Đường ống nước Sông Đà: 6 lần vỡ vẫn chưa rõ nguyên nhân

19:00, 06/05/2014
|

(VnMedia) - Khi thi công tuyến ống dẫn nước sông Đà về Hà Nội, công ty Vinaconex đã không xử lý nền đất yếu và hiện nay, dù đã 6 lần vỡ đường ống nhưng các cơ quan liên quan vẫn chưa kết luận được nguyên nhân, cách xử lý cũng như trách nhiệm...

Ảnh minh họa

Đường ống nước sông Đà đã bị vỡ 6 lần nhưng chưa tìm ra nguyên nhân


Chiều 6/5, tại hội nghị giao ban Thành ủy, Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty nước sạch Hà Nội và Công ty nước sạch Vinaconex đã có phiên trao đổi với các nhà báo về những vấn đề xung quanh sự cố 6 lần vỡ đường ống dẫn nước sạch.

Xử lý sự cố đã nhanh gấp hơn 6 lần

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex cho biết, Dự án Nhà máy nước sạch Vinaconex  của công ty Viwasupco lấy nguồn từ nước mặt sông Đà và từ năm 2012 đến nay, đã có 6 lần xảy ra sự cố vỡ đường ống nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân Thủ đô.

Tuyến ống dẫn nước sạch từ Hòa Bình về Hà Nội là tuyến ống độc đạo dài 47km, trải dài qua các vùng đất có địa chất phức tạp nên khi có sự cố xảy ra hoặc công tác bảo dưỡng sửa chữa định kỳ khó tránh khỏi việc bị gián đoạn cấp nước tạm thời.” – ông Tốn thừa nhận.

Cũng theo ông Tốn, ngay sau đợt sự cố đầu tiên, Tổng công ty cổ phần Vinaconex đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý sự cố nhanh gồm lãnh đạo Tổng Công ty, các công ty thành viên.  Công ty Viwasupco cũng đã thành lập đội phản ứng nhanh các sự cố và quy trình xử lý nhanh sự cố tuyến ống truyền tải nước sạch Sông Đà - Hà Nội, chuẩn bị máy móc, thiết bị, vật tư cần thiết túc trực 24/24 giờ để ứng  phó kịp thời các trường hợp sự cố xảy ra. Nhờ vậy, thời gian khắc phục sự cố đã giảm đáng kể xuống chỉ còn 11 giờ, trong khi đó, lần đầu tiên xảy ra sự cố đã phải mất 72 giờ để xử lý sự cố, các lần sau giảm dần xuống từ 30, 18 rồi đến 11 giờ.

Sau sự cố tuyến ống truyền tải lần 1, Công ty đã tăng cường công tác kiểm tra và giám sát áp lực 24/24. Với hệ thống giám sát datalogue qua mạng kiểm soát lưu lượng, áp lực liên tục 24/24 đồng thời có chức năng cảnh báo đối với lãnh đạo, cán bộ công nhân viên có dữ liệu bất thường. Đội quản lý bể chứa và tuyến ống được chia thành 4 tổ đi tuần liên tục trên ống để bảo vệ hành lang tuyến ống, phát hiện các đơn vị thi công ảnh hưởng tới khả năng làm việc của ống, như như phát hiện các điểm rò rỉ sự cố đối với tuyến ống truyền tải….

Ông Tốn cho biết, hiện công ty đang hoàn tất các thủ tục đầu tư để sớm triển khai dự án giai đoạn II, đặc biệt là tuyến ống truyền tải thứ 2 với vật liệu có tính chất cơ lý phù hợp với địa chất phức tạp.

Chưa rõ nguyên nhân, chưa rõ giải pháp và chưa rõ trách nhiệm

Một vấn đề được hầu hết các phóng viên tham dự phiên họp quan tâm thắc mắc, đó là nguyên nhân dẫn đến các sự cố vỡ đường ống nước. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex cho biết,  hiện nay, Bộ Xây dựng đang chỉ đạo Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng chủ trì tiến hành kiểm tra đề có kết luận về nguyên nhân sự cố. Phối hợp với Cục Giám định còn có Viện vật liệu xây dựng và Viện khoa học kỹ thuật xây dựng cùng các đơn vị có liên quan của Vinaconex.

Các đơn vị hiện đang tích cực rà soát toàn bộ hệ thống bản vẽ thiết kế kỹ thuật thi công, số liệu khảo sát địa chất công trình, quy trình nghiệm thu chạy thử… và sắp tới sẽ tiến hành đào thám sát một số vị trí trên tuyến ống để đánh giá nguyên nhân sự cố. Hiện nay Vianaconex đang hết sức tích cực hợp tác chặt chẽ với Cục Giám định, Viện Vật liệu xây dựng và Viện Khoa học Kỹ thuật xây dựng cùng các đơn vị có liên quan để cung cấp hồ sơ tài liệu, cung cấp thiết bị và nhân công với mong muốn sớm tìm ra nguyên nhân để có biện pháp khắc phục mang tính lâu dài, chủ động, đảm bảo cung cấp nước ổn định lâu dài.” – ông Tốn cho biết.

Tham gia giải trình thêm về các sự cố, ông Hoàng Thế Trung, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án nước sạch Sông Đà cho biết: “Ngay từ khi chuẩn bị đầu tư và suốt cả quá trình thi công, chúng tôi luôn tuân thủ tất cả các quy định”. Giải thích về lý do tại sao không xử lý nền đất yếu trước khi thi công đường ống, ông Trung cho biết, đó là vì khi thi công đường ống cùng với thời điểm thi công đường Láng - Hòa Lạc, và việc xử lý nền đất đã được thực hiện trong quá trình thi công đường.

Để thiết kế bản vẽ thi công cho lắp đặt ống qua các đoạn có nền đất yếu, chúng tôi đã thuê thiết kế, thẩm tra… trong quá trình thực  hiện đã có giải pháp xử lý lắp đặt phù hợp với nền đất yếu. Đối với tuyến ống thông thường có chiều dài 12m, nhưng chúng tôi đã dùng các đoạn ống ngắn hơn từ 2-6m để sử dụng độ lệch trục cho phép của ống có mối nối 2 gioăng, các ống ngắn làm mềm hóa tự động. Các đoạn nền đất  yếu, khi chúng tôi thi công thì đường Láng - Hòa Lạc có đoạn chưa thi công, có đoạn đang thi công, chúng tôi không thể chờ hoàn toàn ổn định mới làm.” – ông Trung nói .

Về ý kiến cho rằng Công ty đã bỏ qua những khuyến cáo về việc dùng loại đường ống không phù hợp, ông Trung cho biết, "đến bây giờ mới nghe thấy nói là có các khuyến cáo chứ trước đó chưa nhận được một kiến nghị nào bằng văn bản."

Trả lời về câu hỏi của phóng viên rằng tại sao cho đến nay, sau 6 lần vỡ đường ống và đã 2 năm kể từ lần vỡ đầu tiên nhưng vẫn chưa xác định được nguyên nhân cũng như trách nhiệm để xảy ra sự cố đó, ông Trung nói: “Hiện tôi không còn làm nhiệm vụ theo dõi, phụ trách đơn vị cấp nước nhưng vẫn thường xuyên trao đổi. Một dự án lớn có nhiều công đoạn, từng người có nhận thức khác nhau, đưa ra nguyên nhân cảm quan khác nhau, có người nói thi công có vấn đề, có người nói sử dụng ống không phù hợp… Chúng tôi đã hỏi, tranh luận nhưng vẫn chưa tìm thấy nguyên nhân chấp nhận được bởi mỗi người có ý kiến khác nhau. Vì vậy,  chúng tôi mới đề xuất giám định đánh giá nguyên nhân từ thiết kế, vận hành… và đang hy vọng đợt này, với khả năng chuyên nghiệp, trình độ khoa học công nghệ cao, các chuyên gia đầu ngành của 2 viện sẽ giúp chúng tôi thấy rõ nguyên nhân chủ yếu, từ đó biết trách nhiệm nằm ở khâu nào, cá nhân, tổ chức nào chịu trách nhiệm và sẽ xử lý thế nào.”


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc