cụ thể...

Chi hơn 500 tỷ đồng

Trong phần chất vấn gửi đến Thành phố nhân kỳ họp HĐND, các thành viên Ban Pháp chế, HĐND Thành phố đã đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ báo cáo hiệu quả của đầu tư kinh phí vào lĩnh vực khoa học và công nghệ từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đồng thời cho biết có bao nhiêu đề tài khoa học công nghệ đưa ra áp dụng mang lại hiệu quả cao?

Trả lời câu hỏi này, UBND Thành phố cho biết, về đầu tư ngân sách nhà nước từ năm 2011-2014 thực hiện cho lĩnh vực khoa học và công nghệ trong 4 năm (từ 2011-2014), dự kiến chi khoảng 523,997 tỷ đồng, trong đó cứ năm sau lại cao hơn năm trước.

Đơn cử như năm 2011 Thành phố đã chi 104,991 tỷ đồng, trong đó chi đề tài, dự án là 64,934 tỷ đồng; Chi sự nghiệp khoa học và công nghệ: 16,960 tỷ đồng, bao gồm hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; Hoạt động thanh tra, chất lượng hàng hóa; Hoạt động An toàn bức xạ hạt nhân; Hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ; Tham gia hoạt động chợ công nghệ và thiết bị; Hoạt động phát triển công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm; Hoạt động nghiên cứu chuyển giao công nghệ; Hoạt động ứng dụng công nghệ; Hoạt động thông tin KH&CN; Hoạt động sáng tạo trẻ; Hoạt động Bách khoa thư Hà Nội; Hoạt động quản lý các đề tài, dự án...

Cũng trong năm 2011, Thành phố đã chi cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ khác 23,098 tỷ đồng, gồm Chương trình Nông thôn miền núi, Chương trình tài sản sở hữu trí tuệ, Tăng cường tiềm lực trang thiết bị KH&CN, Hỗ trợ triển khai áp dụng hệ thống ISO 9001:2008, ISO 14000, ISO 22000; Hỗ trợ KH&CN cho các Quận, Huyện, Thị xã trên địa bàn; Chương trình tiết kiệm năng lượng; Kinh phí hoạt động 12 Ban chủ nhiệm chương trình…

Tiếp đó, năm 2012 Thành phố chi cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ 124,647 tỷ đồng; Năm 2013 chi 135,559 tỷ đồng và năm 2014, kế hoạch dự kiến chi 158,800 tỷ đồng.

Ảnh minh họa

Thành phố cho biết đã tập trung nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô


Hiệu quả cao nhưng chung chung

Về hiệu quả, UBND Thành phố cho biết, trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, từ năm 2011 đến nay, đã có gần 100 đề tài, dự án được ứng dụng vào thực tiễn với "hiệu quả cao."

“Kết quả và sản phẩm của các công trình nghiên cứu khoa học đã được đẩy mạnh triển khai ứng dụng thành công vào thực tế, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh trạnh trên các lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục đào tạo, văn hóa, quy hoạch kiến trúc, giao thông vận tải, xây dựng, y tế, tài nguyên môi trường; công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, điện tử, tự động hóa” – UBND Thành phố cho biết.

Ngoài ra, Thành phố cũng cho biết đã có nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, quy hoạch kiến trúc, giao thông, xây dựng, y tế, tài nguyên môi trường, tài nguyên môi trường…

Trong đó, riêng về lĩnh vực y tế, Thành phố cho biết đã “nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ cao trong y học hiện đại thay thế nhập ngoại để nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Kết hợp nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật y học truyền thống và y học hiện đại trong chẩn đoán và điều trị”, hay lĩnh vực xây dựng, Thành phố khẳng định đã nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ thiết kế, thi công, tính toán tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, độ an toàn công trình xây dựng, đặc biệt là nhà cao tầng và công trình ngầm; Nghiên cứu, ứng dụng vật liệu mới trong xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhà ở và trang trí nội thất; cải thiện chất lượng các công trình và nhà ở."

Trong lĩnh vực giao thông, Thành phố cho biết đã tập trung nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô. Các giải pháp để hạn chế các phương tiện giao thông vận tải cá nhân. Đề xuất các tiêu chí kỹ thuật và mẫu cầu bộ hành, cầu cạn tại các nút giao thông trọng điểm...

Tuy nhiên, ngoài số tiền lớn và rất cụ thể mà Thành phố đã chi cho lĩnh vực khoa học và công nghệ thì ngược lại, Thành phố không đưa ra cụ thể một công trình, dự án cụ thể nào cũng như tính ứng dụng trong thực tế của các công trình đó ra sao. Đây có lẽ cũng là một câu hỏi vẫn cần lời giải đáp cụ thể hơn.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc