Hà Nội: Cơ hội giữ lại nhiều chợ dân sinh

06:49, 14/07/2014
|

(VnMedia) - Với việc 2 dự án chợ - trung tâm thương mại đã bị thu hồi, 1 dự án đang chuẩn bị thu hồi và 6 dự án hiện vẫn còn “án binh bất động” có nguy cơ bị thu hồi, người Hà Nội đang có cơ hội giữ lại được nhiều chợ dân sinh…

>>Hà Nội: Cứu trung tâm thương mại, quên... người?

Như VnMedia đã đưa tin, hiện Hà Nội có 5 dự án Chợ - Trung tâm thương mại đã hoàn thành đưa vào hoạt động trong tình trạng “sống dở chết dở”, không hề có hơi hướng “chợ” nào, thì Thành phố hiện có 2 công trình đã bị thu hồi giấy phép đầu tư, 1 công trình đang làm thủ tục thu hồi, 2 công trình Chợ - trung tâm thương mại đã hoàn thành nhưng chưa đưa vào hoạt động, 3 công trình đang tiếp tục triển khai và 6 công trình khác đã được cấp phép nhưng chưa triển khai.
 
Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, hiện nay, các dự án chợ - trung tâm thương mại bị chậm tiến độ so với quyết định công nhận nhà đầu tư trúng thầu thực hiện dự án là do suy giảm kinh tế, một số chủ đầu tư đã bộc lộ rõ năng lực yếu về tài chính cũng như kinh nghiệm triển khai dự án. Qua rà soát tiến độ triển khai dự án, năng lực của chủ đầu tư, UBND Thành phố đã xem xét, chỉ đạo thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư (điển hình là dự án Chợ - Trung tâm thương mại Ngã Tư Sở).
 
Đặc biệt, tình trạng khiếu kiện, khiếu nại, tập trung đông người của các hộ kinh doanh xảy ra ở hầu hết các dự án dự kiến xây dựng theo mô hình hỗn hợp chợ - trung tâm thương mại trên nền đất chợ cũ, nguyên nhân chủ yếu là hộ kinh doanh không thống nhất đầu tư xây dựng chợ theo mô hình chợ - trung tâm thương mại (chợ Nghĩa Tân, chợ Cầu Diễn). Qua xem xét, UBND Thành phố cũng đã thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của Công ty Cổ phần Thương mại Cầu Giấy (chủ đầu tư dự án Chợ - Trung tâm thương mại Nghĩa Tân).

Một vấn đề hết sức quan trọng nhưng không hiểu vì vướng mắc gì vẫn chưa thực hiện được, đó là mẫu chợ - trung tâm thương mại. Hiện tại, các công trình chợ - trung tâm thương mại được đầu tư xây dựng theo hướng bố trí công trình chợ tại tầng hầm, tầng bán hầm của tòa nhà. Trong khi đó, người dân có thói quen mua sắm tại ngay trên xe, “tiện đâu mua đấy”, ngại gửi xe để đi vào chợ…

Được biết, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn thiết kế đối với công trình chợ kết hợp với các loại hình dịch vụ khác, nhưng đến nay Bộ Xây dựng vẫn chưa có ý kiến trả lời.

Ảnh minh họa

Việc thu hồi lại một số dự án Chợ - trung tâm thương mại là cơ hội để người dân giữ lại chợ truyền thống

Thu hồi dự án: cơ hội giữ lại chợ dân sinh

Theo đánh giá của Thành phố, ngoài tình trạng chợ cóc, hàng rong… làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh tại mô hình chợ - trung tâm thương mại, mô hình này còn bị ảnh hưởng của suy giảm kinh tế trong các năm gần đây. Người dân thắt chặt chi tiêu, hạn chế mua sắm, dẫn đến hiệu quả hoạt động của trung tâm thương mại bị suy giảm, doanh nghiệp không huy động được nguồn vốn đầu tư, thời gian quay vòng vốn kéo dài... khiến chiến lược phát triển thị trường của doanh nghiệp bị thay đổi, Thành phố khó khăn trong việc kêu gọi doanh nghiệp tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại đồng bộ…

Thêm vào đó, trong thời gian gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều các chuỗi cửa hàng tiện ích, có ưu điểm vượt trội so với chợ, trung tâm thương mại, siêu thị. Với mô hình nhỏ gọn (phần lớn các cửa hàng chỉ có diện tích chỉ từ 30 đến 50m2, có từ 2 - 3 nhân viên), cung cấp các mặt hàng thiết yếu, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được niêm yết giá, bán với giá niêm yết, phương thức thanh toán nhanh chóng, cửa hàng tiện ích ngày càng phát huy được thế mạnh, mật độ phủ ngày càng dày và rộng, len lỏi vào các khu dân cư, trở thành địa điểm mua sắm lý tưởng của người dân, trực tiếp cạnh tranh với loại hình chợ, TTTM, siêu thị.

“Trong thời gian tới, thị trường bán lẻ Thành phố sẽ còn sôi động hơn nữa với sự xuất hiện ngày càng nhiều các thương hiệu chuỗi cửa hàng tiện ích lớn của Việt Nam (G7) cũng như của nước ngoài (Circle K, Family Mart, B’s Mart…) hiệu quả hoạt động của chợ, TTTM, siêu thị sẽ còn tiếp tục bị ảnh hưởng suy giảm đáng kể.” - Báo cáo của UBND Thành phố tại kỳ họp HĐND đưa ra nhận định.

Trước thực tế trên, UBND Thành phố cho biết, đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận nơi có dự án chợ - trung tâm thương mại tiến hành kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện dự án, đối chiếu với quyết định trúng thầu, giấy chứng nhận đầu tư, xem xét lại năng lực tài chính của chủ đầu tư, đề nghị chủ đầu tư cân nhắc lại quy mô thiết kế thích hợp căn cứ tiêu chuẩn thiết kế chợ để đề xuất UBND Thành phố xem xét, quyết định.

“Trường hợp cần thiết sẽ thực hiện thủ tục thu hồi dự án theo quy định của pháp luật đối với các dự án không đảm bảo tiến độ, hiệu quả và tính khả thi của dự án trong điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay, giao cho chính quyền địa phương tiếp tục quản lý, sử dụng làm chợ dân sinh" - Báo cáo của Thành phố cho biết.

Như vậy, đối với nhà đầu tư, đây có thể là một tin không lấy gì làm vui, nhưng với người dân, thực tế này có thể lại là cơ hội để giữ lại chợ dân sinh. Tuy nhiên, để chợ vẫn phục vụ tốt nhu cầu của bà con, vừa giữ được văn minh, vệ sinh môi trường, chắc chắn Thành phố phải có những cơ chế để các chợ này được cải tạo lại với nguồn kinh phí phù hợp.

2 công trình đã hoàn thành đầu tư xây dựng nhưng chưa đưa vào hoạt động là Trung tâm thương mại – chợ Mơ, số 459C, phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng và Trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và chợ Trung Hòa, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.

3 công trình đang triển khai là dự án Trung tâm thương mại – chợ Trương Định, số 461 phố Trương Định, quận Hoàng Mai; Dự án Chợ - trung tâm thương mại Thành Công, phường Thành Công B, quận Ba Đình và Dự án Chợ - trung tâm thương mại, dịch vụ Khương Đình, số 365 phố Khương Trung, quận Thanh Xuân.

2 công trình đã thu hồi giấy phép đầu tư là Trung tâm thương mại – chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng) và Chợ – trung tâm thương mại Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy).

1 công trình đang làm thủ tục thu hồi giấy phép đầu tư là Chợ – trung tâm thương mại Ngã Tư Sở (quận Đống Đa).

6 công trình chưa triển khai bao gồm dự án Trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, văn phòng cho thuê Xuân La, phường Xuân La, quận Tây Hồ; Dự án Chợ - trung tâm thương mại Đuôi Cá, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai; Dự án Chợ - trung tâm thương mại, dịch vụ Thượng Đình, số 132 phố Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân; Dự án Chợ - trung tâm thương mại Châu Long, số 3, phố Nguyễn Trường Tộ, quận Ba Đình; Dự án Chợ - Trung tâm thương mại Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm; Dự án Chợ - Trung tâm thương mại Nhổn, quận Bắc Từ Liêm.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc