Thông xe đường Hồ Chí Minh chậm 10 năm

06:57, 31/10/2013
|

(VnMedia) - Do tiến độ bị chậm nên việc thông xe toàn tuyến trên 3000km đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) – Đất Mũi (Cà Mau) sẽ hoàn thành vào năm 2020 thay vì năm 2010 như dự kiến...

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đình La Thăng đọc Tờ trình


Sáng 30/10, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã thay mặt Chính phủ trình Quốc hội về việc điều chỉnh Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh
 
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường về tờ trình cho thấy, giai đoạn 1 của Dự án đến nay đã cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng với tổng chiều dài khoảng 1.350 km, quy mô 2 làn xe. Kết quả thực hiện đã được Hội đồng cấp Nhà nước nghiệm thu năm 2008.
 
Theo báo cáo thẩm tra, việc hoàn thành, đưa vào sử dụng đường Hồ Chí Minh đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) khoảng 1.350 km đã mang lại hiệu quả nhiều mặt, hiệu quả tổng hợp đối với các địa phương nơi Dự án đi qua
 
Tuy nhiên, quá trình thẩm tra cũng cho thấy, mặc dù chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh do Quốc hội quyết định là đúng đắn, song một số mục tiêu nêu trong Nghị quyết 38 chưa thực sự khả thi: Mục tiêu thông tuyến hai làn xe vào năm 2010 với chiều dài toàn tuyến là 3.167 km đi qua 30 tỉnh, thành phố suốt chiều dài đất nước với các địa hình phức tạp, chưa có điều tra khảo sát đầy đủ và chưa xác định rõ nguồn vốn là không thể thực hiện được. Yêu cầu nâng cấp tuyến đường theo tiêu chuẩn đường cao tốc trong giai đoạn 2010 -2020 cũng chưa phù hợp.

Ảnh minh họa

Đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận tỉnh Nghệ An - ảnh: TTXVN


 
Tăng chiều dài toàn tuyến, kéo dài thời gian hoàn thành
 
Xuất phát từ thực tế qua 9 năm thực hiện Nghị quyết, có một số thông số kỹ thuật trong Nghị quyết 38 chưa thực sự phù hợp với thực tế và với khả năng thực hiện; tiến độ thực hiện Dự án chậm do khả năng bố trí nguồn vốn… Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với sự cần thiết ban hành một Nghị quyết mới về việc thực hiện Dự án, nhưng không phải là Nghị quyết thay thế Nghị quyết 38 mà đề nghị là “Nghị quyết về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư  xây dựng đường Hồ Chí Minh”.
 
Theo đó, điều chỉnh một số thông số cơ bản của Dự án như sau:Hoàn thành nâng cấp đoạn qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14) vào năm 2016; thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) – Đất Mũi (Cà Mau) với tổng chiều dài 3183 km (Tuyến chính dài 2499 km và nhánh Tây là 684 km) với quy mô 2 làn xe vào năm 2020. Mặt cắt ngang đường được quy hoạch theo từng đoạn với quy mô từ 2 đến 6 làn xe.
 
Việc nâng cấp các đoạn, tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc thực hiện sau năm 2020 và phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam.
 
Nguồn vốn đầu tư để thông toàn tuyến sẽ được bố trí từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ khoảng 24.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn từ 2014 - 2016 khoảng 10.000 tỷ đồng và giai đoạn 2016 -2020 khoảng 14.000 tỷ đồng và huy động theo hình thức BT, BOT và nguồn vốn vay ODA cho các đoạn, tuyến còn lại từ các nguồn vốn hợp pháp khác.

Tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội khóa XI, tại Tờ trình số 1581/CP-CN ngày 22/10/2004 Chính phủ đã trình Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án đường Hồ Chí Minh. Ngày 03/12/2004, tại Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XI, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 38/2004/QH11 (Nghị quyết 38) đồng ý về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án đường Hồ Chí Minh.

Căn cứ Nghị quyết 38, từ năm 2005 đến nay, hàng năm Ủy ban KH,CN&MT đều tổ chức đoàn giám sát, khảo sát thực tế một số đoạn, tuyến, làm việc với một số UBND tỉnh, thành phố có Dự án đi qua và gửi báo cáo kết quả giám sát đến Quốc hội tại kỳ họp cuối năm. Kết quả đến nay cho thấy:

- Giai đoạn 1 của Dự án đến nay đã cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng với tổng chiều dài khoảng 1.350 km, quy mô 2 làn xe. Kết quả thực hiện đã được Hội đồng cấp Nhà nước nghiệm thu năm 2008.

- Giai đoạn 2 của Dự án đã được triển khai và phải hoàn thành trong khoảng thời gian từ năm 2007 - 2010. Tuy nhiên, đến quý IV năm 2008 trở đi, các Dự án thành phần thuộc Giai đoạn 2 mới cơ bản được triển khai thi công đồng loạt nên đã không thể hoàn thành theo tiến độ Nghị quyết 38 đề ra. Như vậy, tính đến năm 2013 thì tiến độ thực hiện Dự án ở Giai đoạn 2 (đến năm 2010) đã chậm 3 năm so với yêu cầu thông tuyến 2 làn xe như nêu trong Nghị quyết 38 và nếu hoàn thành vào năm 2020 như Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thì
thời hạn hoàn thành sẽ chậm 10 năm.

- Giai đoạn 3 (từ năm 2010-2020): Theo Nghị quyết 38 đây là giai đoạn nâng cấp đường Hồ Chí Minh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc; những đoạn không thể nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cao tốc thì mở rộng mặt cắt ngang đường phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường bộ.

Hiện nay, các Dự án thuộc giai đoạn này đã được Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phân kỳ đầu tư và xác định một số đoạn, tuyến có chiều dài khoảng 445 km sẽ xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc để thực hiện ngay trong giai đoạn 2012 - 2020. Các đoạn, tuyến khác được quy hoạch đầu tư sau năm 2020 với tổng chiều dài khoảng 1887 km. Tuy nhiên, do giai đoạn thông tuyến 2 làn xe chưa hoàn thành nên Chính phủ chưa trình Quốc hội phương án đầu tư, nâng cấp và dự toán tổng mức đầu tư cho giai đoạn này như yêu cầu nêu trong Nghị quyết 38 để trình Quốc hội.



Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc