Ở nơi hiếm hoi còn sản xuất đèn ông sao truyền thống

19:16, 15/09/2013
|

(VnMedia)- Khi đồ chơi hiện đại xuất hiện tràn lan cũng là lúc buộc phải "ẩn mình" của các đồ chơi truyền thống, dân gian. Nhưng, có một làng quê ở thành Nam vẫn nổi tiếng cả nước với nghề làm đèn ông sao truyền thống...

 Ảnh minh họa

 Một nghệ nhân thế hệ 8x làng Báo Đáp, xã Hồng Quang
(Nam Trực, Nam Định)

Thôn (làng) Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực, Nam Định) lâu nay nổi danh là làng duy nhất ở Việt Nam làm đèn ông sao cho trẻ em mỗi dịp Trung thu. Đây cũng là nơi nổi danh là “làng Bát âm" độc đáo nhất Việt Nam.

Theo sử sách, làng Báo Đáp xưa còn gọi là làng Hóp, là một làng trù phú và là một trong ba làng danh tiếng của tỉnh Nam Định; gồm có Báo Đáp, Vân Chàng, Kiên Lao. Dân làng chủ yếu sống bằng nghề trồng dâu, nuôi tằm và dệt vải.

Vào thời vua Lê - chúa Trịnh, dân làng Hóp đã góp được một số công lao trong việc phụ Lê diệt Trịnh. Năm Cảnh Hưng thứ 15 (Quý mùi - 1763), vua Lê Hiển Tông xuống chiếu đặt tên mới cho làng Hóp là làng Báo Đáp, với ngầm ý trả ơn những nghĩa cử cao đẹp của dân làng Hóp. Ngày nay, làng Báo Đáp là một thôn nằm ở phía đông của xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, cách thành phố Nam Định hơn mười cây số. Thôn Báo Đáp được chia thành 10 xóm, 9 xóm đạo và một xóm lương.

Nghề làm đèn ông sao đã có từ rất lâu đời, có lẽ từ khi đèn ông sao xuất hiện trong đêm rằm trung thu thì cũng là lúc làng Báo Đáp có nghề làm đèn.

Vật liệu làm đèn khá đơn giản, gồm: tre nứa, giấy bóng kính, và xương cây đay làm cán. Công đoạn để sản xuất một chiếc đèn ông sao hoàn toàn thủ công. Bắt đầu từ sườn khung làm bằng tre nứa cột kẽm lại với nhau, sau đó dán giấy bóng kính lên và sau cùng là công đoạn vẽ. Từng công đoạn một, dù nhỏ đến đâu cũng đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì qua đôi bàn tay khéo léo của người dân làng Báo Đáp. Để làm ra những chiếc đèn ông sao thật đẹp thì phải ngâm tre từ rất sớm để nan có đủ độ dẻo, khi chống đèn sẽ căng tròn, không bị gãy.

Đèn ông sao được chia làm 3 loại: loại lớn có đường kính 50cm, loại vừa 40cm và loại nhỏ 30cm. Do kích cỡ khác nhau nên khi chẻ nan, những người thợ phải phân loại rõ ràng.

Làng Báo Đáp có nghề nhuộm, nên người dân mua những giấy bóng kính màu trắng về rồi tự tay ngâm giấy thành màu xanh, đỏ, vàng quen thuộc. Nan tre dùng để tạo vòng tròn quanh ngôi sao cũng được nhuộm màu cẩn thận. Giấy bóng màu được cắt thành những cánh sao đều tăm tắp để sẵn thành từng bó. Người thợ chỉ cần quệt hồ dán lên bộ khung tre thật cẩn thận sao cho vừa khéo mà cánh không bị bong. Đèn sau khi dán, viền cánh xong thì dùng một thanh tre chống căng mặt đèn rồi dựng ở sân phơi cho khô, sau đó mới tháo ra bó thành từng cọc 100 chiếc mang đi bán ở khắp nơi, xuất đi khắp các tỉnh thành trong cả nước, từ miền xuôi đến miền ngược, nhiều nhất là ở Hà Nội và Hải Phòng.

Đã từng có những dự án về cách phát triển nghề làm đèn bằng phương pháp dập khuôn. Nhưng khi đưa vào thực tiễn các sản phẩm này không đáp ứng được điều kiện, bởi theo cách này thì phần khung đèn đều làm bằng nhựa khi dán giấy hầu hết không bám và làm mất thẩm mỹ, chính vì thế tới nay làng vẫn chung thủy theo cách làm đèn thủ công truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Xã, ở tổ 1 làng Báo Đáp cho biết, để chuẩn bị hàng kịp bán cho Trung thu, ngay sau Tết Nguyên Đán là phải bắt tay vào việc. Dù các nguyên liệu làm đèn ông sao chỉ gồm các vật liệu đơn giản, nhưng tất cả đều phải làm bằng tay, vì thế phải làm rất kỳ công. Một người thợ lành nghề, mỗi ngày cũng chỉ có thể hoàn thành được 20 sản phẩm. Vì là đồ làm bằng tay, nên cũng bị ảnh hưởng kha khá của thời tiết. "Khi đã dán giấy bóng kính lên khuôn, dù cẩn thận thì cũng có thể bị nhăn, không căng nếu gặp trời mưa kéo dài", ông Xã chia sẻ.

Cũng theo chia sẻ của nghệ nhân này, trước đây cả làng Báo Đáp cùng làm đèn ông sao để bán vào dịp Trung thu, nhưng hiện nay, số người còn giữ nghề không nhiều nữa. Hiện, chỉ còn hơn 100 hộ gia đình làm. Trung bình một vụ (làm từ Tết Nguyên đán đến tuần đầu tiên của tháng Tám âm lịch thì nghỉ), một hộ gia đình sẽ xuất được khoảng 30.000 chiếc; với mức giá bán buôn là 5.000 đồng/chiếc to, 3.000 đồng/chiếc nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Xã chia sẻ, không xuất ngoại, nhưng sản phẩm của làng Báo Đáp đã đến khắp mọi miền đất nước từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, và các tỉnh lân cận khác...

Một vài bức ảnh VnMedia ghi lại được tại làng Báo Đáp.

 Ảnh minh họa

 Ông Nguyễn Văn Xã là một trong ít người còn lại của làng Báo Đáp vẫn đang làm đèn ông sao truyền thống.

 Ảnh minh họa

 Và có cả thế hệ kệ cận. Con gái cả của ông Nguyễn Văn Xã khi lập gia đình cũng tiếp nối nghề truyền thống của quê hương.

 Ảnh minh họa

 Cậu bé này ngoài giờ học ra cũng tham gia giúp bố mẹ làm đèn ông sao. Em tỏ ra khá chuyên nghiệp khi có thể làm nhiều công đoạn, từ buộc khung

 Ảnh minh họa

 Đến dán viền

 Ảnh minh họa

 Để có thể xuất mẻ hàng phát sinh cho khách, ông Xã đã phải huy động sự giúp đỡ của nhiều người

 Ảnh minh họa

 Theo thông lệ, người làng Báo Đáp bắt đầu công việc làm đèn ông sao ngay sau Tết Nguyên đán và đến tuần đầu tiên của tháng Tám âm lịch là kết thúc. Người dân ở đây chỉ làm theo đơn đặt hàng nên không bao giờ có chuyện ế hàng ở đây.

 Ảnh minh họa

 Gia đình ông Hoàng Sáng, một nghệ nhân khác ở làng Báo Đáp, dù trong nhà chất đầy đèn ông sao, nhưng nhất định không bán cho khách vì ngoài hợp đồng và không thể làm để bù cho khách đã đặt trước được.


Lam Nguyên - (bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc