Quản lý lỏng, người tiêu dùng chưa tin rau an toàn

18:45, 24/03/2013
|

Không đủ về số lượng, chất lượng RAT bán trên thị trường cũng vẫn “bấp bênh” chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng do những bất cập ngay từ khâu quản lý.

Sau 3 năm triển khai Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT), Hà Nội đã tự sản xuất được hơn 800 tấn rau sạch/ngày. Tuy nhiên, con số này mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu người dân. Bởi ngay cả rau bình thường, Hà Nội cũng mới chỉ tự cung ứng được 60%. Không đủ về số lượng, chất lượng RAT bán trên thị trường cũng vẫn “bấp bênh” chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng do những bất cập ngay từ khâu quản lý.

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, sau 3 năm triển khai Đề án, đến nay toàn TP có 3.800ha được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT, phân bố ở 93 xã trọng điểm rau. Sản lượng RAT đạt khoảng 295.000 tấn/năm, tương đương 800 tấn/ngày. Về tiêu thụ, ngoài các chợ đầu mối rau củ quả, hiện toàn TP có 58 cửa hàng, điểm bán RAT được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh với sản lượng tiêu thụ trung bình 50 – 120kg/ngày; 35 siêu thị đang tiêu thụ RAT với sản lượng 80 - 200kg/ngày...

Ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Hà Nội đã ký với 9 tỉnh đưa rau về nhằm bổ sung, tạo điều kiện để nâng cao khả năng cung ứng của các địa phương. Trên thực tế, các vùng rau trọng điểm của Hà Nội cũng đã có những chuyển biến lớn về phương thức canh tác, tuân thủ yêu cầu của các quy trình sản xuất RAT.

Tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bị cấm và phân tươi hầu như không còn. Những điều này đã bước đầu tạo được lòng tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, người trồng rau vẫn lo lắng bởi khâu tiêu thụ, người tiêu dùng cũng ngần ngại khi lựa chọn RAT vì lo mua phải rau bẩn bị trà trộn. Với nông dân, rau trồng theo đúng quy trình sẽ mất rất nhiều công chăm bón, năng suất lại thấp, chi phí đắt hơn trồng rau bình thường. Trong khi đó, rau trồng ra nhiều lúc lại “tắc” không tiêu thụ được.

Theo ông Hoàng Văn Tùng, Chủ nhiệm HTX rau Thành Đa (xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ), có thời điểm, RAT giá thấp, không đủ chi phí và đến nay cũng chưa có nơi tiêu thụ ổn định để các xã viên yên tâm sản xuất. Nhiều hộ đầu tư sản xuất RAT nhưng lại ế, thất thu hàng chục triệu đồng nên đã có nhiều người bỏ không trồng RAT nữa. Ông Tùng dẫn chứng, bắp cải trồng đúng quy trình, mua tại ruộng có giá 2.000 đồng/cây. Nhưng người buôn rau cũng không mua giá cao hơn vì nếu bán ở chợ, rau nào cũng giống nhau. Thậm chí RAT còn bị chê “xấu mã”.

Đến thời điểm này, theo Sở NN & PTNT Hà Nội tổ chức, Hà Nội đã có 58 cửa hàng bán RAT có kiểm soát, sản lượng tiêu thụ khoảng 50-120kg/ngày. Bên cạnh đó, có 35 siêu thị đang tiêu thụ RAT, sản lượng trung bình 80-200kg/ngày. Số lượng rau tiêu thụ qua hai kênh này chỉ chiếm 1%-2% tổng sản lượng RAT. Con số này quá thấp so với hàng trăm điểm bán RAT hiện nay trên địa bàn TP.

Để RAT có thương hiệu và tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, UBND TP Hà Nội đã triển khai thực hiện dán tem chứng nhận rau sạch tại 300 cửa hàng bán RAT tại các khu dân cư trên địa bàn TP ngay trong quý I. Theo kế hoạch này, tem chứng nhận rau sạch phải ghi cơ sở sản xuất, đóng gói, chất lượng rau đã qua khâu kiểm soát của lực lượng bảo vệ thực vật. Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, mục tiêu của chương trình kiểm soát theo chuỗi từ cơ sở sản xuất RAT đến nơi tiêu thụ là giúp phân định được RAT với rau chưa được chứng nhận; đồng thời quảng bá sản phẩm rau từ cơ sở sản xuất RAT đến người tiêu dùng, đặc biệt giúp truy xuất được nguồn gốc xuất xứ rau từ nơi tiêu thụ đến các cơ sở sản xuất RAT.

Cũng theo ông Tiệp, sau 1 năm triển khai thí điểm ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, việc gắn tem để truy xuất nguồn gốc xuất xứ rau đã thực hiện được khoảng 65-70%, chủ yếu ở khâu bán buôn. Còn theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết: “Điều quan trọng là các cơ quan chức năng phải giám sát để xác định được, rau được chứng nhận rồi có an toàn hay không? Làm thế nào để người tiêu dùng tin tưởng vào RAT… Nếu làm thành công, mô hình sẽ là cơ sở để nhân rộng ra các mô hình khác như gà, lợn, thủy sản”.

Tuy nhiên, việc quản lý tem nhãn vẫn còn khá lỏng lẻo. Theo quy định, hàng ngày sẽ có một đội của Chi cục Bảo vệ Thực vật đi kiểm tra và dán tem cho rau trước khi người trồng mang xuất bán. Nhưng thực tế, rất ít sản phẩm được cán bộ kỹ thuật sản xuất dán tem, mà chủ yếu là phát tem cho các hộ trồng rau tự dán. Nguyên nhân là do không đủ người dán, việc bán rau của người dân vẫn là bán lẻ… Ngoài một số loại củ có thể dán tem trực tiếp lên sản phẩm như cuống, rất nhiều loại rau ăn lá, đỗ… chỉ có cách dán tem vào thùng. Chính vị trí dán tem này rất dễ xảy ra tình trạng bán hết rau sạch lại cho rau khác vào thùng và bán tiếp.

Và thực tế, đã có một số cơ sở vi phạm việc dán tem, bị Chi cục BVTV Hà Nội thu hồi tem. Vì thế, để rau an toàn thật sự có chỗ đứng và được người tiêu dùng tin cậy, rất cần có những quy chuẩn, sự phối hợp liên kết tiêu thụ để rau từ ruộng tới thẳng tay người tiêu dùng là RAT thực sự.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc