Hội thảo khoa học về Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân bằng phương thức giải quyết khiếu nại hành chính

16:02, 10/07/2013
|

Hội thảo khoa học về Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân bằng phương thức giải quyết khiếu nại hành chính (KNHC) vừa diễn ra tại Hà Nội. Nhiều ý kiến cho rằng thủ tục hành chính để bảo đảm thực hiện quyền KNHC của công dân vẫn còn hạn chế. Vấn đề đặt ra là phải đổi mới thủ tục để nâng cao hiệu quả giải quyết KNHC, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

 

Quyền khiếu nại hành chính (KNHC) của công dân là nhu cầu và khả năng của công dân được Nhà nước bảo đảm để phản ứng lại quyết định hành chính, hành vi hành chính được ban hành hoặc thực hiện trong quá trình thực thi quyền hành pháp khi công dân cho rằng quyết định, hành vi đó xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Quyền khiếu nại hành chính của công dân được thực hiện và bảo vệ bằng thủ tục hành chính. Đó là toàn bộ trình tự thực hiện việc KNHC và các thiết chế, trình tự giải quyết KNHC của công dân, thực hiện bởi các cơ quan được trao quyền hành pháp và chủ yếu là các cơ quan hành chính nhà nước.

 

Khác với một số quốc gia trên thế giới, hiện nay, việc giải quyết KNHC ở Việt Nam được thực hiện bởi hai phương thức là thủ tục hành chính và thủ tục tư pháp mà chưa có thủ tục bảo hiến chuyên trách. Thủ tục giải quyết KNHC của công dân được thực hiện theo Luật Khiếu nại 2011. Trong quá trình giải quyết, người có thẩm quyền giải quyết KNHC lần đầu chủ yếu là người có quyết định hành chính, hành vi hành chính. Người có thẩm quyền giải quyết KNHC lần hai là thủ trưởng cơ quan hành chính cấp trên. Trình tự giải quyết KNHC ở mỗi lần giải quyết gồm 3 giai đoạn: thụ lý; xác minh, kết luận và ra quyết định giải quyết.

 

Theo đánh giá của Phó Viện Trưởng, Viện Khoa học Thanh tra Nguyễn Tuấn Khanh, so với trước đây, quy định thủ tục hành chính không còn là giai đoạn “tiền tố tụng”. Chính điều này mở rộng cơ hội khởi kiện, cho phép công dân khởi kiện vụ án hành chính trong bất kỳ giai đoạn nào. Thủ tục này thực chất là người giải quyết khiếu nại kiểm tra, xem xét cả tính hợp pháp, hợp lý của các quyết định hành chính, hành vi hành chính. Sau khi giải quyết KNHC thì công bố công khai quyết định giải quyết KNHC. Điều này thể hiện tính minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát công tác giải quyết KNHC.

 

Bên cạnh những điểm tiến bộ, thủ tục hành chính bảo đảm thực hiện quyền KNHC của công dân vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cũng theo ông Khanh, thủ tục giải quyết KNHC chưa khắc phục được tình trạng thiếu khách quan của người có thẩm quyền giải quyết. Việc KNHC hiện nay do thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước giải quyết trên cơ sở tham mưu của cơ quan chuyên môn hoặc cơ quan thanh tra. Thủ trưởng cơ quan hành chính cấp trên có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai, dễ dẫn đến tình trạng thiếu khách quan, thậm chí có sự bao che, dung túng trong giải quyết KNHC. Mặc dù đã có quy định người giải quyết lần hai có thể tham khảo ý kiến Hội đồng tư vấn nhưng do chưa có quy định về giá trị của ý kiến tư vấn nên quyết định nội dung giải quyết vẫn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của thủ trưởng cơ quan hành chính, vì vậy, tính thuyết phục của quyết định giải quyết không cao.

 

Theo ông Khanh, thực tế cho thấy, thủ tục giải quyết KNHC chưa gắn với thủ tục tiếp công dân và xử lý đơn thư. Việc tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại còn lòng vòng, chồng chéo, trùng lắp, khó theo dõi và giải quyết. Đây chính là nguyên nhân gây nên tình trạng khiếu kiện kéo dài, đông người gây mất an ninh trật tự và bức xúc trong xã hội. Trong khi đó, thủ tục hành chính hiện nay mới chỉ tập trung vào việc giải quyết khiếu nại với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước mà chưa cụ thể hóa việc giải quyết KNHC của các cơ quan tổ chức, cá nhân khác được giao thẩm quyền quản lý như Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhànước...

 

Một điểm tồn tại khác nữa đó là việc thi hành các quyết định giải quyết KNHC có hiệu lực pháp luật còn gặp nhiều khó khăn. Những khiếu nại chính đáng của người dân đã được cấp có trách nhiệm giải quyếtvà ra quyết định đúng pháp luật nhưng không được cơ quan hành chính thi hành, hoặc kéo dài thời gian thi hành. Theo Thanh tra Chính phủ, qua tổng hợp báo cáo 26 tỉnh, thành phố trong năm 2011 trong số 427 vụ việc có quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực mới chỉ thực hiện được 171 vụ việc. Chính điều này đã gây nên tình trạng bức xúc đối với người khiếu nại thời gian qua.

 

Để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân cần phải có sự đổi mới trong phương thức giải quyết KNHC. Cần hoàn thiện thủ tục xem xét lại các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ nền hành chính. Thủ tục hành chính cần được thiết lập đơn giản, để bảo đảm nhanh chóng, kịp thời. Cần phân loại các KNHC đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong các lĩnh vực khác nhau để xác định thời hạn thụ lý và giải quyết phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng lĩnh vực. Đồng thời, cần phân biệt rõ hơn trình tự, thủ tục và thời hạn thụ lý, giải quyết khiếu nại đối với hành vi hành chính và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính. Cần bảo đảm sự thông suốt giữa công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư với hoạt động giải quyết KNHC. Cũng có ý kiến cho rằng, về lâu dài nên bỏ quy định về việc giải quyết KNHC lần hai. Theo đó, nếu công dân không đồng ý với việc giải quyết của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì có quyền khởi kiện ra tòa án theo thủ tục tư pháp để được bảo vệ.


Lê Nghĩa

Ý kiến bạn đọc