Ô nhiễm môi trường: Câu chuyện "sói" và "cừu"

07:01, 15/11/2013
|

(VnMedia) - Quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xử lý vi phạm của các doanh nghiệp là không vì bảo vệ một con sói mà để ảnh hưởng đến bầy cừu, không vì bảo vệ một doanh nghiệp mà để ảnh hưởng đến hàng triệu người dân… Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Lê Kế Sơn trao đổi với VnMedia.

>>Nhiều vụ vi phạm môi trường lớn có dấu hiệu bảo kê
 
Sáng 14/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc họp báo về kết quả thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực mà Bộ quản lý. Ông Lê Kế Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên VnMedia về vấn đề này.
 
- Thưa ông, mới đây tại Quốc hội, đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) có nêu lên 2 vụ việc vi phạm luật môi trường hết sức nghiêm trọng, đó là vụ Hào Dương và vụ Nicotex Thành Thái, trong đó vụ Hào Dương đã bị xử lý hành chính đến 9 lần nhưng vẫn tái phạm. Xin ông cho biết quan điểm của Bộ về 2 vụ việc này.
 
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Lê Kế Sơn: Đối với vụ Hào Dương, trong thời gian gần đây báo chí đã đưa tin rất nhiều và điều đó có tác động mạnh đến các cơ quan quản lý nhà nước và đến chính công ty Hào Dương. Bản thân tôi đánh giá cao tin tức báo chí đã đưa.
 
Công ty Hào Dương đã ít nhất 9 lần vi phạm và cho đến vừa rồi, C49 Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm môi trường đã bắt quả tang công ty dùng máy bơm công suất lớn xả trộm nước thải ra 2 con sông. Tiếp đó, gần đây nhất, do không làm tốt công tác bảo hộ lao động nên tại công ty đã xảy ra vụ việc 3 công nhân bị chết ngạt trong hầm xử lý nước thải. Đây là những sự việc không thể chấp nhận được.
 
Với Công ty này, UBND TP. Hồ Chí Minh đã xử phạt 340 triệu vào tháng 8/2012, Tổng cục Môi trường cũng đã tổ chức 2 đợt thanh tra vào năm 2010 và 2011. Theo quy định của pháp luật, UBND TP. Hồ Chí Minh là cơ quan quản lý phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của công ty này và UBND TP. Hồ Chí Minh chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc xử lý công ty Hào Dương. Vì vậy, sau khi thanh tra, chúng tôi đã chuyển kết luận thanh tra đó về Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau đó Bộ đề nghị UBND  TP. Hồ Chí Minh xử lý. Gần đây, ngày 4/11, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định đình chỉ công ty này. Việc đình chỉ là phù hợp với Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong thực thi pháp luật về Bảo vệ môi trường.
 
Đối với công ty Nicotex, trong những tháng vừa qua, từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh, huyện và xã và các cơ quan chức năng đã tiến hành rất nhiều hoạt động liên quan đến Nicotex Thành Thái. Bản thân Nicotex Thành Thái cũng đang làm nhiều việc để khắc phục. Tuy nhiên, hậu quả của việc kéo dài cực kỳ nguy hiểm thì không thể xử lý một cách đơn giản.
 
Có 2 điều quan trọng trong chuyện này. Thứ nhất, làm sao đánh giá đúng quy mô, tính chất mức độ của hành vi chôn lấp không đúng quy định thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có các chất bảo vệ thực vật nhóm Clo, là nhóm có thể gây ung thư.
 
Điều thứ 2, trong cuộc họp hôm 8/10/2013 của tổ chức liên ngành do đồng chí Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát môi trường chủ trì, đã có kết luận: Với những thông tin hiện có thì chưa khởi tố được và yêu cầu các cơ quan, trong đó có công an tiếp tục bổ sung tài liệu để xử lý vụ này.

Ảnh minh họa

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Lê Kế Sơn: Không vì bảo vệ một con sói mà làm ảnh hưởng đến bầy cừu - ảnh: Xuân Hưng


 - Những vi phạm đã rất rõ ràng như vậy, theo ông, tại sao hết lần này đến lần khác vẫn xử lý hành chính, để vi phạm kéo dài mà không xử lý hình sự được?
 
Trong luật Bảo vệ Môi trường có quy định những vụ vi phạm nghiêm trọng, gây hậu quả nghiêm trọng… thì xử lý hình sự, nhưng như thế nào là nghiêm trọng thì xét về khoa học và thực tiễn là cực kỳ khó khăn. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm xây dựng thông tư quy định thế nào là nghiêm trọng và thế nào là rất nghiêm trọng.
 
Tuy nhiên, khi tham gia cuộc họp của Bộ Tư pháp, tôi thấy rằng không thể chấp nhận việc lấy định tính này để thay cho định tính kia. Ví dụ: Nghiêm trọng tức là ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và môi trường một cách nghiêm trọng. Đặc biệt nghiêm trọng là ảnh hưởng đến môi trường sinh thái một cách đặc biệt nghiêm trọng. Tức là thay thế định tính này bằng định tính khác rất mơ hồ.
 
Còn nếu quy định các chất cụ thể cũng không đơn giản. Vì vậy, chúng tôi đề nghị áp dụng kinh nghiệm của một số nước, mặc dù rất máy móc, nhưng buộc phải thực hiện, đó là quy định bằng các chỉ tiêu cụ thể trong khi xác định mức độ nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Ảnh minh họa

Thuốc bảo vệ thực vật có chứa chất gây ung thư được chôn lấp trái phép tại công ty Nicotex Thành Thái


- Thưa ông, đại biểu Lê Thị Nga có nói rằng, không thể vì bảo vệ một doanh nghiệp và những lao động của doanh nghiệp đó mà để hàng triệu người dân khác phải chịu hậu quả. Quan điểm của Lãnh đạo Bộ về vấn đề này như thế nào?
 
Chúng tôi ủng hộ quan điểm này. Không thể vì "bảo vệ một con sói mà để ảnh hưởng đến bầy cừu" được.

Bởi vì thế, trong dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường mà Quốc hội sắp thảo luận vào ngày 25/11 tới đây, chúng tôi đề nghị quy định rất rõ trách nhiệm cá nhân. Người đứng đầu các tổ chức quản lý liên quan đến các tổ chức vi phạm phải chịu trách nhiệm. Do đó, các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, các cơ quan liên quan đến sự tồn tại của Nicotex phải chịu trách nhiệm chứ không thể đứng ngoài được.
 
Điều quan trọng thứ hai, đó là trong Luật Dân sự có quy định thời hạn khởi kiện là 2 năm, nghĩa là khi xảy ra sự vụ đó, 2 năm sau nếu không khởi kiện thì hết thời hiệu. Nhưng đối với môi trường, nếu áp dụng điều này thì rất nhiều vụ thoát tội, vì có những hậu quả mà 10 năm, 20 năm sau mới nhận thấy, ví dụ như dioxin. Vì vậy, lần này chúng tôi đề nghị thời hiệu khởi kiện là thời hiệu kể từ khi người bị xâm phạm phát hiện ra mình bị tổn hại, nghĩa là bất cứ khi nào phát hiện ra đều có thể khởi kiện. Đây là điều cực kỳ quan trọng, dùng Luật Bảo vệ Môi trường thay thế cho một chi tiết về thời hiệu trong Luật Dân sự.
 
- Đại biểu quốc hội có nêu lên hiện tượng, một đơn vị có tới 10 đoàn đến thanh tra nhưng vẫn chỉ phát hiện những vi phạm nhỏ và xử phạt nhẹ. Vậy, lãnh đạo Bộ nhận xét như thế nào về hiệu quả của công tác thanh tra kiểm tra và sắp tới, có biện pháp gì để cải thiện công tác này?

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển: Trong những năm qua, công tác thanh tra kiểm tra của Bộ và của ngành đã được tăng cường vì đây là nhiệm vụ trọng tâm, mặc dù còn nhiều bất cập cả về thể chế, điều kiện phương tiện và đội ngũ. Ví dụ, riêng lực lượng thanh tra của ngành từ Trung ương đến địa phương chỉ có 800 người, trải đều cho cả 8 lĩnh vực, trong khi riêng cảnh sát môi trường đã là hơn 2000 người. Đây là một vấn đề rất bất cập và nếu chỉ dựa vào lực lượng thanh tra của ngành thì không thể làm tốt được nhiệm vụ.
 
Về câu hỏi tại sao xử lý hành chính quá nhiều mà không xử lý hình sự, thì trước hết phải khẳng định luật pháp, chính sách của chúng ta còn bất cập. Nhưng cái chính đúng như anh Sơn nói, đó là chúng ta mới chỉ định tính chứ chưa định lượng được để xử lý. Rất khó để phân biệt hành vi đó thuộc khung hành chính hay hình sự.
 
Ngoài ra, xử lý hình sự cũng không thuộc trách nhiệm của Bộ mà phải qua cơ quan điều tra, mà để điều tra một vụ việc đủ chứng cứ xử lý hình sự thì không đơn giản, chứ không phải chúng ta thích xử lý hành chính mà không xử lý hình sự. Những vụ việc chúng tôi thấy cần thiết chuyển cho cơ quan điều tra để có bước điều tra làm rõ, thấy có thể truy tố được thì sẽ truy tố. Phối hợp giữa thanh tra với cơ quan điều tra là rất chặt chẽ.
 
Các đồng chí cũng nên thông cảm với ngành thanh tra, theo Luật thì chúng tôi thanh tra là phải theo chương trình, kế hoạch được thông báo trước. Thời gian, nội dung thanh tra phải được báo trước với doanh nghiệp nên để phát hiện sai phạm mang tính chất phải truy tố là rất khó. Thanh tra chỉ có tác dụng phòng ngừa và răn đe là chính.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc