“Mỗi dự án đường sắt đô thị thường kéo dài 10 năm”

15:24, 17/03/2013
|

(VnMedia) - Đó là khẳng định của ông Emmanuel, Đồng giám đốc Dự án hợp tác phát triển đô thị Hà Nội tại buổi toạ đàm “Hạ tầng giao thông công cộng và quy hoạch đô thị Việt Nam” được tổ chức tại Trung tâm Văn hoá Pháp tại Hà Nội chiều tối 15/3.

>>“Không thể nói xây ga C9 ở Bờ Hồ là nhạy cảm”

>>Có nên xây ga tàu điện ngầm sát Hồ Gươm?

>>Hà Nội sắp có ga tầu điện ngầm ngay sát Bờ Hồ 

Như VnMedia đã đưa tin, chiều 15/3, Trung tâm Văn hoá Pháp tại Hà Nội đã tổ chức toạ đàm “Hạ tầng giao thông công cộng và quy hoạch đô thị Việt Nam ”. Tham gia buổi toạ đàm có đại diện các viện quy hoạch giao thông và xây dựng Việt Nam và các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giao thông của Pháp.

 

Tại buổi toạ đàm, ông Lê Vinh, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có dân số nội thành khoảng 2 triệu người. Bình thường với dân số như vậy, phải phát triển phương tiện giao thông công cộng lớn nhưng chúng ta chưa có đủ mà chủ yếu phải dựa vào xe buýt. Trong khi đó, phương tiện cá nhân đang tăng nhanh, do đó cần phải có phương tiện thay thế và việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị được tính đến.

 

Ông Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, trong quy hoạch giao thông chung của Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị. Hiện Hà Nội đang triển khai xây dựng 3 tuyến: số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội), số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), sô 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) và hiện đang triển khai tuyến số 5 Hồ Tây – Hoà Lạc – Ba Vì…

 

“Việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị đòi hỏi kinh phí lớn. Tuy nhiên, chúng ta phải xây dựng thì mới đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân đến năm 2030”, ông Vinh khẳng định.

 

Tham dự buổi toạ đàm, KTS Lê Mạnh Cường cho rằng, nước Pháp, với kinh nghiệm 100 năm thì việc tổ chức và vận hành hệ thống tàu điện Metro không có vấn đề gì. Tuy nhiên, với Việt Nam thì còn quá ít kinh nghiệm.

 

Ông Cường cho biết, ngay trong năm 1982 khi chuyên gia Liên Xô sang nghiên cứu về xây dựng hệ thống Metro ở Việt Nam, khi đó chúng ta cũng chưa hiểu rõ thế nào là Metro. Đến năm 1996, khi được giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, mới bắt đầu cử chuyên gia sang một số nước trong khu vực tham quan, học hỏi kinh nghiệm xây dựng mô hình và biện pháp tổ chức của họ. Sau đó, mới đưa vào đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


Ảnh minh họa

                     Theo quy hoạch, từ này đến 2030, Hà Nội dự tính sẽ xây dựng
                                           8 tuyến đường sắt đô thị.

Gần đây khi triển khai mới thấy mối liên kết về hình thái đô thị với các tuyến tàu điện ngầm khác với trước đây hình dung rất nhiều, càng nghiên cứu càng thấy vai trò quan trọng của hệ thống đường sắt đô thị. 

“Tại Paris hiện nay, có tới 4-5 phương tiện phục vụ cho giao thông công cộng và như thế mới đủ nhưng Hà Nội mới có xe buýt nên còn quá thiếu”, ông Cường cho biết.

 

Pháp khi xây dựng một tuyến đường sắt đô thị cũng mất 10 năm

Trước lo ngại về những dự án đường sắt đô thị của Việt Nam đang triển khai đều bị chậm tiến độ, tham dự buổi toạ đàm, đại diện vùng Villdefrance (Pháp) cho biết, tác động khi xây dựng một hệ thống hạ tầng phát triển giao thông lớn thường có 3 vấn đề phải lưu ý, đó là phải có đường lên xuống, khu phố xung quanh nhà ga, đường tàu…

Tuy nhiên, khi xây dựng một ga tàu điện thì giá đất khu vực quanh ga sẽ tăng lên, giao thông đi lại thường thuận tiện hơn. Quá trình phát triển của một thành phố đặt ra nhiều vấn đề: giá trị đất đai, giá trị di sản…

 

Để dẫn chứng, ông Emmanuel, Đồng giám đốc Dự án hợp tác phát triển đô thị Hà Nội cho biết, ở Pháp khi chúng tôi tiến hành xây dựng ga tàu điện ngầm, một số nhà kinh doanh thường tập hợp lại đòi đền bù cao. Tuy nhiên, sau khi được phân tích lợi nhuận sẽ thu lại sau khi công trình hoàn thành mang lại thì họ không đòi hỏi nữa.

Vị chuyên gia người Pháp này chia sẻ, thông thường một dự án giao thông công cộng kiểu như đường sắt đô thị ở Việt Nam khi xây dựng trên đất Pháp cũng  thường kéo dài 10 năm.

"Khi xây dựng chúng tôi thường tiến hành các bước nghiên cứu khả thi, mời thầu, sau đó mang thiết bị đến lắp đặt… Quá trình này kéo dài hơn 10 năm. Thường thì, 
thời gian dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng cho một đường tàu ít nhất phải kéo dài 5 năm", vị chuyên gia người Pháp và là Đồng giám đốc Dự án hợp tác phát triển đô thị Hà Nội cho biết.

Theo vị chuyên gia này, ở
Pháp khi xây dựng ga tàu điện ngầm thường có một sơ đồ quy hoạch chung tuỳ theo nhu cầu phục vụ và có những cuộc điều tra ban đầu, tìm hiểu được đi lối lại… thuận tiện thì mới đặt ga tàu.

Ông cũng lưu ý, Hà Nội khi xây dựng các ga tàu điện ngầm cần chú ý kết nối với hệ thống xe buýt sao thuận tiện nhất, giúp người dân được tiếp cận phương tiện này dễ dàng nhất sau khi rời các tuyến tàu điện ngầm.


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc