"Ngành dầu khí nên lập đội tàu biển mô hình “taxi”"

18:16, 22/05/2014
|

(VnMedia) - Để ngư dân an tâm bám biển, vừa khai thác được kinh tế vừa bảo vệ được chủ quyền, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đề nghị “chuyển” số tiền 35.000 tỷ tiết kiệm từ các dự án giao thông để làm đội tàu…


 Ảnh minh họa

 Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân

 

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội sáng 22/5, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh) đã nêu lên một số phương án hỗ trợ ngư dân bám biển, vừa đảm bảo hoạt động kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

 

- Thưa ông, ý kiến của ông như thế nào về các kế hoạch hỗ trợ vốn cho ngư dân đóng tàu đi biển?

 

Hiện nay có cơ chế ngân hàng hỗ trợ vốn cho ngư dân mua tàu, nhưng tỷ lệ thành công sẽ rất nhỏ vì vay được vốn phải có tài sản thế chấp, người ngư dân bám biển lỡ rủi ro xảy ra thì tiền đâu để trả? Ngư dân hiện nay với quyết tâm chính trị rất lớn, sẵn sàng chấp nhận rủi ro để ra biển nhưng không có tiền.

 

Phương án lấy đầu tư công để đầu tư cho đội tàu, tôi thấy rất tích cực. Ngoài ra có một phương án thứ 2, ngoài việc lấy những khoản mà Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã tiết kiệm được (35.000 tỷ- pv) chuyển qua đầu tư đội tàu, ngành dầu khí phải có trách nhiệm với ngư dân. Bởi ngư dân bám biển thì tạo điều kiện bình yên cho ngành dầu khí khai thác, nên ngành này nên có nguồn tiền để đầu tư cho họ.

 

- Nhưng khoản tiền mà Bộ trưởng Đinh La Thăng tiết kiệm được thực ra chỉ là tiền trên giấy chứ không có trong tài khoản, làm sao thực hiện được, thưa ông?

 

Vấn đề là Quốc hội đã dành kinh phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng thì khi tiết kiệm cái này, nguồn kinh phí đó vẫn còn lại ở ngân sách. Ta lấy nguồn ngân sách đó để đầu tư. Tôi vẫn ủng hộ lần này Quốc hội có một Nghị quyết dành cho ngư dân, vừa đảm bảo về kinh tế, vừa tăng cường lực lượng bám biển để tăng cường quốc phòng.

 

Phương án thứ 3 là ngành Dầu khí thay vì thành lập các đội xe taxi thì thành lập các đội tàu. Đó là 3 phương án đêm qua tôi suy nghĩ.

 

- Ông đánh giá như thế nào về gói hỗ trợ ngư dân của Ngân hàng Nhà nước?

 

Ngân hàng Nhà nước có đưa ra gói hỗ trợ ngư dân và đây là quyết tâm rất cao của Ngân hàng Nhà nước để chia sẻ với ngư dân, nhưng theo tôi lãi suất phải thấp hơn nữa, có thể ở mức 3%. Ngoài ra, thời gian cho vay cũng phải dài hơn nữa. Lượng tiếp cận, tôi vẫn nghĩ rất nhỏ bởi như tôi đã nói, vay là phải có tài sản thế chấp, phải hạn chế được rủi ro. Cho nên đầu tư công phải hướng vào đây. Không thể chỉ lo cho đường bộ mà phải lo cả đường thủy. Thời gian vừa qua đầu tư công chỉ dành cho đường bộ, trong khi ngư dân chưa được hưởng lợi từ đầu tư công. Đây là thời điểm quan trọng nhất.

 

- Vậy theo ông, khi thực hiện nên tập trung vào khâu nào là chủ yếu?


Theo tôi, nên đóng tàu cho ngư dân đánh bắt. Bắt được nhiều thì chia nhiều, như tài xế taxi. Như vậy mình tổ chức quản lý làm sao để có thể bảo dưỡng được nguồn tàu đó, nhưng trước mắt phải có một nguồn tiền để tạo dựng đội tàu này. Tuy nhiên, đó mới là một ý kiến cá nhân của tôi trong vấn đề suy nghĩ về biển.

 

- Trong tình hình rất căng thẳng trên biển Đông hiện nay, theo ông chúng ta nên hành động như thế nào?

 

Trước hết phải xác định đây là vấn đề khó khăn và lâu dài, do đó phải bình tĩnh và sáng suốt. Điểm đầu tiên là phải có sự đồng thuận, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Bởi vì lịch sử đã chứng minh, có thời gian ta đã ở vào thế “ngàn cân treo sợi tóc” mà chúng ta còn vượt qua, thì không có cớ gì khi hiện nay thế và lực đã lên rất nhiều, chúng ta lại không thể thành công được.

 

Điểm thứ 2 là phải sử dụng giải pháp đồng bộ và toàn diện, nhất là ưu tiên cho vấn đề chính trị, ngoại giao, rồi đối ngoại, rồi truyền thông và vận động các tổ chức quốc tế ủng hộ chúng ta.

 

Thứ 3 là phải tiếp tục tăng cường các lực lượng chức năng ở trên biển, cụ thể như lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư… để chúng ta không chỉ đề nghị Trung Quốc chuyển giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam mà còn ngăn chặn các tàu cá của Trung Quốc đang khai thác trái với luật biển.

 

Giải pháp tiếp theo là trong khi ngăn chặn các hành vi trái pháp luật như vừa qua đã xảy ra thì chúng ta cũng phải nuôi dưỡng, hâm nóng tinh thần yêu nước, phải liên tục tổ chức mít tinh có tổ chức và vận động người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tổ chức mít tinh để chúng ta có một làn sóng ủng hộ Việt Nam, gây sức ép lên Trung Quốc. Chúng ta phải tuyên truyền chính thống cho người dân hiểu và hành động thống nhất, đồng bộ theo sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

 

Điều quan trọng nữa là lòng dân. Lòng dân yên thì chúng ta có một sự đồng thuận lớn. Nhưng muốn lòng dân yên được, chúng ta phải giải quyết các bức xúc của cử tri. Kiến nghị mà Chủ tịch Mặt trận tổ quốc đọc tại Quốc hội rất hay, nó tổng quát và bao quát. Khi Chính phủ giải quyết nhanh những kiến nghị, bức xúc của người dân thì chúng ta thêm được sự đồng thuận của lòng dân, sức dân. Lòng dân và sức dân mạnh mẽ thì chúng ta sẽ giành chiến thắng.


Ngọc Quỳnh - (bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc