Đi xe buýt giá cao: Dân phía Tây Hà Nội bị thiệt?

08:48, 27/04/2014
|

(VnMedia) - UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản gửi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giải trình về những chính sách trợ giá xe buýt trên địa bàn Thành phố, trong đó có việc giá vé xe buýt hoạt động tại các huyện khu vực phía Tây Hà Nội có giá cao gấp 3 lần giá vé xe buýt trên địa bàn Hà Nội (cũ).

>>Hà Nội: Giá vé xe buýt có thể tăng mạnh từ 1/5

Theo giải thích của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, giá cước xe buýt hoạt động tại các huyện khu vực phía Tây Hà Nội có giá vé cao gấp 3 lần giá vé xe buýt trên địa bàn Hà Nội (cũ) là do các doanh nghiệp hoạt động vận tải kinh doanh thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, không thuộc mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt do Thành phố trợ giá.

Theo đó, giá vé các tuyến buýt này do các doanh nghiệp vận tải tự quyết định trên cơ sở đảm bảo các chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về kết quả lãi, lỗ và các hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị mình theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, đối với các tuyến buýt thuộc mạng lưới do Thành phố trợ giá, các doanh nghiệp đang thực hiện giá vé theo đúng quy định tại Quyết định của UBND Thành phố về việc phê duyệt phương án giá vé vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, hiện nay, UBND Thành phố cũng đang triển khai các thủ tục để quyết định điều chỉnh giá vé vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá trên địa bàn thành phố Hà Nội cho phù hợp với tình hình thực tế.

Lý giải về việc trợ giá vé xe buýt, báo cáo Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Thành phố Nguyễn Văn Khôi cho biết, với mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân nhằm giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông, UBND Thành phố đã tổ chức xây dựng mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.  Đến nay trên địa bàn Thành phố có 70 tuyến xe buýt, vận hành tập trung trên các tuyến đường trục chính, trung tâm Thành phố, quốc lộ, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, bến xe, nhà ga, sân bay… 

Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, sau khi địa giới hành chính Thủ đô được mở rộng, các tuyến buýt cũng đã được mở rộng phạm vi phục vụ như: Quốc lộ 32, tuyến 20A: Cầu Giấy - Phùng; 20B: Cầu Giấy - Tam hiệp; 20V: Cầu Giấy-Võng Xuyên; Quốc lộ 6: tuyến 57: Mỹ Đình II - Khu công nghiệp An Khánh; tuyến 37: Bến xe Giáp Bát - Trúc Sơn…

Ảnh minh họa

Giá vé các tuyến buýt này do các doanh nghiệp vận tải tự quyết định
- Ảnh: GĐ&XH


“Nguyện vọng được đi lại bằng xe buýt có trợ giá của nhân dân tại thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa… là chính đáng. Tuy nhiên, việc trợ giá xe buýt tại khu vực này để thực hiện mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân, giảm thiểu ùn tắc giao thông có hiệu quả chưa cao, trong khi đó cân đối ngân sách Thành phố để thực hiện chi trợ giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong bối cảnh nền kinh tế năm 2013, 2014 còn gặp khó khăn, ngân sách Thành phố chưa thể đáp ứng đủ nguồn kinh phí trợ giá để thực hiện mở mới tất cả các tuyến buýt theo nhu cầu của nhân dân.” - Phó Chủ tịch Thành phố Nguyễn Văn Khôi giải thích với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Khôi cũng viện dẫn, ngày 24/5/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 09/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2013. Trong đó, yêu cầu cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết, khắc phục tình trạng chồng chéo, lãng phí, không hiệu quả trong việc triển khai và bố trí kinh phí thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ; không bổ sung các đề án, chương trình, ban hành các chính sách mới hoặc nâng định mức làm tăng chi ngân sách nhà nước khi chưa xác định được nguồn đảm bảo. Vì vậy, việc bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện chi trợ giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt phải tuân thủ theo quy định.

Tuy nhiê, ông Phó Chủ tịch không lý giải tại sao tuyến buýt đi về phía Nam Thành phố như Phú Xuyên (với khoảng cách xấp xỉ 40km) lại đang được trợ giá.

Phó Chủ tịch Thành phố cũng cho biết, để từng bước đap ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, Thành phố Hà Nội đã điều chỉnh, kéo dài các tuyến xe buýt liền kề do Tổng Công ty vận tải Hà Nội đang thực hiện để phục vụ ngay nhu cầu đi lại của nhân dân tại thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa.

Đối với một số tuyến buýt mở mới, Thành phố giao các sở, ngành khảo sát đánh giá kỹ về mật độ dân cư, nhu cầu đi lại của nhân dân, phù hợp với quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, đề xuất danh mục và tổ chức đấu thầu theo quy định của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích, triển khai thực hiện theo lộ trình khả năng cân đối của ngân sách Thành phố. Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải đang tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội.

Liên quan đến vấn đề vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, UBND Thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu sửa đổi quy định chi tiết của Chính phủ về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt. Theo đó, về biểu đồ vận hành đối với tuyến ngoại thành không khống chế tần suất tối đa là 45 phút/lượt mà để căn cứ thình hình thực tế của địa phương, tần suất sẽ giao địa phương quyết định cho phù hợp với nhu cầu đi lại và khả năng cân đối nguồn vốn.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ xem xét giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tài chính hỗ trợ Thành phố Hà Nội, bố trí vốn từ ngân sách trung ương cho ngân sách Thành phố để thực hiện cơ chế chính sách đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội, trong đó có đường sắt đô thị.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc