Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ “siết” phương tiện cá nhân thế nào?

12:05, 26/11/2013
|

(VnMedia) - Ngoài việc kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân theo giờ trong ngày ở các tuyến đường có mật độ cao. Tại 2 thành phố sẽ bố trí các điểm tập kết xe đạp, xe đạp điện cho thuê để người dân sử dụng trong các khu vực nội thành.

>>Năm 2014, hạn chế phương tiện cá nhân trên nhiều tuyến phố

Nhiều năm nay, vấn đề ùn tắc giao thông nội đô tại hai thành phố lớn: Hà Nội và TPHCM luôn là vấn đề nóng và gây bức bối cho lãnh đạo và người dân sống tại 2 thành phố này.

Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, nhờ tiến hành đồng bộ các giải pháp: Đổi giờ học giờ làm, sắp xếp lại các điểm trông giữ xe dưới lòng đường, xây các cầu vượt nhẹ lắp ghép bằng thép tại các ngã tư để chống ùn tắc tại chỗ, tổ chức lại giao thông trên các tuyến phố... tình hình ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TPHCM đã được cải thiện đáng kể.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, các giải pháp trên đều là giải pháp tình thế và chỉ có hiệu quả nhất thời. Bởi với mức độ gia tăng số lượng phương tiện cá nhân chóng mặt như hiện nay, nếu không sớm có biện pháp cụ thể mang tính quy hoạch và đồng bộ hơn thì chắc chắn các điểm ùn tắc nghiêm trọng sẽ nhanh chóng lặp lại trong tương lai không xa.

Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM đang phải đối mặt với tốc độ đô thị hóa nhanh và việc di dân tự do không kiểm soát tại các đô thị cùng với sự gia tăng nhanh chóng số lượng phương tiện cơ giới cá nhân chính là nguy cơ gây ùn tắc giao thông.

Theo thống kê, giai đoạn 2002-2012, tốc độ tăng trưởng phương tiện hàng năm tăng nhanh ở tất cả các thành phố lớn. Tại Hà Nội: xe con tăng bình quân 17,23%/năm, xe gắn máy tăng bình quân 11,02%/năm; tại TPHCM: xe con tăng bình quân 14,88%/năm, xe gắn máy tăng bình quân 9,79%/năm.

 Ảnh minh họa

Cảnh thường thấy trên một số nút giao thông Hà Nội vào giờ cao điểm. Ảnh: Tùng Nguyễn


Hiện số phương tiện cơ giới cá nhân năm 2012 tại Hà Nội là 4.346.860 xe, tại TPHCM là 5.477.902 xe. Trong khi đó, tại Hà Nội, quỹ đất dành cho giao thông chiếm 5,6%÷6% và TPHCM chiếm 4,87%÷5,7% so với quỹ đất xây dựng đô thị và phân bố không đều trên địa bàn thành phố.
 
Trong khi đó, hiện nay, hoạt động vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội và TPHCM mới chỉ đáp ứng từ 9%÷10% nhu cầu đi lại của người dân. Taxi phát triển mạnh nhưng không đồng đều về chất lượng dịch vụ... Đây đều là những nguyên nhân tiềm ẩn gây mất an toàn và ùn tắc giao thông cho khu vực nội đô của 2 thành phố.

Sẽ cấm xe và tổ chức các điểm cho thuê xe đạp phục vụ người dân đi lại

Trước thực trạng này, mới đây, tại Đề án phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn ở Việt Nam vừa trình Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra một số giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn sự tái diễn của vấn nạn ùn tắc giao thông tại hai thành phố Hà Nội và TPHCM đến năm 2015.
 
Theo đó, bắt đầu từ năm 2014, hai thành phố này sẽ thực hiện kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân theo giờ trong ngày tại các khu vực trung tâm đô thị và trên các tuyến giao thông có mật độ cao trong thời gian cao điểm giao thông kết hợp với tăng cường vận tải hành khách công cộng.

Song song với việc làm trên, lãnh đạo hai thành phố sẽ có các cơ chế ưu tiên, khuyến khích đầu tư, bố trí diện tích tập kết phương tiện tại các khu vực quảng trường, công trình công cộng để các nhà đầu tư phát triển dịch vụ, cho thuê xe đạp, xe đạp điện để cho người dân sử dụng đi lại trong các khu vực nội thành, đặc biệt là khu phố cổ, khu vực hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân.

Ngoài ra, theo đề án của Bộ Giao thông, hai thành phố sẽ triển khai thực hiện đúng tiến độ quy hoạch các đề án, dự án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, bao gồm hệ thống BRT của thành phố, bảo đảm vai trò chủ đạo của xe buýt trong hệ thống vận tải hành khách công cộng của thành phố.

Đẩy mạnh đầu tư xây dựng và tổ chức các điểm trung chuyển xe buýt, tạo sự liên kết thuận lợi nhất trong mạng lưới tuyến xe buýt trong thành phố; đảm bảo kết nối thuận lợi dịch vụ xe buýt đến tất cả các nhà ga, bến xe khách liên tỉnh, bến khách đường thuỷ nội địa; tổ chức dịch vụ vận tải gom khách từ các khu vực khó tiếp cận trong nội đô đến trạm dừng, điểm trung chuyển xe buýt.

Đồng thời, tổ chức các điểm trông giữ phương tiện tại các điểm đầu, điểm cuối và các điểm trung chuyển, trạm dừng xe buýt bên ngoài khu vực trung tâm, các nhà ga đường sắt, cảng hàng không; bến khách đường thuỷ nội địa đáp ứng nhu cầu gửi phương tiện cá nhân để sử dụng phương tiện công cộng của người dân.... nhằm hạn chế sự gia tăng của các phương tiện cá nhân trên đường phố.


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc