Luật Bảo hiểm y tế: Người dân bị “bắt buộc” quá nhiều

06:59, 23/05/2014
|

(VnMedia) - Người dân phải đóng bảo hiểm y tế bắt buộc, khám chữa bệnh ở những bệnh viện bắt buộc, uống những loại thuốc bắt buộc..., trong khi “chúng ta” không phải bị bắt buộc điều gì… là ý kiến của đại biểu tỉnh Đắk Nông về dự thảo Luật Bảo hiểm y tế….
 
Góp phần vào việc hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế tại Quốc hội ngày 22/5, nhiều đại biểu tỏ ý băn khoăn về việc tính khả thi của việc bắt buộc toàn dân mua bảo hiểm y tế cũng như những quy định xung quanh việc khám bệnh trái tuyến, vượt tuyến.
 
Nhiều bắt buộc, nhiều bất cập

Phát biểu góp ý cho dự thảo luật trong buổi thảo luận tại hội trường, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh - Đắk Nông cho biết “đã hơn một lần hoàn toàn thống nhất với quy định bảo hiểm y tế bắt buộc đối với mọi đối tượng ở dự thảo Luật” vì nó có ý nghĩa nhân văn to lớn, chia sẻ trách nhiệm trong cả cộng đồng.
 
Tuy nhiên, băn khoăn về tính khả thi, tính thuyết phục của dự thảo Luật, đại biểu tỉnh Đắk Nông đặt câu hỏi: “Sao có thể cứ bắt buộc toàn dân phải tham gia bảo hiểm y tế trong khi công tác này còn nhiều bất cập lớn, chưa đưa ra được giải quyết có tính chiến lược, dứt điểm để tạo điều kiện tiền đề cho bảo hiểm y tế toàn dân?
 
Bất cập đầu tiên được đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh đưa ra là việc đóng và hưởng bảo hiểm y tế, về vấn đề thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với bệnh nhân tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến.
 
Theo đại biểu này thì quyền của người có thẻ bảo hiểm y tế khi mức đóng bảo hiểm y tế như nhau, tức là phải được hưởng dịch vụ y tế không chênh lệch nhiều.
 
“Chúng ta sẽ không ủng hộ cho việc khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến, nhưng không thể chối bỏ được một thực tế rằng không mấy đối tượng muốn đi khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến làm gì. Số đông người bệnh khi phải đi khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến vì nhiều lý do, trong đó có lý do chính đáng như chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu.” - đại biểu tỉnh Đắk Nông nói.
 
Theo đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh, hiện nay các bệnh viện ở Việt Nam chưa đồng đều về trình độ chuyên môn kỹ thuật y tế, nếu bỏ quy định về tuyến vào thời điểm này sẽ làm tăng đột biến số lượng người dân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương, cũng như tăng thêm tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên.
 
Tuy nhiên, đại biểu Hạnh cũng khẳng định, khi các bệnh viện ở Việt Nam chưa đồng đều về trình độ chuyên môn kỹ thuật y tế thì việc người bệnh đi khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến là quá hợp lý và không nên hạn chế.
 
“Nếu nhìn nhận vào thực tế là chẳng mấy ai muốn khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến, nhìn vào nỗi trần ai người dân phải chịu đựng khi khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trên bị quá tải, chúng ta xác định rằng, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên phần lớn phải thuộc về các cơ quan có trách nhiệm giải quyết, chịu trách nhiệm. Đó là vì chưa tạo được độ tin cậy về việc khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến dưới, chưa rút ngắn được khoảng cách về trình độ chuyên môn, kỹ thuật y tế của các bệnh viện tuyến bệnh viện.” - đại biểu Hạnh nói.
 
Thẳng thắn cho rằng cần phải nhìn thẳng vào các bất cập trên bởi đó chính là các rào cản để thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.
 
Theo bà, một dự án luật sửa đổi, bổ sung mang tính nhân văn to lớn mà việc thực hiện chủ yếu dựa vào sự tự nguyện mà có nhiều điều bắt buộc là không hợp lý.
 
“Đóng bảo hiểm y tế bắt buộc, khám chữa bệnh ở những bệnh viện bắt buộc, uống những loại thuốc bắt buộc... Trong cùng một bệnh viện, khi cùng một loại bệnh thì người đóng bảo hiểm y tế chỉ được dùng thuốc có quy định của bảo hiểm y tế, còn bệnh nhân khác thì bệnh viện cho uống loại thuốc khác.” - đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh dẫn chứng.

Ảnh minh họa

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh phát biểu tại Nghị trường ngày 22/5


 
Nên bỏ quy định khám chữa bệnh theo tuyến

Góp ý sửa đổi, bổ sung cụ thể một số vấn đề cấp thiết, đại biểu tỉnh Đắk Nông đề xuất, trước tiên phải chấp nhận bỏ quy định về tuyến khám, chữa bệnh để thực hiện cho được chủ trương bảo hiểm y tế toàn dân.
 
Đối với các bất cập về chất lượng khám, chữa bệnh quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, theo đại biểu Hạnh, bắt buộc phải khắc phục sớm nhất.
 
“Chúng ta bắt buộc phải thực hiện vấn đề này trước khi bắt buộc mọi người dân tham gia bảo hiểm y tế, chứ chúng ta cứ bắt buộc người dân trong khi chúng ta không phải bị bắt buộc điều gì, chắc chắn rằng khi bỏ quy định này thì việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân sẽ được sự tham gia của toàn xã hội mà không cần phải bắt buộc nữa. Khi chất lượng của việc khám, chữa bệnh của các bệnh viện tuyến dưới đáp ứng được yêu cầu cũng chẳng ai muốn vượt tuyến, trái tuyến, trừ khi bệnh viện chuyển tuyến. Phải đưa ra các chế tài đủ nghiêm khắc cho người không tham gia bảo hiểm y tế, các chế tài cho các cá nhân, đơn vị vi phạm Luật bảo hiểm y tế. Để đảm bảo tính khả thi của luật phải ngăn chặn, chấm dứt ngay vấn đề y đức.” - đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh thẳng thắn đề nghị.
 
Đồng  tình với quan điểm này, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng, để thực hiện được các quy định về đăng ký khám chữa bệnh ban đầu cũng như khám trái tuyến, vượt tuyến, đòi hỏi các bệnh viện phải tự nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh hơn nữa, nhằm thu hút và đáp ứng yêu cầu của người bệnh.
 
Trong khi đó, đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai) cũng đề nghị nhà nước cần quan tâm đầu tư trở lại cho địa phương nghèo để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn để người dân tham gia bảo hiểm y tế được tiếp cận và hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao trong việc khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, giảm bớt sự quá tải cho tuyến trên và đảm bảo sự công bằng cho người dân tham gia bảo hiểm y tế.
 
Về vấn đề này, đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cũng cho biết, người dân tham gia bảo hiểm y tế vẫn chưa đồng tình với những quy định về việc thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với bệnh nhân tự đi khám, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến và cho đây là rào cản trong việc người dân tự chọn khám chữa bệnh khi tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc.
 
Theo đó, tuyến huyện và xã thì trình độ chuyên môn, dịch vụ y tế thấp, miền núi vùng xa hải đảo thì càng khó khăn hơn. Những căn bệnh cần phải chuyển lên tuyến trên thì thủ tục còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân, thậm chí còn bảo thủ nghề nghiệp, để bệnh nhân thật nặng mới chuyển lên tuyến trên, làm phiền hà, khó khăn cho người dân.
 
Đại biểu tỉnh Bình Thuận đề nghị Chính phủ cần có lộ trình đầu tư mọi nguồn lực cho y tế tuyến cơ sở để không còn tình trạng khám, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến như hiện nay và “đó là trách nhiệm của nhà nước trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân”.
 


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc