Đề xuất lập “cơ quan chuyên trách về quyền con người”

06:34, 03/06/2013
|

(VnMedia) - Đối với đề xuất thành lập cơ quan chuyên trách về quyền con người, Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp cho rằng trong điều kiện hiện nay, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nên chưa quy định về thiết chế này...


 Ảnh minh họa
 

Theo tổng hợp của Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp, liên quan đến Chương Quyền con người, có tới 8 loại ý kiến chính của nhân dân đóng góp cho những điều khoản quan trọng của chương này trogn Dự thảo. Đây cũng là chương nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhất, với khoảng 5,6 triệu lượt.

 

Theo đó, loại ý kiến thứ nhất đề nghị cần làm rõ, phân biệt khái niệm quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp.

 

Về loại ý kiến này, theo ông Phan Trung Lý, Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, quyền con người là quyền tự nhiên, vốn có của con người từ lúc sinh ra, còn quyền công dân trước hết cũng là quyền con người, nhưng việc thực hiện nó gắn với quốc tịch, tức là vị thế pháp lý của công dân trong quan hệ với Nhà nước, được Nhà nước bảo đảm đối với công dân của nước mình. Chỉ những người có quốc tịch mới được hưởng quyền công dân ở quốc gia đó. Để làm rõ sự khác biệt này, tham khảo các Công ước quốc tế về quyền con người và Hiến pháp các nước, Dự thảo sử dụng từ “mọi người”, “không ai” khi thể hiện quyền con người và dùng từ “công dân” khi quy định về quyền công dân.

 

Đây là lần đầu tiên quyền con người được hiến định ở nước ta cho dù quyền con người vẫn được bảo vệ bằng các quy định khác của pháp luật. Việc ghi nhận quyền con người trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đánh dấu một bước phát triển trong lịch sử lập hiến Việt Nam, tạo tiền đề để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

 

Loại ý kiến thứ hai đề nghị xem lại cách quy định về quyền con người và quyền công dân, tách riêng quyền con người, quyền công dân thành các mục khác nhau.

 

Ủy ban DTSĐHP phân tích: quyền con người, quyền công dân có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó. Vì vậy, Dự thảo không tách bạch thành các mục riêng về quyền con người và quyền công dân, mà quy định theo kết cấu của các Công ước quốc tế về quyền con người. Theo đó, các nội dung của Chương II được sắp xếp như sau: các nguyên tắc chung, các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, cuối cùng là quy định về nghĩa vụ. Nếu quy định những điều về quyền con người rồi tiếp đến là quyền công dân thì dẫn đến tình trạng lặp lại các quyền ở phần quy định về quyền công dân. Tham khảo Hiến pháp của các nước cũng được bố cục tương tự.

 

Loại ý kiến thứ ba đề nghị có các quy định bảo đảm tính hiện thực, khả thi của các quyền. Cụ thể, phải xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước và những bảo đảm của Nhà nước; tránh thể hiện theo văn phong “cương lĩnh”. Những ý kiến này đề nghị các quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp có hiệu lực áp dụng trực tiếp, không nên quy định về một số quyền chưa khả thi mà chỉ cần hiến định các quyền cơ bản dễ bị tổn thương do sự lạm quyền từ phía cơ quan nhà nước gây ra. Cần quy định về thiết chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người (có thể là Ủy ban về quyền con người thuộc Quốc hội, Cơ quan Nhân quyền quốc gia hoặc Ủy ban quốc gia về quyền con người…).

 

Ông Phan Trung Lý cho biết, tiếp thu các ý kiến đóng góp, Ủy ban DTSĐHP đã chỉ đạo chỉnh sửa các điều khoản để rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện quyền, bảo đảm nguyên tắc vừa ghi nhận quyền con người, quyền công dân vừa thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền tại các điều 18, 19, 25, 27,29, 31, 32, 39, 40. Dự thảo cũng đã sử dụng tối đa ngôn ngữ, văn phong pháp lý, có tính chất ràng buộc hơn.

 

Đối với một số quyền con người được coi là chưa khả thi như quyền được sống trong môi trường trong lành, Dự thảo vẫn ghi nhận nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền, đồng thời thể hiện định hướng cam kết của Nhà nước phải bảo đảm thực hiện. Đây cũng là xu hướng hiện nay trong luật quốc tế về quyền con người và Hiến pháp của nhiều nước trên thế giới.

 

Đối với ý kiến đề xuất thành lập cơ quan chuyên trách về quyền con người, Ủy ban DTSĐHP cho rằng đây là một thiết chế góp phần thúc đẩy, bảo vệ quyền con người, nhưng trong điều kiện hiện nay, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Hơn nữa, Dự thảo cũng đã trù liệu cơ chế bảo vệ Hiến pháp, bảo đảm hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp phải tuân theo Hiến pháp, trong đó phải tuân theo các quy định về quyền con người, quyền công dân. Qua đó có thể tăng cường tính khả thi của các quy định về quyền con người, quyền công dân. Đồng thời, việc thúc đẩy, bảo vệ quyền con người, quyền công dân là trách nhiệm của toàn bộ các cơ quan nhà nước. Với những lý do như vậy, Dự thảo chưa quy định về thiết chế này.

 

Loại ý kiến thứ tư cho rằng về cơ bản quyền con người là không bị hạn chế, nhưng nếu hạn chế phải chỉ rõ cơ sở để hạn chế và chỉ được hạn chế theo quy định của luật.

 

Theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, có thể hạn chế một số quyền, nhưng cần thể hiện rõ việc hạn chế chỉ trong một số trường hợp vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức xã hội, tôn trọng quyền và tự do của người khác… Như vậy, tùy vào từng quyền mà việc hạn chế quyền được phép hạn chế như thế nào cho phù hợp.

 

Do đó, theo ông Phan Trung Lý, tiếp thu ý kiến nhân dân, theo tinh thần các Công ước quốc tế, Ủy ban DTSĐHP đã chỉnh sửa Điều 15 khoản 2 để làm rõ hơn lý do và những trường hợp có thể hạn chế quyền, ngăn ngừa sự tùy tiện trong việc hạn chế quyền. Theo đó, “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế ở mức độ cần thiết trong trường hợp khẩn cấp vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”.

 

Loại ý kiến thứ năm đề nghị xác định rõ trường hợp nào việc thực hiện quyền theo quy định của luật, trường hợp nào theo quy định của pháp luật để tránh sự lạm dụng, vi phạm quyền công dân của các cơ quan công quyền; bảo đảm nguyên tắc quyền do Hiến pháp và luật quy định.

 

Về vấn đề này, Ủy ban DTSĐHP cho rằng, hệ thống pháp luật của Việt Nam gồm nhiều văn bản khác nhau, do các cơ quan có thẩm quyền khác nhau ban hành. Trong khi đó, quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là những nội dung rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến con người, công dân. Vì vậy, về nguyên tắc, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân chỉ có thể được quy định trong Hiến pháp mà không thể quy định bằng pháp luật nói chung; khi được quy định trong Hiến pháp thì đã có hiệu lực thi hành.

 

Tuy nhiên, để bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó, trong một số trường hợp cần phải có các quy định về quy trình, thủ tục cụ thể, hoặc về các điều kiện bảo đảm với mức độ chi tiết khác nhau mà luật cũng không quy định hết, cần có các văn bản quy phạm pháp luật khác. Do đó, tiếp thu ý kiến của nhân dân, Ủy ban DTSĐHP đã rà soát từng quyền trong Chương II để thể hiện trường hợp nào thì “theo quy định của luật” (các điều 15, 22, 23a, 38 và 48), trường hợp nào thì “theo quy định của pháp luật” (các điều 23, 24, 26, 31 và 32). Để giảm thiểu sự lạm dụng cụm từ “theo quy định của pháp luật”, trong thực tế sau này cần thực hiện triệt để nguyên tắc về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

 

Loại ý kiến thứ sáu đề nghị, trong một số trường hợp cần có quy định về nghĩa vụ cơ bản của công dân nhằm bảo đảm nguyên tắc việc hưởng quyền phải tương ứng với thực hiện nghĩa vụ.

 

Tiếp thu ý kiến này, Ủy ban DTSĐHP đã rà soát, bổ sung quy định về nghĩa vụ vào các điều 16, 42, 46, 47, 48, 49 và 50. Mặt khác, một số điều khoản khác trong Dự thảo đã quy định về việc nghiêm cấm những hành vi tổn hại đến quyền, hoặc sử dụng cụm từ “không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm/vi phạm…”.

 

Loại ý kiến thứ bảy đề nghị bổ sung một số quyền của cá nhân; bổ sung một số nghĩa vụ; bổ sung quy định: “việc liệt kê các quyền con người, quyền công dân trong bản Hiến pháp này không có nghĩa là coi nhẹ các quyền con người, quyền công dân khác”.

 

Với loại ý kiến này, Ủy ban DTSĐHP cho rằng, Hiến pháp chỉ nên quy định những nội dung cơ bản nhất về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân như trong Dự thảo. Mặt khác, một số quyền và nghĩa vụ mà các ý kiến của nhân dân đề xuất đã được Dự thảo thể hiện như: quyền tự do tôn giáo, quyền khiếu kiện Chính phủ, quyền có công ăn việc làm, quyền tham gia vào quyết định các vấn đề về môi trường, quyền được trưng cầu ý dân; nghĩa vụ đối với cộng đồng…

 

Ngoài ra, theo Ủy ban DTSĐHP, có những đề xuất về một số quyền là những vấn đề còn mới mẻ ở Việt Nam , cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

 

Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định“việc liệt kê các quyền con người, quyền công dân trong bản Hiến pháp này không có nghĩa là coi nhẹ các quyền con người, quyền công dân khác”, Ủy ban DTSĐHP đề nghị không cần thiết phải bổ sung quy định nói trên, vì một số điều khoản của Dự thảo hiện hành đã thể hiện tinh thần “không coi nhẹ” bất kỳ quyền con người, quyền công dân nào khác mà chưa được liệt kê.

 

Loại ý kiến cuối cùng đề nghị bố cục, sắp xếp lại Chương II, trong đó có việc tách riêng quyền con người, quyền công dân thành các mục khác nhau. Ông Phan Trung Lý, cho biết, tiếp thu các ý kiến, Ủy ban DTSĐHP đã chỉnh lý lại các điều trong Dự thảo như: Ghép Điều 20 vào Điều 16,chuyển Điều 37 thành Điều 23a. Tuy nhiên, Ủy ban DTSĐHP cho rằng, quyền con người, quyền công dân có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó, vì vậy, không thể tách quy định về quyền con người, quyền công dân thành 2 mục riêng.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc