Không thể thả lỏng giá thuốc cho thị trường

07:12, 18/05/2014
|

(VnMedia) - Tờ trình của Chính phủ về Luật Dược quy định quản lý giá thuốc hoàn toàn theo cơ chế thị trường, tuy nhiên, Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, vẫn cần có sự điều tiết của Nhà nước để bảo đảm quyền lợi của người dân...

Phải điều tiết giá thuốc để đảm bảo quyền lợi người dân

Thẩm tra sơ bộ của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dược về vấn đề quản lý nhà nước về giá thuốc cho thấy, có 2 loại ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Theo đó, loại ý kiến thứ nhất cho rằng cần quy định rõ quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, nhưng có sự điều tiết của Nhà nước để bảo đảm quyền lợi của người dân cũng như quyền lợi của các bên liên quan, nhất là với các loại thuốc thiết yếu, phù hợp với nguyên tắc của Luật giá.

Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai tán thành với Tờ trình của Chính phủ, quy định quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường để bảo đảm quyền lợi các bên, tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp dược và thị trường dược, tạo điều kiện cho người Việt Nam được hưởng các loại thuốc tiên tiến, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe.

Còn theo Ủy ban các vấn đề xã hội, việc quản lý giá thuốc trong Luật dược phải phù hợp với Điều 5 về nguyên tắc quản lý giá của Luật giá, đó là, theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, do mặt hàng thuốc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, phải đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước, đó là Nhà nước sẽ tham gia điều tiết để bình ổn giá thuốc khi có biến động về giá đối với thuốc phòng bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục thuốc thiết yếu; định giá đối với hàng dự trữ quốc gia, sản phẩm sử dụng ngân sách Nhà nước (theo quy định tại Chương III của Luật giá); có chính sách hỗ trợ đối với thuốc y học cổ truyền dân tộc, thuốc cung ứng cho các vùng khó khăn, thuốc chữa trị một số bệnh xã hội; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác quản lý giá thuốc.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội nhất trí với loại ý kiến thứ nhất, trên cơ sở những nguyên tắc quy định tại Luật giá, dự thảo Luật sẽ cụ thể hóa trong lĩnh vực dược cho phù hợp.

Ảnh minh họa

Cần quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, nhưng có sự điều tiết của Nhà nước để bảo đảm quyền lợi của người dân


Quản lý giá thuốc: Bộ Y tế hay Bộ Tài chính?

Về cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước (QLNN) về giá thuốc, cũng có 2 loại ý kiến khác nhau. Theo đó, loại ý kiến thứ nhất đề nghị giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện QLNN về giá thuốc (như quy định của Luật dược hiện hành), nhưng quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Công thương trong việc phối hợp quản lý giá thuốc.

Còn loại ý kiến thứ hai nhất trí với dự thảo Luật quy định Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng QLNN trong lĩnh vực giá. Bộ Y tế chỉ chịu trách nhiệm quản lý chuyên ngành về giá thuốc.

Theo Thường trực Ủy ban, hiện nay, Bộ Y tế được phân công chủ trì thực hiện QLNN về giá thuốc, các bộ khác tham gia theo trách nhiệm được phân công. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có những vướng mắc nên vẫn còn những ý kiến khác nhau về việc thực hiện trách nhiệm này.

Còn dự thảo Luật giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng QLNN trong lĩnh vực giá, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện phương pháp xác định giá thuốc và Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý chuyên ngành về giá thuốc nhưng chưa quy định rõ Bộ Tài chính hay Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện QLNN về giá thuốc và chịu trách nhiệm cuối cùng đối với vấn đề giá thuốc.

Hiện nay, tại Việt Nam đang lưu hành trên 1.500 hoạt chất khác nhau, mỗi hoạt chất có rất nhiều chủng loại, hàm lượng, quy cách đóng gói thuốc… với khoảng 25.000 mặt hàng thuốc trên thị trường; việc quản lý giá đối với số lượng mặt hàng thuốc lớn như vậy, nếu không có kiến thức chuyên ngành sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian vừa qua, một số Luật chuyên ngành, nội dung QLNN về giá sản phẩm, dịch vụ chuyên ngành được giao cho bộ quản lý chuyên ngành chủ trì .

Thường trực Ủy ban nhất trí với loại ý kiến thứ nhất và đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ liên quan, quan hệ trong quản lý Nhà nước về vấn đề giá thuốc giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính, quy định rõ khái niệm quản lý chuyên môn về giá thuốc để xác định trách nhiệm của các bộ khi có sự biến động về giá thuốc.

Về việc bỏ quy định giá thuốc ở Việt Nam không cao hơn giá thuốc tại các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự như Việt Nam, loại ý kiến thứ nhất đề nghị giữ như quy định hiện hành (bảo đảm giá thuốc không cao hơn giá thuốc tại các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự như Việt Nam). Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai nhất trí tờ trình của Chính phủ trình bỏ quy định trên.

Theo Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội, quy định như Luật dược hiện hành mang tính tuyên ngôn về chính trị và xã hội để tuyên bố với nhân dân về định hướng của Nhà nước là bảo đảm để người dân Việt Nam được hưởng quyền lợi tương đối bình đẳng so với các quốc gia khác, một số nước cũng quy định mang tính nguyên tắc đối với vấn đề này. Tuy nhiên, trên thực tế quy định này không thực hiện được, do đó, nếu giữ quy định này trong dự thảo Luật thì cũng chỉ nhằm mục đích khuyến khích cơ quan QLNN thực hiện để tham khảo đối với công tác QLNN về giá thuốc.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc