Chậm tiến độ gói thầu, Bộ Giao thông lo bị đòi bồi thường

07:51, 05/04/2013
|

(VnMedia) - Lo ngại việc chậm tiến độ một số gói thầu ở cầu Nhật Tân tiềm ẩn nguy cơ bị nhà thầu ngoại đòi bồi thường, ngày 4/4, Bộ Giao thông vận tải đã họp với Uỷ ban Nhân dân thành phố (UBND TP) Hà Nội để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án.

>>Yêu cầu làm rõ việc chậm tiến độ cầu Nhật Tân

Ngày 4/4, Bộ Giao thông vận tải và UBND Hà Nội đã có buổi làm việc xung quanh việc giải póng mặt bằng (GPMB) tại những tuyến đường cao tốc: Hà Nội – Thái Nguyên, Nội Bài – Lào Cai, Nội Bài – Nhật Tân, cầu Nhật Tân. Đây đều là những dự án trọng điểm của Bộ Giao thông vận tải và thành phố Hà Nội, dù đã được khởi công cách đây vài năm nhưng đến thời điểm này, các gói thầu đều triển khai rất chậm do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Theo ông Lưu Việt Khoa, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án 2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, sở dĩ dự án bị chậm tiến độ đến thời điểm này là do trên tuyến còn 0,6km chưa được giải phóng mặt bằng; trong đó, huyện Gia Lâm có 150m do vướng 49 hộ tái định cư; huyện Đông Anh vướng 10 hộ tái định cư; huyện Sóc Sơn còn 420m, với 58 hộ cần tái định cư. ..

Cùng chung khó khăn trên, đại diện Ban quản lý dự án 85, chủ đầu tư 2 dự án đường dẫn cầu Nhật Tân – sân bay Nội Bài, cầu Nhật Tân cũng cho biết, dự án đang bị chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng quá chậm. .

Theo đại diện của các đơn vị trên, tại địa bàn huyện Sóc Sơn, chỉ tính riêng 3 gói thầu của dự án đường dẫn cầu Nhật Tân – sân bay Nội Bài vẫn còn 425 hộ dân có đất thổ cư chưa chịu di dời dù đã nhận tiền đền bù mặt bằng.

 Ảnh minh họa

Do chậm chễ trong công tác giải phóng mặt bằng nên gói thầu số 1, 2 của dự án cầu Nhật Tân đang đứng trước nguy cơ bị nhà thầu nước ngoài kiện đòi bồi thường.

“Một số hộ đã bàn giao nhưng lại nằm vị trí xen kẽ với nhà ở lại nên không có đường vào để đơn vị thi công trên diện tích đã giải phóng xong,” đại diện chủ đầu tư dự án nêu ra khó khăn.

Tương tự, được khởi công từ năm 2009, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10 năm 2014, dự án cầu Nhật Tân đến nay vẫn bị tắc ở khâu mặt bằng sạch do liên quan tới 278 hộ dân tại nút giao Phú Thượng (phường Phú Thượng - Tây Hồ) chưa chịu bàn giao mặt bằng.

“Hiện đã có 178 hộ dân đã bàn giao mặt bằng và di dời. Tuy nhiên, đơn vị thi công không thể tiến hành làm được vì nhà cửa các hộ này xen kẽ với 100 hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng vì chưa đồng thuận với giá đền bù, đồng thời không cho tổ công tác giải phóng mặt bằng của phường, quận vào kiểm đếm đo đạc. Vì vậy, công tác giải phóng mặt bằng sạch gặp nhiều khó khăn,” ông Đỗ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho hay.

Lo ngại bị nhà thầu ngoại đòi bồi thường

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, việc chậm chễ bàn giao mặt bằng các dự án trên sẽ dẫn đến thời gian thi công hoàn thành các gói thầu bị kéo dài, ảnh hưởng tiến độ dự án. Thậm chí, gói thầu số 1, 2 của cầu Nhật Tân tiềm ẩn nguy cơ bị nhà thầu nước ngoài kiện đòi bồi thường vì chậm trễ giải phóng mặt bằng.

"Dù việc bồi thường cho nhà thầu nước ngoài do chậm tiến độ trong giải phóng mặt bằng là chưa có tiền lệ song rất khó để giải thích và ảnh hưởng đến quan hệ song phương hai nước", Thứ trưởng Trường nói.

Từ lo lắng trên, để đẩy nhanh tiến độ dự án, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu, chậm nhất đến 30/6, các quận huyện trên địa bàn Hà Nội có dự án giao thông đi qua phải giao đất cho chủ đầu tư thì mới có thể đáp ứng tiến độ công trình.

Ông cũng lưu ý, các quận huyện của Hà Nội cần phải đặt ra mốc thời gian cho từng dự án về công tác bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Cụ thể, cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đến 30/4 sẽ giải quyết đất thổ cư xong và đến trung tuần tháng 5 sẽ di chuyển vị trí các đường điện hạ cao thế. Dự án đường nối sân bay Nội Bài – cầu Nhật Tân, cầu Nhật Tân sẽ hoàn thành và bàn giao mặt bằng sạch chậm nhất vào cuối tháng 6.

Tham dự cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Văn Khôi yêu cầu các chủ đầu tư dự án và chính quyền quận, huyện của thành phố cần nắm chắc thủ tục về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và thường xuyên có sự trao đổi với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và UBND thành phố để xử lý các vướng mắc.

Để nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, ông Phó Chủ tịch UBND Hà Nội yêu cầu, các ban ngành liên quan đề xuất cơ chế chính sách tái định cư phân tán cho người dân được lựa chọn hoặc chính sách hỗ trợ bằng tiền để các hộ tự lo xây nhà ở tái định cư; đồng thời các quận, huyện, sở liên quan phải có trách nhiệm trong việc lập, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ di dân giải phóng mặt bằng.


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc